Iran đã tiến hành đợt tấn công bằng nhiều tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq để trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds, Vệ binh Cách mạng Iran. Cuộc tấn công nhắm vào căn cứ Al Asad và Irbil.
Theo BBC, căn cứ Al Asad được xây dựng cho quân đội Iraq vào những năm 1980, nằm trên vùng sa mạc cách thủ đô Baghdad khoảng 160 km về phía tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đến thăm căn cứ này vào tháng 12/2018. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Trump đến căn cứ Mỹ đóng ở vùng chiến sự. Ảnh: Reuters. |
Như một thị trấn hiện đại
Tuy nhiên, sau khi tấn công Iraq năm 2003, nó trở thành căn cứ lớn nhất cho quân đội Mỹ và nhanh chóng được chuyển đổi.
“Nó nằm ngay giữa sa mạc và được bao quanh bởi các bụi rậm, đá và sa mạc. Khi bạn xuất hiện ở khu vực của người Mỹ, bạn đi qua những con đường tốt hơn nhiều. Bằng nhiều cách, người Mỹ đã cố gắng thiết lập nó như một thị trấn hiện đại của Mỹ”, phóng viên BBC mô tả trong một chuyến thăm vào năm 2006.
Căn cứ này rất ấn tượng, thậm chí một số lính Mỹ gọi nó là “Camp Cupcake”. Căn cứ này có nhà hàng, bể bơi, rạp chiếu phim và có đến hai tuyến xe buýt nội bộ.
Khi Mỹ rút quân khỏi Iraq vào năm 2009 và 2010, căn cứ này được trả lại cho người Iraq. Nhưng khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng giành quyền kiểm soát tỉnh Anbar, căn cứ đã bị tấn công. Năm 2014, khi IS bao vây căn cứ này, phóng viên BBC đã được tiếp cận căn cứ thông qua máy bay quân sự của Iraq.
"Nó nhắc nhở về sự chiếm đóng của người Mỹ với vỏ đạn pháo ở khắp mọi nơi, những khu nhà ở phủ bụi, với các gói khẩu phần ăn chưa sử dụng nằm rải rác khắp sàn nhà", phóng viên BBC mô tả.
Mức độ tiện nghi của căn cứ Al Asad ngày này đã giảm xuống nhiều so với trong cuộc tấn công Iraq năm 2003. Ảnh: AP. |
Sau khi Mỹ ở trở lại Iraq để chiến đấu với IS vào năm 2014, căn cứ này đã được củng cố và xây dựng lại. Tuy nhiên, với số lượng binh sĩ đóng quân ít hơn nhiều, căn cứ này chỉ cung cấp một phần nhỏ tiện nghi so với trước đây.
Ngày 26/12/2018, Tổng thống Donald Trump đã đến thăm căn cứ: “Những người đàn ông và phụ nữ đóng quân tại Al Asad đóng vai trò quan trọng trong sự thất bại của IS ở Iraq và Syria”, Tổng thống Trump nói.
Tổng thống Trump sau đó thừa nhận ông lo lắng cho sự an toàn của vợ mình trong suốt chuyến đi. Tháng 11/2019, Phó tổng thống Mike Pence cũng đã đến thăm căn cứ vào dịp Lễ tạ ơn.
Không rời đi nếu Iraq chưa trả tiền
Người ta ước tính khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ tại căn cứ Al Asad, trong số 5.000 binh sĩ ở Iraq. Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu yêu cầu trục xuất quân đội Mỹ khỏi nước này, sau vụ không kích sát hại tướng chỉ huy lực lượng Quds, Vệ binh Cách mạng Iran.
Đáp lại, Tổng thống Trump nói rằng: “Chúng tôi có một căn cứ không quân cực kỳ đắt đỏ ở đó. Nó tốn hàng tỷ USD để xây dựng. Chúng tôi sẽ không rời đi, trừ khi họ trả lại tiền cho chúng tôi”.
Căn cứ khác bị tấn công là Irbil, thủ đô của khu vực tự trị Kurdistan tương đối ổn định của Iraq. Trong tháng 9, quân đội Mỹ cho biết, Irbil là nhà của 3.600 binh sĩ và nhân viên dân sự từ 13 quốc gia khác.
Căn cứ này được sử dụng để huấn luyện lực lượng địa phương. Tháng trước, Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ, cho biết nữ giảng viên quân sự đầu tiên trong khu vực đã tốt nghiệp từ Irbil. Người ta vẫn chưa thể biết quân đội Mỹ sẽ ở lại Iraq trong bao lâu, sau khi có sự nhầm lẫn trong lá thư về việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq.