Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Campuchia và những vết sẹo từ thảm họa diệt chủng Pol Pot

Ngày 17/4/1975, đất nước Campuchia rơi vào tay chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, những kẻ gây ra cái chết của khoảng 1,7 triệu người dân vô tội.

Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Saloth Sar, hay Pol Pot, đứng đầu. Pol Pot giữ chức Thủ tướng Campuchia từ năm 1976 đến năm 1979 nhưng nắm quyền không chính thức từ giữa năm 1975. Trong thời kỳ cầm quyền 4 năm, Pol Pot ôm mộng tạo ra một xã hội nông nghiệp không tưởng, trong đó tiền, quan hệ gia đình, tôn giáo, giáo dục, sở hữu tài sản và ảnh hưởng nước ngoài không tồn tại, CNN đưa tin.

Tham vọng của Pol Pot gây ra thảm cảnh khủng khiếp trên đất nước Campuchia. Tại các thành phố, bao gồm cả thủ đô Phnom Penh, khoảng 2 triệu người buộc phải về các vùng nông thôn để sản xuất nông nghiệp. Những đứa trẻ sống xa cha, mẹ vì thực hiện tham vọng của Pol Pot. Khoảng 20.000 người chết vì đói, khát và kiệt sức trong cuộc đại di cư dưới họng súng.

Theo các công tố viên về tội ác chiến tranh của thủ lĩnh Khmer Đỏ, những người còn sống buộc phải làm việc như nô lệ trong các đồn điền ở vùng nông thôn để đạt đủ năng suất. Thực trạng ấy dẫn tới cái chết của 1,7 triệu người Campuchia, tương đương khoảng 25% dân số đất nước, trong vòng 4 năm.

Thảm họa diệt chủng để lại những vết sẹo khó lành trên đất nước Campuchia. Trong các bảo tàng, người ta lưu giữ những bức ảnh lịch sử về thảm họa diệt chủng.

Cây hành quyết, nơi Khmer Đỏ trói những đứa trẻ và đánh tới khi chúng chết. Người dân Campuchia lưu giữ những dấu tích của thảm họa diệt chủng Pol Pot để nhắc nhở thế hệ sau về 4 năm đau thương tột cùng.

Sọ người chất thành đống tại Bảo tàng Nhà tù Tuol Sleng ở thủ đô Phnom Penh. Phần lớn trẻ thất lạc trong thảm họa diệt chủng không thể tìm lại gia đình hay biết tung tích người thân. Nhiều thập niên sau thảm kịch, hàng vạn người vẫn đau đáu về số phận cha, mẹ và anh, chị, em.

Hộp sọ nạn nhân của thảm họa diệt chủng tại một bảo tàng khác ở thủ đô. Đài truyền hình Campuchia đang phát chương trình “It’s Not A Dream” nhằm giúp những người thất lạc tìm người thân. Chương trình bắt đầu từ 5 năm trước.

Xương nạn nhân tại khu tưởng niệm ở tỉnh Kandal. Theary Seng, một luật sư nhân quyền mất cha, mẹ trong chế độ diệt chủng, mô tả Campuchia là “vùng đất của những đứa trẻ mồ côi". Những vết sẹo thời Khmer Đỏ vẫn hằn sâu trên đất nước Campuchia hiện đại.

Nhiều năm sau khi quân đội Việt Nam đánh bật Khmer Đỏ trên đất Campuchia, nạn nhân diệt chủng vẫn chưa thực sự hưởng công lý. Chạy khỏi Phnom Penh, Pol Pot và những kẻ ủng hộ y lập thành trì ở phía tây đất nước và trở thành chính phủ lưu vong. Nhiều người dân vẫn phải sống cùng làng với kẻ đã sát hại gia đình của họ.

Sau khi thất thế, nhiều thành viên của Khmer đỏ ra tòa án quốc tế về tội diệt chủng. Nuon Chea (trái), 89 tuổi, và Khieu Samphan, 84 tuổi, là những thủ lĩnh đầu tiên của chế độ Khmer Đỏ lĩnh án tù vì "phạm tội ác chống lại loài người, diệt chủng, đàn áp chính trị cùng những hành vi vô nhân đạo khác khác". Pol Pot chết ngày 15/4/1998. Ông ta chưa bao giờ phải hầu tòa vì tội ác dưới chế độ diệt chủng.

Thủ lĩnh Khmer Đỏ bị kết án chung thân vì tội 'diệt chủng'

Tòa án Campuchia hôm nay kết án chung thân hai thủ lĩnh Khmer Đỏ là "Anh hai" Nuon Chea và cựu chủ tịch hội đồng nhà nước Khieu Samphan vì phạm tội ác chống lại loài người.


Hồng Duy

Ảnh: CNN

Bạn có thể quan tâm