Quy định xin nghỉ việc trước 120 ngày khiến nhân viên của Concentra không thể ngay lập tức từ chức. Ảnh: Ana Karotkaya Photography. |
Mùa xuân năm ngoái, một bác sĩ của Concentra, cơ sở chăm sóc sức khỏe hàng đầu ở Mỹ, nói với sếp rằng ông muốn nghỉ việc, Bloomberg đưa tin ngày 26/1.
Ông cho biết khối lượng công việc phải tiếp nhận 40 bệnh nhân/ngày là quá lớn, trong khi thời gian nghỉ ngơi quá ngắn. Thế nhưng, Concentra chưa sẵn sàng để ông ra đi.
Công ty cho biết họ sẽ thực thi điều khoản hợp đồng, yêu cầu nhân viên phải thông báo trước khi nghỉ việc 120 ngày hoặc trả khoản tiền phạt khổng lồ, tương đương với tiền lương của ông trong 4 tháng đó.
Vì vậy, vị bác sĩ đã phải ở lại thêm 4 tháng. Trong thời gian đó, ông phải từ chối một số lời mời làm việc từ những công ty không sẵn sàng đợi lâu như vậy để thuê ông. “Tôi cảm thấy bị mắc kẹt”, ông nói.
Các nhân viên cũ từng làm việc với vai trò bác sĩ, y tá và trợ lý bác sĩ đều nói rằng Concentra buộc họ phải tuân theo quy tắc 4 tháng. Họ nói rằng các hình phạt nặng nề khiến họ không thể từ chức ngay, ngay cả khi họ phải đối mặt với khối lượng công việc dày đặc và thiếu thời gian nghỉ ngơi.
Các bản sao hợp đồng lao động của Concentra mà Bloomberg Businessweek có được đều yêu cầu những người lao động nghỉ việc phải bồi thường.
Nó cũng bao gồm điều khoản không cạnh tranh với nội dung cấm làm công việc tương tự ở bất kỳ đâu trong bán kính hơn 16 km tính từ địa điểm làm việc cũ. Bên cạnh đó là điều khoản không mời chào để hạn chế họ lôi kéo các nhân viên khác của Concentra rời đi, cùng thỏa thuận bảo mật thông tin.
Giống các thỏa thuận không cạnh tranh, cấm thực hiện công việc tương tự ở nơi khác hay buộc hoàn trả chi phí đào tạo nghề, quy định nghỉ việc phải thông báo trước 4 tháng là một phần của xu hướng lao động ngày càng phổ biến và gây tranh cãi. Nhiều công ty đang sử dụng những điều khoản hợp đồng để gây khó khăn cho nhân viên muốn nghỉ và làm việc ở nơi khác.
Tuy nhiên, Deborah Berkowitz, chánh văn phòng tại Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết việc hạn chế quyền tự do nghỉ việc của nhân viên y tế cũng có thể gây hại cho bệnh nhân.
“Những nhân viên này nên được rời đi nếu họ muốn”, nếu không, họ sẽ không có nhiều động lực để giải quyết các vấn đề, bà cho hay.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.