Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn bởi dịch virus corona, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc tại Long An và thăm nhà máy chế biến nông sản Lavifood chiều 11/2.
Hiện nay cả nước có khoảng 60.000 ha thanh long, tạo ra được sản lượng gần 3 triệu tấn mỗi năm. Trung bình, mỗi năm cây ăn quả này đem lại giá trị xuất khẩu gần 2 tỷ USD.
“Không có cây gì hiệu quả như cây thanh long trong các cây ăn quả của Việt Nam”, ông nói.
Tại Long An đã chuyển đổi gần 10.000 ha đất lúa và đất nông nghiệp sang trồng thanh long. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng tiềm năng cây trồng này vẫn còn rất lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần giải quyết được vấn đề cứ tập trung sản xuất thì lại ùn ứ, dư thừa và phải nâng cao hiệu quả đối với người nông dân.
Trước dịch bệnh virus corona ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cơ cấu khai thác, chế biến cây ăn quả.
Ông cho rằng để các sản phẩm nông sản Việt phát triển và tăng được giá trị cần phải chú trọng phát triển logistics vùng nguyên liệu. Hiện tại, Cảng Long An đang làm tốt vai trò trong việc hỗ trợ nông sản xuất khẩu.
Ngoài ra, Long An cũng thành công trong việc mời gọi đầu tư từ cảng biển tới sản xuất, nhất là khâu chế biến nông sản. Đây là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp.
“Dịch bệnh tác động tới thị trường nông sản Việt nói chung và giống cây thanh long nói riêng. Tuy nhiên, cần biến đây thành cơ hội tốt để tái cơ cấu thị trường”, ông nói.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị tỉnh Long An tổ chức tốt hơn vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến, tạo liên kết sản xuất và tiêu thụ thành hệ sinh thái với giá trị cao. Các nhà máy cần tiếp tục hỗ trợ nông dân giải quyết trái cây tồn dư với chi phí hợp lý, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường.
Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Saigon Coop, Big C... để phân phối tốt nông sản ngay tại thị trường trong nước, sau đó là xúc tiến đầu tư xuất khẩu ra nước ngoài.
Cũng tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng giám đốc Lavifood, cho biết trước bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh, công ty đang mở rộng thu mua và chế biến thanh long thành các dạng sản phẩm nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh… nhằm tăng giá trị hàng hóa cho giống hoa quả này.