Cận cảnh bãi rác lớn nhất thủ đô chỉ cách nhà dân 50 m
Thứ tư, 16/1/2019 11:18 (GMT+7)
11:18 16/1/2019
Nhiều ngôi nhà nằm ngay sát bãi rác lớn nhất thủ đô thuộc ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Họ than phải chịu cảnh ngửi mùi hôi thối 24 giờ mỗi ngày.
Nhà dân nằm ngay sát bãi rác Nam Sơn hàng ngày đang phải chịu cảnh ô nhiễm, hôi thối. Bãi Nam Sơn, bãi rác lớn nhất thủ đô, đi vào hoạt động từ năm 1999, là nơi xử lý rác chính của 4 quận nội thành với công suất trên 4.000 tấn mỗi ngày. Nhiều năm qua, người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn đã kiến nghị nhiều lần về tình trạng bãi rác ô nhiễm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống.
Tuy có khá nhiều cây cối bao quanh bãi rác, nhưng không thể ngăn cản mùi hôi và không khí ô nhiễm phát tán sang khu vực người dân sinh sống. Từ ngày 10-13/1, hàng trăm người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (thuộc huyện Sóc Sơn) tập trung tại 2 con đường dẫn vào Trung tâm xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Nhóm người này dựng lán, chặn đường không cho xe chở rác vào bãi.
Chị Thịnh (xóm 20, thôn Xuân Thịnh) chia sẻ: "Mấy hôm nay đã xịt thuốc nên ruồi muỗi đỡ nhiều, người ta đậy kín rác nên mùi hôi thối cũng giảm. Đợt trước nhà tôi chịu ảnh hưởng nặng lắm, đa phần là về không khí. Ruồi bám kín nhà, nấu nướng phải đóng kín cửa, chui vào phòng".
Tường nhà dân thôn Xuân Thịnh cách tường rào bãi rác Nam Sơn đúng một con đường. Theo quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành ngày 3/6/2013), khoảng cách an toàn từ điểm/bãi chôn lấp rác thải đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, các nguồn nước sông, hồ… tối thiểu là 500 m. Tuy nhiên, bãi rác Nam Sơn ngày càng lớn thành một "ngọn núi" lấn chiếm diện tích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho những hộ dân có khoảng cách từ 0 đến 500 m tính từ bãi rác.
Một góc "núi rác" Nam Sơn nhìn từ trên cao.
Hố nước thải với màu nước đục ngầu, đậm mùi hóa chất chỉ qua xử lý đơn giản, gây khó chịu cho người dân sống ở khu vực này. "Chính quyền hứa hết năm 2018 sẽ giải quyết xong việc đền bù đất, di dời người dân khỏi vùng ô nhiễm nhưng đến đầu 2019 vẫn chưa có tiến triển", ông Nguyễn Văn Kỳ, người dân thôn 2, xã Hồng Kỳ, nói.
Đây không phải lần đầu tiên người dân sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn chặn xe, yêu cầu đối thoại với lãnh đạo thành phố. Trong vòng 2 năm (2017-2018), người dân Nam Sơn đã 3 lần chặn đường, ngăn không cho xe chở rác từ nội đô di chuyển vào khu xử lý. Nhưng người dân thủ đô chưa bao giờ nhìn thấy rác thải ùn ứ chất cao như núi trong thành phố như hôm 10/1. Các chuyên gia về môi trường cho rằng đây không chỉ là câu chuyện quanh bãi rác, mà còn là câu chuyện về quy hoạch dân cư ở nội đô và nhiều vấn đề khác xung quanh việc xử lý rác thải.
"Các nước đã có nhiều công nghệ xử lý rác hiện đại. Tôi không hiểu vì sao chúng ta vẫn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề", GS. Đặng Hùng Võ nói.
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” gọi điện bằng tiếng Nhật để nói chuyện với các tổng giám đốc công ty người Nhật, yêu cầu sa thải công nhân có vay tiền.