Từ tháng 9, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực. Trong đó có những quy định đáng chú ý liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, giao thông, tài chính, hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Ghi âm, ghi hình trái phép tại tòa bị phạt tới 15 triệu đồng
Tại phiên họp chuyên đề sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với 4 Chương và 8 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/9.
Để đảm bảo quyền riêng tư của con người, Pháp lệnh này quy định, phạt tiền từ 7 đến 15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính...
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, mục tiêu tối thượng khi tổ chức một phiên tòa là hướng đến một bản án đúng pháp luật, công tâm. Do vậy, nhiệm vụ của Hội đồng xét xử là phải toàn tâm, toàn ý cho việc đưa ra phán quyết, bảo đảm phán quyết công tâm, đúng luật.
"Hàng trăm điện thoại đưa lên livestream thì sự toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chính của phiên tòa là đưa ra bản án đúng pháp luật sẽ bị sao nhãng. Cho nên rất mong người dân, và đặc biệt là truyền thông tôn trọng, chia sẻ với áp lực của thẩm phán khi đứng trước một việc lớn là đưa ra phán quyết", ông Bình trăn trở.
Cũng theo Pháp lệnh mới, nếu lôi kéo, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối tại phòng xử án; mang đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu hoặc tài liệu, đồ vật khác vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang theo thì người thực hiện hành vi sẽ bị phạt từ 1-7 triệu đồng.
Một số hành vi như: Sử dụng điện thoại gây mất trật tự, mặc trang phục không nghiêm túc, không đứng dậy khi hội đồng xét xử bước vào, hút thuốc và ăn uống khi tham dự phiên tòa... sẽ bị phạt 100.000-500.000 đồng.
Người dân livestream phiên tòa vụ bạo hành bé 8 tuổi. Ảnh: Huệ Lâm. |
Không được cải tạo xe 16 chỗ chở khách thành limousine dưới 10 chỗ
Theo Nghị định số 47 do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 1/9, các mẫu xe từ 10 chỗ trở lên sẽ không được phép cải tạo thành các mẫu ôtô dưới 10 chỗ (bao gồm cả ghế của tài xế) để kinh doanh vận chuyển hành khách.
Điều đó đồng nghĩa với việc các mẫu xe 16 chỗ cải tạo thành các mẫu limousine 10 chỗ bao gồm cả ghế tài xế sẽ không được phép sử dụng để kinh doanh dịch vụ chở khách.
Cũng theo Nghị định 47, những trường hợp xe trên 10 chỗ đã được cải tạo xuống dưới 10 chỗ và đã được cấp biển số trước ngày Nghị định có hiệu lực sẽ tiếp tục được phép sử dụng cho mục đích kinh doanh cho đến hết thời hạn sử dụng.
Các mẫu xe 16 chỗ (chủ yếu từ hãng Ford) thường được các nhà xe cải tạo xuống dưới 10 chỗ để phục vụ cho dịch vụ chở khách liên tỉnh dưới hình thức đưa, đón tận nơi. Dòng xe này thường được gọi dưới tên xe limousine.
Nghị định 47/2022 cũng bổ sung quy định khi gửi hàng trên xe khách, người gửi bắt buộc phải cung cấp ít nhất 5 thông tin cho nhà xe, lái xe hoặc nhân viên gồm: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Thí điểm đưa phạm nhân lao động ngoài trại giam
Nghị quyết 54/2022 được Quốc hội thông qua ngày 16/6 và có hiệu lực từ 1/9 quy định việc thí điểm mô hình đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam.
Trong đó, số lượng trại giam được áp dụng thí điểm mô hình này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện để phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án tù…
Một số trường hợp phạm nhân không được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam bao gồm: Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm nhân đã bị kết án từ 2 lần trở lên; phạm nhân tái phạm nguy hiểm…
Hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ Covid-19
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2022 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Theo quy định này, Chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động với tổng số tiền là khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021.
Số tiền này sẽ được chi trả cho những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 hoặc đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm được bảo lưu, đồng thời đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp đúng hạn trong năm 2021 mà chưa nhận hoặc chưa nhận đủ tiền trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Nghị quyết 24, hạn cuối phải hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động được ấn định vào ngày 10/9/2022.
Làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ
Thông tư số 41/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ 1/9 tới.
Theo đó, tất cả tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện hoạt động xã hội, từ thiện, phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin.
Với cá nhân có hoạt động xã hội, từ thiện, phải mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp.
Ngoài ra, Thông tư 41/2022 nêu rõ tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.