Một cặp đôi tận hưởng kỳ nghỉ đầy nắng. Ảnh: Pexels. |
Nhân viên tại Dream11, công ty điều hành một nền tảng thể thao giả tưởng, có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), sẽ phải nộp phạt khoảng 1.200 USD nếu họ liên lạc với đồng nghiệp trong thời gian nghỉ phép, Bloomberg dẫn lời người đồng sáng lập Bhavit Sheth vào ngày 11/1.
Công ty được thành lập vào năm 2008 này cũng buộc người lao động phải nghỉ ít nhất một tuần mỗi năm.
“Mỗi năm một lần, trong một tuần, bạn sẽ bị ‘đuổi ra' khỏi hệ thống”, Sheth nói với CNBC trong cuộc phỏng vấn. “Không còn phòng chat dành cho nhân viên, email và cuộc gọi. Bởi nó giúp bạn rất nhiều để có một tuần không bị gián đoạn, và nó cũng giúp doanh nghiệp biết liệu họ có phụ thuộc vào bất cứ ai hay không”.
Theo Sheth (36 tuổi), phương pháp này tỏ ra hiệu quả.
“Dream11 tin rằng khoảng thời gian không bị gián đoạn này cho phép Dreamsters (nhân viên của Dream11) thư giãn, nạp lại năng lượng và sẵn sàng trở lại làm việc để cống hiến hết mình”, công ty cho biết trong một tuyên bố.
Phạt tiền là một cách gây chú ý để người lao động có kỳ nghỉ ngơi chất lượng. Nhằm giữ chân nhân tài, nhiều doanh nghiệp khác bao gồm cả Goldman Sachs Group đang cho phép nhân viên nghỉ phép không giới hạn.
Nhưng một công ty tuyển dụng ở Anh năm 2021 cho biết họ sẽ loại bỏ chính sách đó sau khi đặc quyền này khiến nhân viên cảm thấy tội lỗi và đặt câu hỏi rằng họ thực sự phải làm việc trong bao nhiêu ngày.
Thậm chí, theo Guardian, workaholic (những người cuồng công việc) thường có xu hướng tận dụng các kỳ nghỉ lễ, nghỉ phép lớn trong năm để làm việc. Đối với họ, đây là khoảng thời gian lý tưởng để gia tăng hiệu suất công việc, chứng tỏ năng lực so với đồng nghiệp - những người đang nghỉ ngơi bên gia đình, bạn bè.
Mục Thế giới gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.