“Căn nhà tươi đẹp của tôi - Mar-a-Lago tại Palm Beach, Florida - đang bị bố ráp, đột kích và chiếm giữ bởi một nhóm lớn viên chức FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ - PV)”, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social tối 8/8 (giờ Mỹ). “Họ thậm chí phá két sắt của tôi”.
Các viên chức FBI dường như tập trung vào khu vực nơi ông Trump sinh sống và đặt văn phòng tại Mar-a-Lago, CNN cho biết.
Chưa có thông tin về ý định của FBI hay những gì cơ quan này muốn thu giữ trong vụ lục soát. Một nguồn thạo tin tiết lộ với CNN rằng các viên chức FBI đã mang một số hộp đựng đồ đi sau vụ việc.
Vụ khám xét vừa qua là thách thức mới nhất về pháp lý mà ông Trump phải đối mặt và có khả năng tác động tiêu cực đến triển vọng trở lại Nhà Trắng của chính trị gia này sau cuộc bầu cử năm 2024.
Thách thức liên tiếp
Hồi tháng 5, các nhà điều tra liên bang Mỹ từng yêu cầu Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia Mỹ (NARA) cho phép tiếp cận các tài liệu mật từng bị ông Trump mang về nhà mình tại Florida. Đây là một phần của cuộc điều tra nhằm kết luận liệu ông Trump - hoặc một nhân vật thân cận - xử lý tài liệu mật sai cách sau khi rời Nhà Trắng hay không.
Nhân viên cơ quan mật vụ Mỹ đứng gác bên ngoài dinh thự của ông Trump ở Florida sau khi ngôi nhà bị FBI khám xét hôm 8/8. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, hồi tháng 1, cơ quan lưu trữ liên bang Mỹ đã thu hồi 15 thùng chứa hồ sơ của Nhà Trắng - bao gồm thư của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - bị ông Trump mang về Mar-a-Lago.
Trong khi đó, cũng trong ngày 8/8, phóng viên Maggie Haberman của tờ New York Times tiết lộ hai bức ảnh cho thấy hai mảnh giấy dường như có chữ viết của ông Trump bị ném xuống bồn cầu. Một trong hai hình ảnh được chụp trong nhà vệ sinh của Nhà Trắng.
Thói quen hủy tài liệu sai quy định của ông Trump đã được báo chí Mỹ đưa tin từ đầu năm nay.
“Ba quan chức Nhà Trắng nói rằng họ thấy ông Trump nhiều lần tự tay hủy tài liệu mà ông ấy không còn hứng thú hoặc đã đọc xong - thói quen khiến các thư ký Nhà Trắng gặp khó khăn trong lưu giữ hồ sơ tổng thống”, CNN đưa tin hồi giữa tháng 2.
“Các quan chức trên cho biết cựu tổng thống lướt qua các hộp tài liệu một cách có hệ thống: Ông xé các mảnh cắt báo hoặc bản in bài đăng trên Twitter mà ông không đồng tình, trước khi ném chúng xuống sàn. Ông cũng chất đống các tài liệu muốn hoãn lại một cách lộn xộn trên bàn làm việc”, CNN mô tả.
Theo quy định của Đạo luật Hồ sơ Tổng thống Mỹ, việc vứt bỏ ghi chú, email và bất cứ phương tiện liên lạc nào khác của tổng thống là hành vi trái phép. Chúng được coi là tài sản công tại Mỹ.
Cơ hội nào cho ông Trump?
Vụ khám xét của FBI cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi có thông tin cho rằng các luật sư của ông Trump đã liên hệ với Bộ Tư pháp Mỹ liên quan tới cuộc điều tra về vụ bạo loạn hôm 6/1/2021 ở trụ sở Quốc hội Mỹ.
Theo CNN, các cuộc đối thoại liên quan đến việc liệu ông Trump có được quyền không giao nộp các đoạn hội thoại trong thời gian tại nhiệm cho cơ quan điều tra liên bang hay không.
Hai mẩu giấy được cho bị ông Trump xả xuống bồn cầu. Một nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết hình ảnh bên trái được chụp tại Nhà Trắng, còn hình ảnh bên phải được chụp trong một chuyến công du nước ngoài. Ảnh: Axios. |
Trong những tuần qua, các nhà điều tra đang tiếp cận gần hơn tới những nhân vật thân cận với ông Trump. Một số cựu quan chức cấp cao tại Nhà Trắng đã bị triệu tập để hỏi về những nỗ lực đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và tìm kiếm đội ngũ luật sư phục vụ mục đích này.
Ông Trump thậm chí đã hỏi đội ngũ pháp lý của mình về khả năng bản thân bị truy tố. Dù vậy, vị cựu tổng thống tỏ ra nghi ngờ khả năng này.
Các động thái gần đây, đặc biệt là vụ khám xét hôm 8/8, cho thấy tình cảnh khó khăn mà ông Trump đang phải đối mặt: Các vấn đề pháp lý - thay vì chính trị - là nguyên nhân lớn nhất có thể khiến ông không thể tái tranh cử vào năm 2024.
Xét đến vị thế chính trị, vị cựu tổng thống vẫn là “người khổng lồ” trong đảng Cộng hòa Mỹ. Một cuộc khảo sát cuối tuần qua trong một sự kiện của phe bảo thủ Mỹ tại Texas cho thấy 69% số người được hỏi coi ông Trump là lựa chọn hàng đầu, trong khi Thống đốc bang Florida Ron DeSantis chỉ nhận được 24% ý kiến ủng hộ.
Dù ông Trump chưa chính thức tiết lộ ý định tái tranh cử, công luận Mỹ giờ đây đề cập nhiều hơn đến câu hỏi rằng liệu ông sẽ công bố vào lúc nào, thay vì việc ông có công bố hay không.
Tuy nhiên, các thách thức về pháp lý đang gia tăng - hay ít nhất là cảm giác gọng kìm pháp lý đang dần siết chặt với ông Trump - khiến mọi việc thêm phức tạp. Nếu ông Trump bị công kích, đảng Cộng hòa có thể chấp nhận. Nhưng nếu vị cựu tổng thống bị truy tố, mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn.