Phải mất 15 vòng bỏ phiếu, một cuộc bỏ phiếu lúc nửa đêm và một cuộc tranh luận gay cấn tại phòng họp Quốc hội, ông Kevin McCarthy mới được bầu làm chủ tịch Hạ viện Mỹ, theo BBC.
Đến rạng sáng 7/1, hạ nghị sĩ Cộng hòa từ California này đã thành công thuyết phục thêm 20 đảng viên ủng hộ ông, hoặc ít nhất là không phản đối việc ông tranh cử vị trí đứng đầu Hạ viện.
Với 432 thành viên Hạ viện bỏ phiếu, kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy ông McCarthy giành được 216 phiếu bầu. Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries (đảng Dân chủ) được 212 phiếu bầu, và 6 thành viên Hạ viện bỏ phiếu trắng, theo NBC.
Song việc thuyết phục nhóm 20 đảng viên Cộng hòa cứng rắn không hề dễ dàng.
Theo New York Times, hầu hết đảng viên này hoặc từ chối công nhận cuộc bầu cử năm 2020, hoặc là thành viên của Freedom Caucus - nhóm nghị sĩ cực hữu có tham vọng thay đổi các quy tắc trong Quốc hội, hoặc là cả hai.
Để đổi lấy chiến thắng, ông McCarthy đã phải đưa ra những lời hứa và nhượng bộ quan trọng, tự hạn chế quyền lực của chính mình và gia tăng ảnh hưởng của phe bảo thủ tại Hạ viện.
Nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa Kevin McCarthy hôm 7/1 (giờ địa phương) được bầu làm tân chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 15 vòng bỏ phiếu. Ảnh: Reuters. |
Một thành viên có quyền kích hoạt bỏ phiếu bãi nhiệm
Một trong những yêu cầu chính của những người “ngáng đường” ông McCarthy là quy định cho phép chỉ một nhà lập pháp kích hoạt bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện.
Đây là quy tắc có lịch sử lâu đời tại Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Quốc hội Mỹ đã tăng số người tối thiểu lên 5 nhằm ngăn chặn việc một hạ nghị sĩ có thể đe dọa quyền lực của chủ tịch.
Với quyết định nhượng bộ này, các thành viên Hạ viện có thể kích hoạt vòng bỏ phiếu khác, dẫn đến thế bế tắc tương tự những gì diễn ra trong 4 ngày qua. Điều này buộc ông McCarthy phải cẩn trọng hơn mỗi khi đưa ra quyết định.
Không có con đường dễ dàng để thúc đẩy luật pháp lưỡng đảng
Theo quy định, dự luật mới do một nhà lập pháp đề xuất sẽ được giao cho ủy ban xem xét và sửa đổi. Sau đó dự luật được Quốc hội thảo luận, sửa đổi thêm, và đưa ra quyết định cuối cùng thông qua cuộc bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào quy trình đó cũng được đảm bảo. Các dự luật chi tiêu khổng lồ thường được đàm phán kín và thông báo trong thời gian ngắn, rất ít tranh luận.
Song ông McCarthy cam kết sẽ để các dự luật được thông qua đúng quy trình hơn, giúp các nghị sĩ Quốc hội không thuộc nhóm lãnh đạo cấp cao nhất có nhiều tiếng nói hơn về cách đề xuất, sửa đổi và thông qua luật.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc soạn thảo các dự luật mới là nhiệm vụ khó khăn và quá trình này có thể dễ dàng bị phá hỏng bởi một số chính trị gia có ý định riêng. Dù hướng đến mục đích tốt, sự nhượng bộ này sẽ là lời hứa khó giữ đối với ông McCarthy.
Đảng viên bảo thủ có thể lập quy
Về cơ bản, Ủy ban Quy tắc Hạ viện Mỹ đặt ra các quy định cho hoạt động của Hạ viện. Họ xác định khi nào một dự luật được bỏ phiếu, tranh luận trong bao lâu hay được sửa đổi bằng cách nào.
Song ông McCarthy đã cam kết dành cho những đảng viên bảo thủ cứng rắn ít nhất một ghế trong nhóm quyền lực này. Nếu nhiều đảng viên bảo thủ giành ghế trong ủy ban, họ có thể định hình các quy tắc tại Hạ viện trước cả khi nó hoàn toàn hình thành, đồng thời loại bỏ các đề xuất không mong muốn ngay từ "trong trứng nước".
Trao quyền cho những người không ủng hộ
Một số hạ nghị sĩ cản trở việc ông McCarthy lên nắm quyền đã để mắt đến những vị trí quyền lực trong các ủy ban có ảnh hưởng lớn tại Hạ viện.
Chẳng hạn, ông Andy Harris - Hạ nghị sĩ đại diện cho Maryland - đã tỏ ý muốn nắm giữ tiểu ban y tế của Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện, cơ quan kiểm soát hàng tỷ USD của chính phủ.
Ông Harris đã đổi ý, ủng hộ ông McCarthy vào chiều 6/1. Hiện ông McCarthy không công khai đưa ra lời hứa nào, nhưng các nhà lập pháp cần theo dõi chặt chẽ liệu nhóm đảng viên Cộng hòa từng phản đối ông McCarthy có được “trao thưởng” cho quyết định đổi ý phút chót của họ hay không.
Rõ ràng việc trao quyền cho những người không ủng hộ cũng đồng nghĩa ông McCarthy phải tước đi cơ hội của những thân tín khác. Và điều đó có thể dẫn đến rạn nứt quan hệ.
Hạn chế chi tiêu
Các đảng viên bảo thủ thường phàn nàn về mức chi tiêu ngày càng tăng của chính phủ Mỹ. Trong cuộc đua cho vị trí chủ tịch Hạ viện, họ đã yêu cầu ông McCarthy cam kết thực hiện các hạn chế tài chính, chẳng hạn cắt giảm chi tiêu xuống bằng mức năm 2022 và yêu cầu cắt giảm ngân sách tương ứng mỗi khi vay thêm nợ.
Ông McCarthy đã cam kết đứng về phía nhóm này trong các cuộc tranh luận nội bộ về ngân sách. Điều đó có thể khiến ông có ít cơ hội tìm ra giải pháp thỏa hiệp cần thiết nhằm ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ vào cuối năm nay.
Đáp ứng ưu tiên của nhóm đảng viên cực hữu
Giới hạn nhiệm kỳ Quốc hội và an ninh biên giới luôn là chủ đề tranh luận giữa các đảng viên Cộng hòa. Ông McCarthy được cho là đã cam kết tổ chức bỏ phiếu cho cả hai vấn đề trong năm nay.
Hạ viện Mỹ chắc chắn sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề nhập cư bất kể nhóm cực hữu muốn gì, vì thắt chặt an ninh biên giới và chính sách nhập cư vốn là trọng tâm trong chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa kể từ khi ông Donald Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2015.
Tuy nhiên, về giới hạn nhiệm kỳ Quốc hội, quyết định cải cách có thể sẽ đòi hỏi sửa đổi hiến pháp, vì Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng nỗ lực hạn chế nhiệm kỳ của các nghị sĩ Quốc hội là vi hiến.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.