Theo khảo sát thường niên Modern Wealth của ngân hàng Charles Schwab (California, Mỹ), một người phải sở hữu tài sản trung bình vào khoảng 2,3 triệu USD mới được xem là giàu có tại Mỹ.
Charles Schwab cho biết con số này cao gấp 20 lần tổng tài sản của một gia đình trung bình ở Mỹ. Trong khảo sát hai năm trước, mức "giàu có" trung bình tại Mỹ là 2,4 triệu USD.
Mức tài sản 1,1 triệu USD mới chỉ được xem là "thoải mái về tài chính". Với thế hệ Z (tuổi từ 9-22), con số cần thiết được thoải mái về tài chính là 909.600 USD.
Tiêu chuẩn giàu có còn phụ thuộc vào độ tuổi. Những người thuộc thế hệ từ 55-73 tuổi muốn lọt vào danh sách nhà giàu phải sở hữu 2,6 triệu USD, cao hơn 35% so với ngưỡng dành cho thế hệ 22-37 tuổi (1,9 triệu USD).
Khảo sát cho thấy xu hướng tỷ lệ thuận giữa độ tuổi và tiêu chuẩn giàu có. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài ra, khảo sát trên 1.000 công dân Mỹ ở độ tuổi 21-75 của Charles Schwab còn cho thấy đa số người Mỹ đều khao khát sở hữu bất động sản. Hơn 50% người trả lời cho biết nếu bỗng dưng có 1 triệu USD, họ sẽ mua ngay một căn nhà.
Nhiều người trẻ không hoàn toàn đồng ý về định nghĩa của sự giàu có. Hơn 3/4 trong số họ tin rằng sự giàu có nằm ở cách sống chứ không phải số USD có trong tài khoản ngân hàng.
Khoảng 60% không quá lo lắng về về đẳng cấp và vị thế bởi họ có kế hoạch trở nên giàu có trong vòng 10 năm tới. Một "chiến lược" thú vị giúp họ giảm áp lực làm giàu nhanh là không quan tâm đến những gì bạn bè khoe khoang trên mạng xã hội.
Theo Bloomberg, mạng xã hội có tác động tiêu cực đến khả năng quản lý tài chính của mỗi cá nhân. Hồi tháng 3, Instagram tuyên bố thử nghiệm tính năng mua sắm "Checkout" cho phép người dùng mua hàng trực tiếp trên ứng dụng thay vì qua trang web của người bán hàng.
Những tiện ích như thế khiến người dùng càng bị kích thích mua sắm, không kiểm soát được chi tiêu. Với tình trạng 59% người được hỏi đang phải sống dựa hoàn toàn vào tiền lương, đây là một nguy cơ lớn.