Tổng thống Joe Biden đã chào Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman (MBS) bằng một cái cụng tay thân thiện khi đến thăm Cung điện Hoàng gia Al-Salam vào ngày 15/7.
Màn cụng tay này thu hút nhiều lời đồn đoán về cuộc gặp gây tranh cãi nhất của ông Biden trong chuyến công du Trung Đông, theo NPR.
Khi tranh cử tổng thống, ông Biden cam kết coi Saudi Arabia là “pariah" - tức một quốc gia bất trị, bị bài xích - do hàng loạt cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm cả vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post. Theo thông tin từ tình báo Mỹ, Thái tử Mohammed đã chấp thuận vụ ám sát này.
Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của nhà lãnh đạo Mỹ đang dần lung lay. Với việc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine khiến giá dầu tăng vọt và Iran được cho là đang mở rộng chương trình hạt nhân, ông Biden đột nhiên cần sự giúp đỡ của Saudi Arabia. Và cách duy nhất để đạt được điều đó là thông qua Thái tử MBS.
Màn cụng tay gây tranh cãi
Tại họp báo sau cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ với Thái tử Mohammed và các quan chức Saudi Arabia, ông Biden nói rằng ông đã đề cập đến cái chết của nhà báo Khashoggi với thái tử.
"Tôi đã làm rõ quan điểm của mình. Tôi đã nói rất thẳng thắn rằng với tư cách tổng thống, việc im lặng về vấn đề nhân quyền là không phù hợp với (hình ảnh nước Mỹ) và cả con người tôi", ông nói.
Tổng thống Biden cho biết thêm thái tử đã phủ nhận trách nhiệm về vụ sát hại, nhưng ông đã nhấn mạnh thái tử Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm.
Ông Biden cụng tay với thái tử Saudi Arabia trong cuộc gặp hôm 15/7. Ảnh: AP. |
Cuộc họp báo, được Nhà Trắng công bố vào phút chót, diễn ra một ngày sau khi giới báo chí bị hạn chế tiếp cận ông Biden một cách bất thường.
Màn chào hỏi diễn ra mà không có sự chứng kiến của giới truyền thông Mỹ đi cùng với Tổng thống Biden. Thay vào đó, các phương tiện truyền thông nhà nước của Saudi Arabia đã quay được video này và nhanh chóng phát tán hình ảnh trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Cả thái tử và ông Biden đều nói rằng báo chí được phép vào phòng họp trong phần mở đầu, nhưng các phóng viên trong phòng không thể nghe được lời nói của cả hai. Và không giống như khi ông Biden gặp gỡ những lãnh đạo nước ngoài khác, các phóng viên truyền hình và đài phát thanh không được phép mang mic ghi âm từ xa (boom mic) vào cuộc họp.
Ông Biden cũng rời cung điện khi không có sự chú ý của báo chí. Song, sự bí mật bất thường và việc né tránh hành động bắt tay cũng không ngăn được những lời chỉ trích. Trên thực tế, điều đó còn gây ra phản ứng tồi tệ hơn.
"Thật đáng xấu hổ"
"Màn cụng tay giữa Tổng thống Biden và Thái tử Mohammad còn tệ hơn cả một cái bắt tay. Thật đáng xấu hổ", nhà báo Fred Ryan của Washington Post chỉ trích. "Nó báo hiệu một mức độ thân mật và thoải mái dành cho thái tử, như một sự công nhận trở lại mà Mohammad đang cố gắng tìm kiếm”.
Ngay cả những đồng minh trung thành của đảng Dân chủ như Hạ nghị sĩ Adam Schiff từ California cũng không vừa lòng quyết định gặp thái tử Saudi Arabia của ông Biden.
Saudi Arabia đón tiếp đoàn quan chức Mỹ trong cung điện. Ảnh: Spaeng. |
Có lẽ để đáp lại sự phản đối này, ông Biden đã tổ chức họp báo ngay trước 23h, tại Jeddah, để liệt kê tất cả thỏa thuận đạt được trong cuộc họp, bao gồm cả quyết định lần đầu cho phép máy bay thương mại bay thẳng từ Israel đến Saudi Arabia.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt và giá nhiên liệu tăng vọt do xung đột giữa Nga và Ukraine.
Mặc dù các quan chức Nhà Trắng từng nhiều lần phủ nhận việc ông Biden trực tiếp giải quyết vấn đề nguồn cung dầu, hôm 15/7, vị tổng thống cho biết các quan chức Mỹ và Saudi Arabia "đã thảo luận tích cực" về nguồn cung dầu toàn cầu và quốc gia giàu dầu mỏ này sẽ sớm tăng sản lượng khai thác.
Ông Biden cũng nhấn mạnh các cuộc gặp ở Israel và Saudi Arabia là một phần nỗ lực rộng hơn nhằm tăng cường sự ổn định và hòa bình ở khu vực Trung Đông.
Song, kể cả trước khi nhận những lời chỉ trích hôm 15/7, Nhà Trắng rõ ràng đã lo ngại về phản ứng của công chúng trước việc ông Biden chào hỏi và gặp gỡ những người đứng đầu chính phủ mà ông từng “xem thường” trong chiến dịch tranh cử.
Trước chuyến công du, Nhà Trắng thông báo rằng do nguy cơ dịch Covid-19, ông Biden sẽ hạn chế bắt tay khi đến Trung Đông. Tuy nhiên, với nhiều người, đây là một nỗ lực nhằm né tránh hình ảnh khó xử giữa vị tổng thống và thái tử. Tại các điểm dừng trước đó ở Tel Aviv, Jerusalem và Bethlehem, ông Biden thường xuyên bắt tay các nhà lãnh đạo.
Sau cuộc gặp với quốc vương và thái tử Saudi hôm thứ sáu (15/7), ông Biden sẽ dành ngày thứ bảy để tổ chức các cuộc thảo luận rộng hơn với các nhà lãnh đạo từ một số quốc gia Trung Đông, bao gồm Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia và Israel.