Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS. Đặng Hùng Võ: Hà Nội quá chậm trễ trong việc xử lý rác thải

"Các nước đã có nhiều công nghệ xử lý rác hiện đại. Tôi không hiểu vì sao chúng ta vẫn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề", GS. Đặng Hùng Võ nói.

Cuộc sống khổ cực của người dân quanh bãi rác Nam Sơn Người dân Nam Sơn phải sống khổ cực nhiều năm nay vì mùi hôi thối của rác thải từ khu xử lý rác Nam Sơn. Bà con nhiều lần chặn xe rác đòi đối thoại với lãnh đạo thành phố.

Bàn về việc người dân Nam Sơn chặn xe rác, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng đây không chỉ là câu chuyện quanh bãi rác, mà còn là câu chuyện về quy hoạch dân cư ở nội đô và nhiều vấn đề khác xung quanh việc xử lý rác thải.

“Chúng ta không thể chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề rác thải thành phố được nữa”, GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

"Quy hoạch chưa tạo ra sự phát triển lành mạnh"

Đây không phải lần đầu tiên người dân sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn chặn xe, yêu cầu đối thoại với lãnh đạo thành phố. Trong vòng 2 năm (2017-2018), người dân Nam Sơn đã 3 lần chặn đường, ngăn không cho xe chở rác từ nội đô di chuyển vào khu xử lý. Nhưng người dân thủ đô chưa bao giờ nhìn thấy rác thải ùn ứ chất cao như núi trong thành phố như hôm 10/1.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng tất cả các khu vực trong nội đô đang gặp vấn đề về quy hoạch.

“Chúng ta đều nhìn thấy tình trạng mật độ dân cư thực tế ở các khu đô thị đang vượt mức 3-4 lần so với mật độ cho phép”, GS. Đặng Hùng Võ nhận định và cho rằng điều này tạo ra áp lực lên môi trường Thủ đô khi lượng rác thải ra mỗi ngày tăng theo số lượng dân cư.

xu ly rac thai o Ha Noi anh 1
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng thành phố Hà Nội không thể chậm trễ trong việc giải quyết bài toán xử lý rác thải được nữa. Ảnh: B.Đ 

Tại Hà Nội, việc tăng dân số một cách cơ học đang vượt quá ngưỡng chịu đựng của hạ tầng thành phố, trong đó có hạ tầng về môi trường. “Chung cư vẫn cứ xây, nhà đầu tư cứ bán, người dân cứ đổ về mua, mọi chuyện vẫn cứ diễn ra êm đềm như vậy”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói với Zing.vn.

Nhìn từ góc độ chuyên gia về quản lý môi trường, PGS.TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Công nghệ và Quản lý môi trường TP.HCM, cũng cho rằng việc tăng trưởng dân số tạo ra gánh nặng rất lớn đối với môi trường thành phố. Trong khi đó, các khu xử lý rác thải đều chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng.

“Chúng ta có thể thấy nếu không có bãi rác Nam Sơn, thành phố Hà Nội hoàn toàn bất lực trong việc xử lý rác thải”, PGS.TS Lê Hùng Anh nói.

Trong khi đó, người dân tại Nam Sơn vẫn đang chờ đợi phương án di dời, đền bù của thành phố đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong bán kính 500 m.

"Nhưng việc di dời người dân trong bán kính 500 m chưa phải là giải pháp hiệu quả, bởi vì vùng ảnh hưởng còn rộng hơn rất nhiều. Giải pháp tốt nhất là thành phố phải thay đổi phương thức xử lý rác thải", nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định. 

Chưa có phương án xử lý rác hiệu quả

Hiện, khu xử lý chất thải Nam Sơn là nơi duy nhất xử lý rác của Hà Nội. Toàn bộ rác thải từ trong nội thành sẽ được chuyển về đây để xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Nhưng phương pháp này được nhiều chuyên gia nhận định là thiếu khoa học và không phải giải pháp lâu dài.

xu ly rac thai o Ha Noi anh 2
Một phần diện tích rác thải đã được chôn lấp của bãi Nam Sơn. Ảnh: Ngọc Tân.

Để giải quyết được vấn đề ở các khu xử lý rác thải, TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Công nghệ và Quản lý môi trường, cho rằng trước mắt thành phố cần quản lý được lượng rác tại nguồn. Hiện nay, tất cả rác thải đều được người dân gom vào một chỗ và để xe rác đến chở đi. Trong khi đó, nhiều loại rác có thể tái chế vẫn đổ ra khu xử lý để chôn lấp, gây lãng phí.

“Chúng ta cần có chính sách quy định về việc các hộ dân cần phân rác tại nguồn trước khi đem ra bãi rác. Tất cả rác thải có thể tái chế sẽ được chuyển thẳng qua nhà máy tái chế, từ đó làm giảm gánh nặng cho các khu vực xử lý rác thải”, TS. Lê Hùng Anh đề xuất phương án quản lý rác thải hiệu quả.

xu ly rac thai o Ha Noi anh 3
PGS.TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Công nghệ và Quản lý môi trường TP.HCM cho rằng cần có quy định việc phân loại rác tại nguồn dành cho người dân.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ đưa ra quan điểm khó có thể quản lý hiệu quả bằng việc phân rác tại nguồn, nếu như không quản lý được rác thải ở các khu xử lý.

"Người dân có thể mua 2-3 cái thùng rác, nhưng đến khi ra xe rác lại đổ chung, thì việc phân rác tại nguồn là vô nghĩa", GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Theo đó, ông cho rằng cần quản lý rác thải một cách đồng bộ và hệ thống, từ rác tại nguồn cho đến rác trong các khu xử lý. Ngoài ra, thành phố cần ứng dụng khoa học công nghệ vào trong xử lý rác thải. 

“Hiện nay, các nước đã có nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại. Nhưng tôi không hiểu sao chúng ta vẫn chậm trễ trong việc ứng dụng các công nghệ vào giải quyết vấn đề rác thải của thành phố”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói.

Theo ông, thành phố Hà Nội hoàn toàn có thể giải quyết bài toán rác thải bằng việc áp dụng cơ chế PPP (đầu tư dự án theo hình thức công tư - PV). Nhà nước nên giao việc xử lý rác thải cho các doanh nghiệp chuyên về môi trường. Sau khi phương án xử lý rác của doanh nghiệp được thành phố đồng ý, hai bên sẽ đưa ra một thỏa thuận hợp lý. Từ đó giảm áp lực cho các sở, ban, ngành môi trường của thành phố.

“Điều quan trọng là có giải pháp nhưng chúng ta cần thay đổi tư duy và sẵn sàng tiếp nhận các phương pháp hợp lý. Thành phố cần phải làm ngay lập tức chứ không thể chậm trễ được nữa”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh. 


Vì sao bãi rác Nam Sơn trở thành điểm nóng?

Một vùng nông thôn trù phú ở Sóc Sơn (Hà Nội) suốt 20 năm bị "bức tử" bởi núi rác cao hàng chục mét, đến mức không ai còn muốn ở lại mảnh đất này.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm