Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần bỏ việc 'tô màu' cam, vàng theo đếm số ca nhiễm

Theo chuyên gia, việc phân chia vùng nguy cơ về dịch bệnh để áp dụng biện pháp hạn chế, yêu cầu hàng quán bán mang về không còn phù hợp thực tiễn, gây khó cho người dân.

Anh Nguyễn Hoàng, chủ quán cà phê trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phấn khởi khi quán của anh được mở cửa phục vụ khách hàng tại chỗ từ 12h ngày 10/1. Trước đó, khu vực của anh là vùng cam nên chỉ được bán mang về.

"Kinh doanh đồ uống như chúng tôi mà bán mang về thì hầu hết phải đóng cửa. Khách hàng ít, tiền trả nhân viên, tiền điện, nước không đủ. Bây giờ được mở thì vui, nhưng không biết có vui được đến hết tuần không hay lại ngồi chơi", anh Hoàng lo ngại quán có thể lại đóng cửa do địa bàn lên vùng cam.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Zing khoảng 2 tuần qua, nhiều chủ cơ sở kinh doanh ở Hà Nội chấp nhận đóng cửa dù nằm trong vùng vàng vì không muốn mạo hiểm mở được vài ngày lại đóng.

dieu chinh cap do dich Covid-19 anh 1

Ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến (Hà Nội) vắng bóng người khi quận Hoàn Kiếm phải dừng ăn, uống tại chỗ. Ảnh: Việt Linh.

Mở được một tuần thì ngồi chơi mấy tuần

Dịch bệnh kéo dài suốt năm 2021, hàng quán ăn, uống đóng cửa triền miên khiến nhiều chủ quán phải chấp nhận mất tiền để trả mặt bằng sớm, thanh lý đồ đạc. Khi Chính phủ bắt đầu áp dụng Nghị định 128 nhằm thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới, hy vọng được thắp lên đối với các chủ cơ sở kinh doanh "còn trụ lại".

Tuy nhiên, hàng quán như của anh Hoàng đều phải đối mặt với nguy cơ chung là "nay mở mai đóng", khó duy trì được nhịp kinh doanh bình thường khi địa phương áp dụng chia khu vực nguy cơ và cập nhật hàng tuần.

Hầu hết chủ cơ sở kinh doanh ăn, uống đều kêu khó khi không cõng nổi chi phí hoạt động; nhân viên khó bám trụ khi "làm một tuần chơi vài tuần" như hiện nay.

dieu chinh cap do dich Covid-19 anh 2

Quán cà phê trên phố Cầu Gỗ đóng cửa thay vì bán mang về khi nằm ở vùng cam. Ảnh: Việt Linh.

Nói với Zing, các chuyên gia về dịch tễ đều cho rằng đây là thời điểm phù hợp để Bộ Y tế điều chỉnh tiêu chí đánh giá, biện pháp hành chính tương ứng với khu vực nguy cơ. Nhất là khi quy định hiện hữu bộc lộ nhiều yếu điểm, không còn giá trị thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng việc hạn chế hàng quán ăn, uống là phù hợp trong bối cảnh tỷ lệ vaccine thấp, chuyển nặng cao. Tuy nhiên, khi tỷ lệ vaccine đạt mức an toàn, các địa phương nên để hoạt động kinh doanh được diễn ra bình thường, đúng với tiêu chí "linh hoạt, an toàn" mà Chính phủ đặt ra.

"Bắt hàng quán ăn, uống bán mang về, nghe thì là thích ứng linh hoạt. Nhưng thực tế chỉ số lượng nhỏ có thể kinh doanh được kiểu này, nhiều loại đồ ăn làm sao mang về được. Nguồn thu của người dân không đảm bảo thì thu ngân sách cũng bị giảm sút", ông Hùng lo ngại.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) đánh giá việc đóng mở hàng quán, hay bán mang về tùy vào mức độ nguy cơ ở từng địa bàn như hiện nay là không thực tiễn và cũng không có tác động ngăn chặn lây nhiễm.

Như tại các quận nội thành Hà Nội, vì chia theo ranh giới hành chính nên nhiều khi vùng cam với vùng vàng chỉ cách nhau mấy số nhà, hay một con đường. Người dân vùng cam đi bộ, chạy xe máy vài phút là ra vùng vàng để ăn phở, ngồi cà phê thoải mái.

"Vậy ý nghĩa của việc chia vùng cam, vùng vàng là gì? Rõ ràng chia vùng, hạn chế hoạt động nhưng ca nhiễm vẫn tăng nhanh. Chứng tỏ các biện pháp hành chính này không phát huy tác dụng và ít giá trị thực tiễn", ông Nga nói.

Mạnh dạn bỏ tiêu chí số ca nhiễm mới

Về điều chỉnh hướng dẫn thực hiện Nghị định 128, ông Nguyễn Huy Nga đề nghị Bộ Y tế nên mạnh dạn bỏ tiêu chí số ca nhiễm mới khi xét cấp độ dịch ở từng địa phương.

Theo ông, tiêu chí này không thực sự có nhiều ý nghĩa. Nơi mật độ dân cư đông thì số ca nhiều là điều hiển nhiên khi các hoạt động mở trở lại. Thay vào đó, các địa phương nên tính toán nguy cơ từ tỷ lệ số ca chuyển nặng, thở máy, tử vong và tương quan dân cư - diện tích hành chính.

Vào cuối tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói với diễn biến dịch bệnh hiện nay, tiêu chí đánh giá số ca nhiễm mới trên 100.000 dân một tuần không còn quá quan trọng. Thay vào đó là tập trung dựa vào tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương để đánh giá tình hình dịch.

Bên cạnh đó, biện pháp hành chính nên được áp dụng thống nhất theo quy mô ít nhất là quận, huyện thay vì xã, phường như hiện nay. Việc này giúp hoạt động của người dân tránh bị xáo trộn, thay đổi liên tục.

"Nên bỏ dần việc yêu cầu hàng quán bán mang về nếu đã thấy không hiệu quả. Cần tạo điều kiện tối đa cho người dân quay trở lại kinh doanh, sản xuất đảm bảo thu nhập, đời sống", ông Nga nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh lại quan điểm đánh giá cấp độ dịch theo số ca nhiễm hàng ngày, hàng tuần đã không còn hợp với xu thế chung. Nó chỉ phù hợp với giai đoạn đầu của dịch bệnh, khi mỗi ngày có vài chục, hay vài trăm ca nhiễm.


"Hiện tại, Hà Nội xấp xỉ 3.000 ca nhiễm ngày, hầu hết F0 khỏe mạnh, không triệu chứng. Số liệu ca chuyển nặng, thở máy rất thấp, nên không thể căn cứ vào đó để tô màu cam, đỏ cho các quận, huyện được", ông Nga nói.

Nhìn nhận những bất cập trong cơ chế ứng phó này, ngày 9/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình mới.

Liên quan nội dung này, sau phản ánh của Zing, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Công văn số 242 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. "Bộ Y tế khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp", Thủ tướng yêu cầu.

Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành vào tháng 10/2021, quy định các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hài hòa với giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.

Để đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết quan trọng này, Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương theo điều kiện thực tế như số ca nhiễm mới; tỷ lệ vaccine; khả năng thu dung, điều trị F0 để áp dụng các biện pháp chống dịch.

Dựa vào các tiêu chí trên, địa phương tự đánh giá mức độ dịch của mình với 4 mức: Cấp 1, 2, 3 và 4 tướng ứng với nguy cơ từ thấp, trung bình, cao đến rất cao. Từ đó, địa phương tự điều chỉnh lịch đi học của học sinh các cấp; hoạt động giao thông, vận tải; hoạt động kinh doanh ăn, uống; dịch vụ giải trí, du lịch... sao cho phù hợp với cấp độ dịch.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh biện pháp chống dịch không phù hợp

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.

Yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch trong thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt dịch Covid-19.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm