Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cam Lộ - La Sơn: Nhiều đề xuất, giải pháp, vẫn tai nạn liên tiếp

Rà soát điều chỉnh tốc độ khai thác thấp hơn thiết kế, phân luồng phương tiện, thậm chí hạ cấp đường… là các đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác hơn một năm nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay tuyến đường này liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn. Trong số đó có hai vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 5 người chết và nhiều người bị thương, một số phương tiện hư hỏng nặng.

Cam Lo La Son anh 1

Cục Đường bộ Việt Nam giao đơn vị chức năng rà soát điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Minh Hiền.

Nhiều tai nạn liên tiếp

Gần đây nhất, vào khoảng 15h10 ngày 24/3, tại Km35+935 tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua cầu Mỹ Chánh (địa phận huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) xảy ra vụ đấu đầu giữa xe đầu kéo và ô tô tải. Sau cú va chạm, xe đầu kéo nằm xoay ngang đường, còn ô tô tải bị húc văng nằm ở làn trái tuyến. Vụ tai nạn khiến một người bị thương, giao thông trên tuyến ùn tắc nhiều giờ.

Trước đó, lúc 10h ngày 18/2, 3 người trong cùng gia đình cũng đã thiệt mạng sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế.

22 ngày sau, vụ tai nạn xảy ra lúc 19h40 ngày 10/3 trên tuyến cao tốc này đoạn qua huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) làm hai vợ chồng chết tại chỗ cùng nhiều người khác bị thương.

Sau mỗi vụ TNGT xảy ra, cơ quan chức năng đều đề xuất các giải pháp. Cụ thể, ngày 22/2, Cục trưởng Cục Đường bộ đã tổ chức họp và yêu cầu Khu Quản lý đường bộ 2 chủ trì, phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát các vị trí có nguy cơ mất an toàn để điều chỉnh tốc độ khai thác thấp hơn thiết kế và phù hợp với thực tế.

Đồng thời Cục trưởng Cục Đường bộ cũng giao Khu Quản lý đường bộ 2 chủ trì, phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, cảnh sát giao thông trên tuyến… rà soát tình hình tổ chức giao thông, báo hiệu đường bộ và công trình an toàn giao thông để khắc phục, nâng cao an toàn giao thông trên tuyến.

Đơn vị này cũng lưu ý rà soát các vị trí đoạn đường thẳng, tầm nhìn thuận lợi để bảo đảm điều chỉnh vạch sơn tim đường dạng nét liền sang nét đứt, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện tham gia giao thông có thể tránh, vượt. Đối với những đoạn ở đường cong, dốc dọc, các vị trí không bảo đảm an toàn giao thông thì giữ nguyên vạch sơn liền.

Với đoạn chuyển tiếp từ hai làn sang 4 làn và từ 4 làn trở về hai làn, yêu cầu các đơn vị cần rà soát để bổ sung tiêu phản quang dẫn hướng, đinh phản quang, bổ sung biển báo hiệu, rà soát điều chỉnh vị trí...

Trong khi các cơ quan đang rà soát, lên phương án nhằm ngăn ngừa thì TNGT tiếp tục xảy ra vào ngày 10/3.

Tối 13/3, lãnh đạo Cục Đường bộ cho biết, kết quả cuộc họp cùng ngày nhằm xử lý bất cập trên tuyến cao tốc đã thống nhất giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tổ chức đếm xe theo quy định. Từ đó, phân loại xe và phân tích các yếu tố bất lợi (điều kiện địa hình, thời tiết, hạ tầng giao thông…) để đánh giá, nghiên cứu, lập phương án phân luồng giao thông trên tuyến Cam Lộ - La Sơn.

Đề xuất hạ cấp

Tại hội thảo do Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức vào sáng 19/3, Thượng tá Lê Quang Hòa - Trưởng phòng hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Phòng 7, Cục CSGT) cho biết, đơn vị đã khảo sát toàn bộ 11 tuyến cao tốc, một dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Thượng tá Lê Quang Hòa đánh giá, những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa gây nguy cơ tai nạn giao thông; những tuyến không có làn dừng khẩn cấp khi có sự cố, tai nạn khó xử lý ngay và dễ gây tai nạn liên hoàn và ùn tắc kéo dài.

Thượng tá Hòa nêu ví dụ, tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan là hai tuyến tương đương nhau về chủ trương đầu tư và tổ chức giao thông, nhưng tuyến Cam Lộ - La Sơn được công bố là cao tốc còn La Sơn - Túy Loan chỉ là đường đồng bằng cấp 3.

"Nêu ra ví dụ để thấy sự bất hợp lý từ công tác tổ chức giao thông, các tuyến cao tốc phân kỳ chỉ có hai làn, không có dải phân cách cứng, chưa hoàn thành việc xây dựng, chưa đảm bảo những yếu tố an toàn mà đã đưa vào khai thác với tiêu chuẩn đường cao tốc", Thượng tá Hòa nhấn mạnh.

Ông khẳng định, nếu các tuyến cao tốc này chưa đủ điều kiện an toàn thì đơn vị vẫn kiên quyết đề xuất hạ cấp khai thác. "Nếu không thể hạ cấp thì phải hạn chế phương tiện đi vào, hay hạn chế tốc độ... đảm bảo yếu tố an toàn cho người tham gia giao thông", Thượng tá Hòa nói.

Được biết, đến nay việc tăng cường biển báo hiệu đường bộ đang được cơ quan chức năng triển khai nhưng các phương án đề xuất như: Phân luồng phương tiện, giảm tốc độ, hạ cấp tuyến đường vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Bài liên quan

https://vietnamnet.vn/cao-toc-cam-lo-la-son-nhieu-de-xuat-va-giai-phap-van-tai-nan-lien-tiep-2263390.html

N. Huyền/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm