Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái giá Trung Quốc phải trả cho mưu đồ xâm phạm chủ quyền VN

Theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho việc đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất kể lợi ích an ninh năng lượng mà họ thu được.

Ngày 3/5, Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan dầu tại vùng biển cách bờ biển Việt Nam chỉ khoảng 120 hải lý. Đây là vùng biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Cũng trong ngày đó, tàu Trung Quốc phun vòi rồng, đâm và làm hư hại tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Nội công ngoại kích

Theo BBC, Mỹ là quốc gia đầu tiên và liên tục phản ứng mạnh mẽ về động thái của Trung Quốc bằng những lời lên án đó là "hành vi khiêu khích", "cách hành xử nguy hiểm" hay "cố tình hăm dọa các nước".

Không chỉ các quan chức ngoại giao, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, một trong những nhà lập pháp có ảnh hưởng lớn đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng tuyên bố Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông.

Thượng nghị sĩ McCain khẳng định Trung Quốc phải gánh trách nhiệm cho hành động khiêu khích trên Biển Đông. Ảnh: AP.

Ông McCain nhấn mạnh, các tàu của Trung Quốc thể hiện thái độ hung hăng và hiếu chiến khi họ bao vây và tông vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam. Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi thực trạng trên biển.

Còn theo thời báo New York Times của Mỹ, việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng để tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam cho thấy lập trường ngày càng thiên về “sức mạnh cơ bắp” của Bắc Kinh trong tranh chấp với các nước láng giềng.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ: Căng thẳng trên Biển Đông là do Trung Quốc

Ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc gây ra.

Thủ tướng Nhật Bản - quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc - cho rằng những căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông là do Trung Quốc đơn phương dùng vũ lực gây ra và nó đang gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.  

Ở ASEAN, Singapore sớm lên tiếng phản ứng về vụ việc tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu Việt Nam. Singapore kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 9/5, nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc mới đây di chuyển một giàn khoan thăm dò, được các tàu quân sự và tàu khác hộ tống, vào vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông ngoài khơi Việt Nam cùng với những hành vi hiếu chiến tiếp sau đó của tàu Trung Quốc, trong đó có việc đâm vào các tàu của Việt Nam, là rất đáng quan ngại. Những hành động này đe dọa dòng chảy thương mại tự do toàn cầu trong một khu vực có tầm quan trọng sống còn".

Không chỉ gây phản ứng từ quốc tế, hành động hung hăng của Trung Quốc còn vấp phải sự phản đối từ chính giới học giả trong nước. Trong một bài viết ngày 6/5 trên trang 163.com, học giả hàng đầu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa khẳng định Trung Quốc là nước ký Công ước UNCLOS 1982, vì vậy cần hành xử theo Điều 74 và Điều 83 của Công ước, đó là tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh.

Phép thử nguy hiểm

Khi đặt giàn khoan dầu nước sâu HD-981 trên vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã khẳng định điều mà Washington và các chính phủ trong khu vực lâu nay lo ngại: Bắc Kinh đang thực hiện một cú nhảy lớn về tuyên bố chủ quyền và “thử” mức độ cam kết của Washington đối với việc hỗ trợ các đối tác trong khu vực.

Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Cách đây hai tuần, trong chuyến công du tới châu Á, Tổng thống Obama đã công bố về “ranh giới đỏ” trong khu vực. Theo đó, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nằm trong phạm vi của hiệp ước an ninh song phương Mỹ - Nhật. Điều đó có nghĩa, nếu quần đảo do Nhật Bản kiểm soát này bị một quốc gia nước ngoài tấn công, Mỹ sẽ giúp Nhật đáp trả.

Ngoài ra, cũng trong chuyến công du này, ông Obama đã ký kết hiệp ước an ninh với Philippines nhằm tăng cường hiện diện của các lực lượng Mỹ tại quốc gia này.

Dù Tổng thống Mỹ khẳng định “không hào hứng với ý tưởng kiềm chế Trung Quốc” nhưng theo tác giả Christopher Helman trên trang Forbes, có vẻ Bắc Kinh không tin lời ông Obama.

Theo ông Andrew Billo - học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á (Asia Society) Andrew, khi Trung Quốc tự cho họ là quốc gia “đã nổi”, thay vì “đang nổi”, họ khó có thể trở lại quan điểm hòa bình trước đây và quyết định “phơi bày” sự hung hăng trong khu vực.

Tuy nhiên, động thái leo thang căng thẳng của Trung Quốc, như việc dùng đến cả tàu hải quân và tàu tuần duyên để che chắn cho giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam, dường như gây tác dụng ngược với Bắc Kinh, theo Foreign Policy.

Trung Quốc họp báo: Truyền thông quốc tế ủng hộ Việt Nam

Các phóng viên quốc tế đều cảm thấy những câu trả lời của Trung Quốc là không thỏa đáng, đồng thời ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

 

Theo bà Holly Morrow, chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Belfer (Đại học Havard, Mỹ), cho dù vì bất kỳ lý do gì thì chủ trương “mạnh tay” của Bắc Kinh cũng sẽ gây thiệt hại. Nữ chuyên gia từ Đại học Havard này cảnh báo rằng “xét về chính sách đối ngoại, cái giá mà Trung Quốc sẽ phải trả cho những gì mà họ đang làm là rất lớn, cho dù lợi ích an ninh năng lượng mà họ thu được là gì”.

Chuyên gia Gregory Poling tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, Mỹ cho rằng vụ việc lần này sẽ tăng cường sự đoàn kết của các nước ASEAN trước mối đe dọa của Trung Quốc. Indonesia và Malaysia đã từ bỏ thái độ trung lập và gần đây thường công khai bày tỏ quan ngại về cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Poling cho rằng Việt Nam cần khai thác lợi thế về pháp lý của mình và kiện các hành động đơn phương của Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế giống như những gì Philippines đang làm.

Khi được hỏi về nguy cơ nổ ra xung đột và khả năng của quân đội Việt Nam, ông Poling nhận định: “Về mặt quân sự, quân đội Việt Nam mạnh hơn Philippines rất nhiều. Quân đội Việt Nam vẫn đủ khả năng để khiến Trung Quốc phải trả giá nếu xung đột nổ ra”.

Trung Quốc dùng 'sức mạnh cơ bắp' với Việt Nam

Theo New York Times, việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng để tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam cho thấy lập trường thiên về “sức mạnh cơ bắp” trong tranh chấp với nước láng giềng.

TG (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm