Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cái chết bí ẩn của thiếu nữ Hong Kong

Vì những bất ổn chính trị sâu sắc, một bi kịch đáng lẽ là vấn đề riêng tư của một gia đình lại trở thành "mồi lửa" cho hàng loạt thuyết âm mưu ở Hong Kong.

cai chet cua co gai o Hong Kong anh 1

Ngày 10/8/2019, người biểu tình tụ tập bên ngoài đồn cảnh sát trên đường Nathan. Con phố sầm uất này đã trở thành chiến trường trong các cuộc biểu tình làm rung chuyển thành phố.

Đường phố đầy bóng cảnh sát chống bạo động mang theo khiên và dùi cui. Những loạt hơi cay dội xuống đám đông biểu tình. Những người biểu tình có kinh nghiệm nhanh chóng đeo kính bảo hộ và mặt nạ chống độc. Những người đi đường phản ứng chậm hơn đã hít phải hơi cay.

Trần Ngạn Lâm là một trong những người không may mắn. Trong một đoạn video đăng lên mạng xã hội, cô gái 15 tuổi phàn nàn rằng mình đang ra ngoài mua sắm và không tham gia biểu tình.

"Tôi muốn hỏi tôi đã làm gì sai? Tôi rất bình thường, tại sao tôi phải chịu đựng điều này?", cô nói, với đôi mắt đỏ và sưng húp.

Giống như nhiều thiếu niên Hong Kong khác, Trần ủng hộ phong trào biểu tình và tham gia nhiều cuộc tuần hành lớn, yêu cầu chính quyền rút lại dự luật dẫn độ với Trung Quốc. Nhưng cô chưa bao giờ đứng ở tiền tuyến.

cai chet cua co gai o Hong Kong anh 2

Người biểu tình tụ tập trước đồn cảnh sát Tsim Sha Tsui vào ngày 10/8/2019. Ảnh: Getty.

Sáu tuần sau, vào sáng 22/9/2019, người ta tìm thấy thi thể trong tình trạng khỏa thân của Trần trôi nổi ở khu cảng. Cô ấy đã chết hơn 48 giờ.

Sự kiện này đã làm dấy lên hàng loạt bất ổn và thuyết âm mưu. Trong khi cơ quan chức năng nghi ngờ đây là một vụ tự sát, nhiều người trong các phong trào biểu tình lại cho rằng vụ việc này có liên quan đến cảnh sát, thậm chí họ còn cáo buộc chính quyền cố ý che đậy sự thật.

Trong gần 12 tháng kể từ khi Trần qua đời, các cuộc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt vì vẫn còn những lỗ hổng trong việc điều tra.

Và khác xa với vai trò thứ yếu trong làn sóng biểu tình như mẹ Trần miêu tả, cô đã được coi là một trong những người "tử vì đạo". Khuôn mặt cô xuất hiện đầy trên các áp phích và tờ rơi của những người trẻ đòi công lý thay cho cô.

Ngày 11/8/2020, sau gần hai tuần điều trần, một bồi thẩm đoàn Hong Kong đã phán quyết rằng nguyên nhân cái chết của Trần là không thể xác định.

Một bi kịch đáng lẽ là vấn đề riêng tư của một gia đình, trong thời điểm nhạy cảm lại trở thành vấn đề gây tranh cãi của công chúng.

Tuy nhiên, tại một thành phố mà sự tin tưởng của người dân đối với chính quyền và cảnh sát bị chia rẽ sâu sắc, rất có thể sẽ còn nhiều trường hợp như của Trần, bị các thuyết âm mưu nhấn chìm.

Thành phố của những thuyết âm mưu

Theo CNN, thi thể của Trần được phát hiện trong khoảng thời gian mà những cáo buộc về hành vi tấn công tình dục của cảnh sát đang lan rộng. Khi tin tức về việc Trần từng tham gia một số cuộc biểu tình vào mùa hè năm 2019 xuất hiện, nhiều đồn đoán không có bằng chứng bắt đầu lan truyền trên mạng, cho rằng cảnh sát thể đã hành hung hoặc xâm hại Trần, sau đó kết liễu và phi tang xác cô xuống bến cảng.

cai chet cua co gai o Hong Kong anh 3

Nhiều người trẻ đứng lên đòi công lý thay cho Trần, bất chấp các khám nghiệm tử thi cho thấy rằng cô không bị sát hại. Ảnh: Getty.

Suy đoán về cái chết của Trần vẫn tiếp tục ngay cả sau khi mẹ cô công khai nói rằng bà tin con gái mình đã tự sát, yêu cầu mọi người ngừng tập trung vào vụ án.

Tuy nhiên, chính tuyên bố này lại khiến mẹ của Trần bị nhấn chìm trong các thuyết âm mưu khác. Bà cho biết mình thường xuyên bị quấy rối qua điện thoại và trên mạng. Bà thậm chí còn bị cáo buộc đã bị cảnh sát mua chuộc để che đạy vụ sát hại chính con gái mình.

“Thông tin cá nhân của tôi bị phát tán trên mạng, tôi thường xuyên bị quấy rối bởi các cuộc gọi lúc nửa đêm. Tôi đã mất con gái, xin đừng bạo hành tôi nữa. Chúng tôi thật sự rất khó khăn. Xin hãy để gia đình chúng tôi yên. Tôi muốn con gái tôi được yên nghỉ", mẹ của Trần tâm sự trong một buổi phỏng vấn với đài truyền hình Hong Kong TVB vào năm ngoái.

Đến tận khi mẹ của Trần xuất hiện bên ngoài tòa án vào tháng 8 vừa qua, bà vẫn là mục tiêu của sự công kích. Một đám đông chờ sẵn, la hét vào bà và cáo buộc bà đang diễn.

Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình Trần không phải là những người duy nhất phải đối mặt với hậu quả từ vụ án.

Học viện Thiết kế Hong Kong (HKDI), nơi Trần theo học, ban đầu từ chối công bố tất cả các cảnh quay giám sát về Trần trong hôm trước khi cô qua đời. Các sinh viên đã phá hoại trường, đập vỡ cửa sổ, tấm kính, phá hỏng camera và phun vẽ bậy lên tường.

Dù HKDI cuối cùng đã công bố nhiều video hơn cho thấy các hành động của Trần, bao gồm cả khi cô xuất hiện và rời khỏi khuôn viên trường, một số người vẫn cho rằng nhà trường đã tích cực tham gia vào việc che đậy sự thật. Thậm chí, họ còn cho rằng cô gái xuất hiện trong các video là một diễn viên.

cai chet cua co gai o Hong Kong anh 4

Nhiều người đứng lặng lẽ tưởng niệm Trần. Phía sau là cửa kính bị vỡ - kết quả của cuộc biểu tình vì sự thiếu minh bạch trong việc giải trình các hành vi trước khi mất của cô gái. Ảnh: Getty.

Dấu hiệu cảnh báo

Trong 16 video dài gần 90 phút, ghi hình vào ngày 19/9/2019, Trần mặc một chiếc áo hai dây đen và quần ống rộng đen sọc trắng. Trông cô có vẻ bối rối hoặc lạc lõng. Cô không xem điện thoại hoặc nói chuyện với bất kỳ ai trong các video.

Trong hơn một giờ, Trần đi lại xung quanh khuôn viên trường, chờ thang máy, đi bộ trên sân thượng và qua căn-tin. Tại một số thời điểm, cô ấy vứt túi xách của mình, sau đó là giày và tiếp tục đi chân trần.

Khoảng 19h, Trần có vẻ đã rời khỏi khuôn viên trường. Một nhân chứng cho biết đã thấy cô đi bộ vào ga tàu điện ngầm gần đó, nhưng không đi qua cửa soát vé. Điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian từ lúc ấy đến khi thi thể của cô được phát hiện ba ngày sau đó vẫn là một ẩn số.

Tuy nhiên, theo các nhà điều tra, câu chuyện đầy đủ về cái chết của Trần không gói gọn trong khoảng thời gian đó mà bắt đầu sớm hơn nhiều.

Nhiều bằng chứng được đưa ra ngày 11/8/2020 đã cho thấy các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần của Trần. Tuy nhiên, cô gái lại bỏ qua hầu hết cơ hội tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết.

Theo những gì được cung cấp cho tòa án, trước khi qua đời, Trần sống với ông nội nhưng vẫn có quan hệ gần gũi với mẹ. Cô hầu như không liên lạc với cha - người nghiện ma túy và từng đánh cô.

Trần từng là một học sinh có thành tích cao. Tuy nhiên, đến năm 2019, cô bắt đầu gặp khó khăn trong chuyện học hành. Trần chuyển trường liên tiếp vài lần. Điểm số của cô bị ảnh hưởng và cô thường xuyên tranh cãi với những học sinh khác.

Cô bắt đầu mất tích trong các khoảng thời gian khá dài. Vào tháng 3/2019, Trần đã có hành vi chống đối cảnh sát và được đưa vào một nhà giáo dưỡng dành cho trẻ vị thành niên của chính quyền. Tại đây, Trần cố gắng tự tử bằng túi nhựa hoặc đập đầu vào tường, khiến các nhân viên phải đưa cô vào bệnh viện.

Tại đây, Trần chia sẻ với một bác sĩ rằng đôi khi cô nghe thấy các giọng nói trong đầu, nhưng phủ nhận việc cố gắng tự sát. Bác sĩ nghi ngờ Trần bị rối loạn căng thẳng cấp tính, nhưng không thể thuyết phục cô tái khám.

Trần sau đó đã trốn khỏi bệnh viện và biến mất trong vài tuần. Nhiều tin đồn cho rằng cô đã cố tình làm vậy để trốn khỏi nhà trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, các nhân viên xã hội chịu trách nhiệm chăm sóc Trần đã bác bỏ quan điểm này.

Tháng 5/2019, Trần xuất hiện lại và bày tỏ mong muốn thay đổi cuộc sống của mình. Cô muốn đăng ký một khóa học thiết kế tại HKDI và bắt đầu tìm kiếm công việc bán thời gian. Khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào mùa hè năm ngoái, Trần đã tham gia nhưng chỉ ở vòng ngoài, không phải nằm trong nhóm những người biểu tình tuyến đầu, trực tiếp đối đầu với cảnh sát, mẹ cô cho biết.

cai chet cua co gai o Hong Kong anh 5

Trần Ngạn Lâm xuất hiện trong camera giám sát của Học viện Thiết kế Hong Kong (HKDI) vào ngày 19/9/2019. Ảnh: HKDI.

Vào khoảng thời gian này, Trần cũng bắt đầu giao thiệp với một nam thiếu niên họ Ngũ, đang bị giam giữ tại Viện cải huấn Tong Fuk. Sau đó, cô mô tả Ngũ là bạn trai mình.

Hai ngày sau khi Trần bị “vạ lây” trong cuộc biểu tình ngày 10/8/2019, cảnh sát được gọi đến một ga tàu điện ngầm ở Lantau. Tại đây, Trần la hét trong tình trạng lo âu nghiêm trọng. Cô cho biết mình bị mất điện thoại và cần liên lạc với cha của bạn trai. Tuy nhiên, Trần từ chối sự giúp đỡ từ các sĩ quan.

Cuối cùng, cha của Ngũ cũng đến nhà ga và đưa Trần đến một nhà hàng gần đó. Ở đó, cô tiếp tục có những hành động kỳ lạ, như nói chuyện với những người ở bàn khác và gọi đồ ăn không có trong thực đơn. Sau khi ra khỏi nhà hàng, Trần nói với cha của Ngũ rằng cô sẽ về nhà, nhưng thay vào đó cô quay trở lại trại cải huấn nơi Ngũ bị giam giữ. Cô ngủ qua đêm bên ngoài tòa nhà và cố gắng xâm nhập vào đó trong buổi sáng hôm sau. Trần đụng độ với nhân viên và bị còng tay đưa đến đồn cảnh sát gần đó.

Trong cuộc kiểm tra sau đó với bác sĩ, Trần lại cho biết mình nghe thấy nhiều giọng nói và trở nên kích động. Cô sau đó bị đưa trở lại nhà dành cho trẻ vị thành niên. Tại đây, Trần bắt đầu tự làm hại bản thân, đập phá phòng mình và đập đầu vào tường. Sau đó, cô được chuyển đến bệnh viện Castle Peak, một cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các nhân viên tại bệnh viện cho biết họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát Trần và có lúc phải khống chế cô.

Trần từ chối trở lại nhà dành cho trẻ vị thành niên, phàn nàn rằng cô hay nghe thấy các giọng nói khi ở đó và không thể ngủ được. Một bác sĩ đã cho cô thuốc an thần, nhưng gạt bỏ những lời phàn nàn của cô vì những dấu hiệu cho thấy cô "đang nổi loạn".

Đây là cũng là lần cuối Trần được can thiệp y tế.

Ngày cuối cùng

Từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2019, hành vi của Trần hầu như bình thường. Cô trở về nhà và đăng ký học tại HKDI. Cô kết thêm vài bạn mới và tỏ ra rất thích đi học.

Tuy nhiên, vào ngày 19/9/2019, tình hình lại diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn. Ông của Trần khai tại tòa rằng lúc 3h sáng hôm đó, ông bị đánh thức bởi tiếng Trần dọn dẹp phòng. Trần nói rằng cô lại nghe thấy các giọng nói và không thể ngủ được. Cuối ngày hôm đó, tại HKDI, Trần cởi giày, nằm xuống sàn và gối lên ba-lô ngay trong giờ học.

cai chet cua co gai o Hong Kong anh 6

Trần xuất hiện trong các cảnh quay giám sát của trường vào ngày 19/9/2019, cởi giày và đi bộ trong khuôn viên. Ảnh: HKDI.

Sau giờ học, cô gái đã dành gần nửa tiếng để thu dọn tủ đồ của mình, trước khi bạn bè thuyết phục cô rời đi cùng họ. Khi họ lên tàu ở ga Tiu Keng Leng, Trần nói với bạn bè rằng cô ấy sẽ quay lại trường sau để tiếp tục thu dọn. Cô từ chối ngồi trên ghế tàu điện ngầm, thay vào đó là ngồi trên sàn. Cuối cùng, Trần tạm biệt bạn bè mình, nói rằng cô sẽ về nhà. Thế nhưng, thay vào đó, cô quay trở lại HKDI, trước khi đi đến một công viên khu cảng gần đó.

Chính xác điều gì xảy ra tiếp theo cho đến nay vẫn chưa thể xác định. Lỗ hổng quan trọng trong giám sát và lời khai của nhân chứng khiến hội đồng xét xử cuối cùng không thể đưa ra phán quyết.

Ngõ cụt trong xác định nguyên nhân tử vong

Trong quá trình điều tra, bác sĩ tâm thần pháp y Robyn Ho cho biết hành vi của Trần trong thời gian trước khi chết (bao gồm việc nghe thấy các giọng nói, mất ngủ và nỗi ám ảnh về ngăn nắp) cho thấy dấu hiệu của một chứng loạn thần tiềm ẩn.

Tình trạng phân hủy của thi thể đồng nghĩa với việc xác định nguyên nhân cái chết của Trần là không thể. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu bệnh học Garrick Li, người thực hiện khám nghiệm tử thi Trần, cho biết có khả năng rằng cô bị chết đuối, dù ông không thể nói chắc.

Điều này được lý giải như sau: Trần đã khỏa thân khi cô xuống nước. Không chỉ vậy, cô có khả năng bơi lội khá tốt, theo điều tra của tòa án. Chính vì vậy, cô có vẻ sẽ không chọn cách này để tự sát. Tuy nhiên, trong khi đang lên cơn loạn thần, rất có thể cô đã khỏa thân xuống nước bơi vì buổi tối hôm đó khá nóng, và cuối cùng bị chết đuối.

Tại tòa án, nhân viên điều tra David Ko đã loại trừ cả hai khả năng tự tử và "giết người". Khi thi thể của Trần được phát hiện, nó không có dấu hiệu bầm tím hoặc thương tích rõ ràng, và không có bằng chứng về việc tấn công tình dục hoặc xâm phạm.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bệnh học thừa nhận rằng những bằng chứng đó có thể đã biến mất trong thời gian thi thể của Trần ở dưới nước.

cai chet cua co gai o Hong Kong anh 7

Trần đứng đợi thang máy tại trường. Ảnh: HKDI.

Ông Ko gợi ý bồi thẩm đoàn xem xét khả năng Trần mất do một tai nạn, hoặc đi tới một phán quyết mở (về cơ bản là thừa nhận rằng không thể xác định được đầy đủ sự thật).

Xét nghiệm tảo cát, tức so sánh mức độ của một loại vi tảo nhất định trong nước với phổi và máu của nạn nhân, có khả năng xác định được Trần có phải chết đuối hay không. Tuy nhiên, loại xét nghiệm này hiện vẫn chưa được tiến hành trong khám nghiệm tử thi ở Hong Kong. Bồi thẩm đoàn đang khuyến nghị sử dụng xét nghiệm tảo cát trong các trường hợp nghi ngờ đuối nước trong tương lai.

Hậu quả bi thảm

Nếu đứng riêng lẻ, cái chết của Trần là một bi kịch của một cô gái trẻ có dấu hiệu tổn thương về tâm thần. Cô rất có thể đã được cứu nếu nhận được sự giúp đỡ thích hợp vào đúng thời điểm.

Cho đến nay, những thuyết âm mưu xung quanh cái chết của Trần phần lớn đã che khuất những câu hỏi quan trọng về trách nhiệm của chính quyền đối với sức khỏe tâm thần của người vị thành niên.

Liệu có phải các nhà chức trách và cơ quan mà Trần tương tác, từ bác sĩ đến nhân viên xã hội, đã không giúp đỡ Trần, hay thậm chí không nhận ra rằng cô đang cần giúp đỡ?

Cái chết của Trần đã chỉ ra những vấn đề rộng lớn hơn về các quy định về sức khỏe tâm thần ở Hong Kong, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.

Kể từ năm 2015, hàng loạt vụ tự sát của thanh niên buộc công chúng phải hành động, chính quyền đã tăng cường tài trợ cho hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn rất nhiều khoảng trống trong vấn đề này. Ngoài ra, sự kỳ thị của xã hội xung quanh việc thừa nhận bệnh tâm thần có thể ngăn cản mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ.

Thanh thiếu niên Hong Kong vốn đã phải chịu áp lực lớn tại trường. Cùng với đó, thực tế thị trường việc làm đang bị thu hẹp và nhà ở có giá cắt cổ có thể khiến họ phải vật lộn để thành công. Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn chính trị đã làm trầm trọng thêm gánh nặng mà người trẻ Hong Kong phải đối mặt.

Paul Yip, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phòng ngừa Tự tử của Đại học Hong Kong (HKU), cho biết, đối với một số thanh niên, phong trào biểu tình có ý nghĩa. Tuy nhiên, ông vô cùng lo ngại khi Trần và một số cái chết khác có liên quan đến phong trào bị biến thành cái gọi là "những kẻ tử vì đạo". Ông cho rằng điều này có nguy cơ truyền cảm hứng cho nhiều người, ngay cả khi họ không có ý định tự sát.

Yip cho rằng sự trì hoãn quá lâu việc điều tra cái chết của Trần đã tạo điều kiện cho các thuyết âm mưu lan rộng. Ông lo ngại sẽ còn nhiều trường hợp tương tự trong tương lai.

cai chet cua co gai o Hong Kong anh 8

Trần đi ngang qua khu vực căn-tin trường. Ảnh: HKDI.

Sharon Yam, giáo sư Đại học Kentucky, cho biết "dù bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, lo âu và PTSD, đã trở nên phổ biến hơn ở Hong Kong, chúng vẫn tiếp tục bị kỳ thị".

“Sự kỳ thị này, cùng với xu hướng của công chúng đối với các thuyết âm mưu chống chính quyền, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng ở Hong Kong, nơi mọi người không thể tiếp cận hỗ trợ sức khỏe tâm thần", cô nói thêm. Hầu hết hỗ trợ sức khỏe tâm thần đều được cung cấp bởi chính quyền hoặc các cơ quan liên kết với chính quyền.

Cô cũng cho rằng "sự thiếu trách nhiệm giải trình và thiếu tính minh bạch của cảnh sát” là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến biểu tình xung quanh cái chết của Trần.

Thâm thù huyết hận giữa hai đại gia làng báo Hong Kong

Tờ Oriental Daily News của hai anh em họ Mã, cũng là hai tay buôn thuốc phiện, giữ vị trí số 1 trong hàng thập kỷ trước khi tờ Apple Daily của Jimmy Lai xuất hiện và soán ngôi.

Agnes Chow và ông trùm truyền thông Hong Kong được thả

Trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai, nhà hoạt động Agnes Chow cùng nhiều người khác đã được thả sau khi bị bắt giữ theo luật an ninh quốc gia Hong Kong.

Hồng Ngọc

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm