Vào cuối những năm 1960, hai tay buôn thuốc phiện khét tiếng từ Trung Quốc đại lục đã thành lập một tờ báo ở Hong Kong. Lấp vào khoảng trống trên thị trường, Oriental Daily News (Đông Phương nhật báo), với hình ảnh sinh động, tin tức sốt dẻo về người nổi tiếng và câu chuyện tội phạm ly kỳ, đã nhanh chóng trở thành tờ báo khổ nhỏ được đọc nhiều nhất tại thành phố - cho đến khi Apple Daily lên kệ vào năm 1995.
Khi tờ báo có xu hướng ủng hộ dân chủ của Lê Trí Anh (tức Jimmy Lai) từng bước lấy đi độc giả của Oriental Daily News, thâm thù cá nhân đã bén rễ giữa những người sáng lập tờ báo cũ, khi đó đang tị nạn ở Đài Loan, và người mới đến.
Cáo phó đăng nguyên trang trên tờ Oriental Daily News vào tháng 8/2014, nói người qua đời là "Lê Chí Anh". Ảnh: AP. |
Ít nhất từ năm 2013, Oriental Daily News đã chi tiền cho một nhóm phóng viên tám người để bám theo ông Lê ngày đêm, thậm chí chụp ảnh ông uống thuốc tại một bệnh viện, theo những gì được trình bày tại tòa án vào tháng trước.
Năm 2014, Oriental Daily News đăng cáo phó tuyên bố một người đàn ông tên gần giống ông Lê (Lê Chí Anh) qua đời vì AIDS. Ngoài ra, tờ báo này đã đăng hàng trăm bài báo về đời tư và chính trị của ông Lê, thường xuyên gán ghép ông là "kẻ phản bội tổ quốc" vì lập trường chống Bắc Kinh.
Sau nhiều thập kỷ tranh chấp, hai đối thủ trong mùa hè này cuối cùng đã ra tòa, khi ông Lê đối mặt với cáo buộc đe dọa một phóng viên Oriental Daily News.
Vào tối 4/6/2017, trong một hoạt động kỷ niệm diễn ra tại cảng Victoria ở Hong Kong, ông Lê bị ghi hình khi đang hét vào mặt một phóng viên của Oriental Daily News, người đã theo dõi ông trong khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Trong đoạn băng được chiếu trước tòa, ông Lê chỉ tay vào mặt phóng viên, chửi anh ta bằng tiếng Quảng Đông và nói: "Tao nhất định sẽ tìm người cho mày một trận".
Phóng viên, người được bảo vệ danh tính theo yêu cầu giấu tên, cho biết ông Lê đã đe dọa anh về mặt thể xác, và anh bị tổn thương tâm lý sau vụ việc. Các công tố viên nói ông Lê đang tham gia sự kiện công cộng nơi các phóng viên có quyền chụp ảnh ông.
Ông Lê không nhận tội trước cáo buộc đe dọa hình sự, với bản án tối đa là hai năm tù, và hôm 3/9 ông được tuyên vô tội. "Tôi không lo lắng chút nào, bởi vì đây là chuyện nhỏ và cáo buộc có vẻ gượng ép", ông nói, trước khi phiên tòa bắt đầu.
Trong những năm gần đây, ông Lê phải đối mặt những kẻ thù lớn hơn Oriental Daily News, khi ông mạnh mẽ phản đối ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Hong Kong. Người đàn ông này đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc hình sự, bao gồm một số tội theo luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong, với mức án cao nhất là tù chung thân.
Ông Jimmy Lai, tức Lê Trí Anh, ra tòa tại Hong Kong hôm 3/9. Ảnh: Reuters. |
Bất kỳ án tù nào cũng đe dọa khả năng điều hành Apple Daily của ông vào thời điểm tờ báo đang chịu áp lực tứ bề: Vào ngày 10/8, tòa soạn bị 200 cảnh sát ập vào, cùng lúc ông Lê bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới vì nghi ngờ thông đồng với lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, âm mưu lừa gạt, ý đồ kích động ly khai, những vụ án chưa xét xử.
"Sẽ rất khó để Apple Daily tồn tại nếu ông Lê bị bỏ tù", Willy Lam, giáo sư lịch sử tại Đại học Trung văn Hong Kong, cựu nhà báo, bình luận. Ông nói tòa soạn có thể đang chuẩn bị các chiến lược tồn tại nếu tình huống đó xảy ra.
"Ông Lê không phải là chủ bút, nhưng ông ấy là người cấp tiền cho tờ báo và là biểu tượng của sự bất tuân. Ông ấy là biểu tượng của tự do truyền thông, ở cả Hong Kong và thế giới phương Tây".
Hai tay buôn thuốc phiện
Năm 1977, cảnh sát Hong Kong phát lệnh bắt hai anh em mà họ cho là đã buôn lậu 700 tấn heroin vào Hong Kong trong giai đoạn 1968-1974 từ khu vực "Tam giác Vàng" (ngã ba giữa Myanmar, Thái Lan và Lào).
Song trước khi các sĩ quan có cơ hội bắt giữ Mã Tích Như, người được biết đến rộng rãi với biệt danh Mã "Bột trắng", ông ta đã đào tẩu đến Đài Loan, nơi không có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.
Em trai ông ta, Mã Tích Trân, không nhanh như vậy: Ông này bị bắt nhưng đã tìm cách trốn khỏi thành phố bằng thuyền vào năm sau trong khi được tại ngoại.
Từ đó cho đến cuối đời, hai anh em họ Mã đã tị nạn ở Đài Loan, quản lý đế chế truyền thông của họ từ xa.
Trên: Mã Tích Trân bị bắt năm 1977. Ảnh: Chính quyền Hong Kong. Dưới: Mã Tích Trân được đưa đến tòa năm 1977. Ảnh: SCMP/Getty. |
Vào tháng 1/1969, hai anh em thành lập Oriental Daily News. Khi họ vắng mặt, tờ báo do Mã Trừng Khôn, con trai của người em trai, điều hành. Dưới sự lãnh đạo của Mã Trừng Khôn, tờ báo trở thành công cụ quan trọng để vận động cho sự trở lại của hai người đào tẩu.
"Sau đó, toàn bộ nhiệm vụ của tờ báo là đưa họ (hai anh em họ Mã) trở lại Hong Kong", Mark Simon, Giám đốc điều hành cấp cao của Next Digital, công ty xuất bản tờ Apple Daily, nói.
Năm 1994, tờ báo tiếng Anh Eastern Express được thành lập bởi Oriental Press Group, công ty xuất bản Oriental Daily News, để kết nối với giới tinh hoa nói tiếng Anh của Hong Kong, những người cai trị thuộc địa của Anh lúc bấy giờ và cuối cùng quyết định số phận của hai người đào tẩu. Tuy nhiên, ấn phẩm này bị gạch tên nhanh chóng do doanh thu quảng cáo và lượng độc giả thấp.
Năm 1996, một luật sư hỏi chính quyền rằng điều gì sẽ xảy ra khi hai anh em họ Mã quay trở lại Hong Kong. Tuy nhiên, các cáo buộc buôn bán ma túy ở Hong Kong vẫn chưa hết hiệu lực.
Mã Trừng Khôn năm 1995 (phải). Ảnh: Getty. |
Năm 1998, một năm sau khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc, Oriental Daily News tiết lộ Mã Trừng Khôn năm 1994 từng quyên góp 1,7 triệu USD cho đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh khi đó để có được "một số cam kết" mà tờ báo cho rằng đã không được thực hiện. Thống đốc Hong Kong từ năm 1992 đến năm 1997 là một chính trị gia thuộc đảng Bảo thủ.
Công bố bức ảnh Mã Trừng Khôn chụp cùng Thủ tướng Anh John Major, và thực đơn trong bữa tối ở số 10 phố Downing mà ông Mã dự vào ngày 27/9/1994 - ba tháng sau khi khoản quyên góp được chuyển đi - tờ báo yêu cầu được hoàn lại tiền.
"Chúng tôi muốn nói rõ ràng rằng đảng Bảo thủ đã không và sẽ không nhận các khoản quyên góp đi kèm điều kiện ưu ái'', một phát ngôn viên đảng Bảo thủ nói với tờ Independent của Anh vào năm 1998.
Sau khi Mã "Bột trắng" qua đời năm 1998, em trai của ông sống một mình ở Đài Loan. Tuy nhiên, một số người nghi ngờ rằng Mã Trừng Khôn chưa bao giờ thực sự muốn cha mình trở lại quê nhà.
"Nếu cha ông ấy quay lại, ông ấy sẽ không còn là ông hoàng báo chí nữa", một quan sát viên lâu năm của Oriental Daily News, yêu cầu giấu tên, cho biết. "Ông ấy đã phải gửi trang nhất tờ báo sang Đài Loan mỗi ngày để được phê duyệt trước khi đưa chúng đến nhà in".
Năm 2015, Mã Tích Trân qua đời ở tuổi 77 tại Đài Bắc. Ông vẫn là một kẻ bị truy nã ở Hong Kong.
Một quả táo mỗi ngày
Cùng lúc anh em nhà họ Mã đến Hong Kong, một người đàn ông khác sau này trở thành ông trùm truyền thông cũng lén lút vượt biên từ Trung Quốc đại lục đến thuộc địa Anh để tìm cuộc sống an toàn hơn.
Sau khi kiếm được khoản tiền lớn đầu tiên với gã khổng lồ thời trang nhanh Giordano, vào giữa những năm 1990, Lê Trí Anh thành lập Next Digital, qua đó ông bắt đầu xuất bản Apple Daily, tờ báo có xu hướng ủng hộ dân chủ và chỉ trích Bắc Kinh.
Jimmy Lai tháng 12/1995. Ảnh: SCMP/Getty. |
Apple Daily đã tung ra chiến dịch khuyến mại trị giá 100 triệu HKD (12,9 triệu USD) và gây ra cuộc chiến về giá ở các sạp báo khắp thành phố. Ông Lê gần như tặng cho không tờ báo ở mức 2 HKD (25 xu Mỹ).
Trước năm 1995, Oriental Daily News được coi là dẫn đầu thị trường một cách rõ ràng, dù khó xác minh số liệu chính xác về lượng độc giả do thiếu kiểm toán độc lập. Các tài liệu của tòa án từ năm 1998 cho biết tờ báo này chiếm 53% thị phần trong "thị trường báo chí sôi động."
"Jimmy đã vung tiền để thiết lập mạng lưới phát hành", Simon, cánh tay phải lâu năm của ông Lê, nói, giải thích rằng Apple Daily đã thương lượng để được đưa vào các sạp báo, nơi thường miễn cưỡng bán các tờ cạnh tranh với Oriental Daily News.
Apple Daily bắt đầu giành độc giả từ Oriental Daily News. "Jimmy đã không nhận ra rằng điều này sẽ trở thành một nỗi sỉ nhục to lớn đối với đám người hoang tưởng này, những người một mặt đang bận xóa đi vết nhơ của họ, mặt khác muốn đảm bảo rằng họ vẫn thống lĩnh thị trường", một người đã có nhiều năm quan sát Oriental Daily News cho biết.
Một cửa hàng Giordano tại Macau bị cháy. Ảnh: SCMP/Getty. |
Khi ngành truyền thông chuyển sang kỷ nguyên kỹ thuật số vào thế kỷ 21, Apple Daily là người sớm áp dụng, tiên phong với tin tức dạng video đồ họa cực kỳ thành công và ra mắt một website độc lập với tờ báo giấy, trong khi Oriental Daily News tiếp tục tải file PDF của báo in lên website.
Lập trường chính trị của tờ báo cũng không được xác định rõ ràng như Apple Daily, trong khi các ấn phẩm khác trong thành phố có lập trường cứng rắn và nhất quán hơn, ủng hộ Bắc Kinh.
Và khi mối thù giữa ông Lê với Oriental Daily News ngày càng sâu sắc, Apple Daily đã thổi bùng ngọn lửa, tung ra những câu chuyện gây áp lực để chính quyền Hong Kong không cho ông Mã Tích Trân trở về từ Đài Loan.
Quấy rối
Trong các phiên tòa xét xử ông Lê vào tháng trước, có thông tin cho rằng ít nhất từ năm 2013, Oriental Daily News đã trả tiền cho một nhóm phóng viên theo dõi ông.
Phóng viên mà người sáng lập Apple Daily đụng độ vào tháng 6/2017 đã thừa nhận tại tòa rằng anh thường xuyên theo dõi ông Lê rời khỏi nhà và nơi làm việc của ông này, chụp ảnh và quay phim những người ông tiếp xúc, trong khi luôn giữ khoảng cách hợp lý và không bao giờ khiêu khích ông.
"Tại sao bạn lại có cả một nhóm người được trả lương trong nhiều năm để làm việc đó và theo dõi ai đó mà bạn không thích?", một nhà quan sát Oriental Daily News cho biết. "Nó hẳn đã khiến họ phải tốn cả gia tài".
Song đây không phải là lần đầu tiên Oriental Daily News chỉ định phóng viên theo dõi những người mà họ không thích.
Năm 1996, Oriental Daily News kiện Next Media vì đăng trên trang nhất bức ảnh tờ báo chụp ngôi sao nhạc pop Vương Phi lấy hành lý tại sân bay Bắc Kinh khi cô đang mang thai, mà không được sự đồng ý của cô.
Oriental Daily News đã giành được khoản tiền nhỏ vì việc vi phạm bản quyền này. Song tờ báo cũng bị một thẩm phán yêu cầu phải trả tiền bồi thường vì xuất bản một loạt ảnh không đứng đắn về phụ nữ khỏa thân.
Sau phán quyết, một nhóm phóng viên của Oriental Daily News bắt đầu theo dõi vị thẩm phán này suốt ngày đêm, và một bài viết trên tờ báo cảnh báo ông không "được có bất kỳ bước đi sai lầm nào".
Hình ảnh và bài viết trên tờ Oriental Daily News đã trình bày chi tiết việc di chuyển của thẩm phán khi đến và rời khỏi tòa án, đồng thời có hàng loạt lời lẽ mang tính giễu nhại sắc tộc nhằm vào ông.
Trong chuyên mục Kung Fu Tea, tờ báo viết: "Oriental không quan tâm các người là da vàng hay da trắng hay lợn hay chó. Để tự vệ, chúng tôi quyết tâm quét sạch tất cả! Đây, Kung Fu Tea cảnh cáo lũ lợn và chó: các người đừng làm phiền tôi nữa. Nếu không, khi tôi phản công để tự vệ, các người sẽ hối hận vô cùng, các người sẽ hối hận đấy! Tôi nhắc lại: Các người sẽ hối hận lắm đấy!".
Đe dọa hình sự
Trong hai năm, chính quyền Hong Kong đã không theo đuổi vụ việc chống lại ông Lê, dù các bài báo thường xuyên xuất hiện trên tờ Oriental Daily News thúc giục lãnh đạo cơ quan tư pháp truy tố ông. Tờ báo cho biết họ đã gửi 17 bức thư đến Sở Tư pháp Hong Kong về vụ việc.
Sau đó vào tháng 2 năm nay, ông Lê bị khởi tố với tội danh đe dọa hình sự theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp Teresa Cheng, người đã bị Mỹ trừng phạt vào tháng 8 vì làm tổn hại các quyền tự do của Hong Kong.
Arthur Lee, luật sư và nhà tư vấn chuyên nghiệp tại Đại học Trung văn Hong Kong, cho biết nhìn chung việc truy tố bị trì hoãn lâu như vậy có thể là do cần tìm thêm bằng chứng, hoặc có bất đồng quan điểm về việc có nên truy tố hay không.
"Tôi cho rằng việc đưa vụ này ra xét xử có phần quái đản", Simon nói. "Họ đã quấy rối một người để họ đáp trả và họ đã nhận được sự đáp trả - nhưng họ không bắt được người nào đang cố đe dọa hình sự bất kỳ ai".
Trong phán quyết của thẩm phán hôm 3/9, bà nói rằng bà không thể "tin phóng viên là một nhân chứng trung thực và đáng tin cậy" và không tin rằng anh ta "thực sự sợ hãi". Theo những gì được trình bày trước tòa, phóng viên này đã mỉm cười sau vụ việc với ông Lê.
Báo Apple Daily ra sạp vào ngày 11/8/2020. Ảnh: AFP/Getty. |
Năm nay vẫn còn nhiều chuyện để ông Lê có thể phải ngồi tù. Vào tháng 2 và tháng 4, ông bị cáo buộc tụ tập bất hợp pháp vì tham gia các cuộc biểu tình bị chính phủ cấm vào tháng 8 và tháng 10 năm ngoái.
Mỗi tội danh phải chịu mức án tối đa là 5 năm tù. Và ông đến nay vẫn là nhân vật nổi tiếng nhất bị bắt theo luật an ninh quốc gia.
Cho đến nay, dư luận xung quanh vụ bắt giữ ông đã khiến tờ Apple Daily lớn mạnh hơn trước. Tháng trước, những người ủng hộ đã tập hợp mua cổ phiếu của Next Media, mua quảng cáo trên báo, khiến tờ báo cháy hàng khắp thành phố với hơn nửa triệu bản bán ra trong một ngày.
Simon cho biết số lượng đăng ký đọc báo mạng Apple Daily, với phiên bản tiếng Anh được tung ra trong năm nay, đã tăng khoảng 15% lên đến 720.000, kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực.
Sự ủng hộ đó được hoan nghênh. Next Media đã báo cáo khoản lỗ 415 triệu HKD (54 triệu USD) trong 12 tháng tính đến tháng 3 năm nay - tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trên website, Oriental Daily News cho biết họ đã có 3.486.550 độc giả trong năm 2017, số liệu gần đây nhất mà tờ báo công bố. Con số này không được xác minh độc lập nhưng vượt xa lượng độc giả của Apple Daily.
Tuy nhiên, chuyên gia Clement So tại Đại học Trung văn Hong Kong gần đây công bố nghiên cứu được thực hiện vào mùa hè năm ngoái về độc giả trên phương tiện truyền thông địa phương vào năm 2019.
Nghiên cứu cho hay Apple Daily chiếm 21% thị phần báo in và 25,7% thị phần báo mạng, so với 20,9% và 11,1% tương ứng đối với Oriental Daily News.
Song nếu ông Lê bị bỏ tù, vì bất kỳ tội danh nào mà ông đang phải đối mặt, Oriental Daily News có thể giành được vị trí dẫn đầu rõ ràng trên các sạp báo. Lam, giáo sư lịch sử và cựu nhà báo, nói rằng trong bối cảnh truyền thông ngày càng tăng cường tự kiểm duyệt, ngày càng có nhiều lo lắng rằng chính quyền Hong Kong và Trung Quốc đại lục sẽ khiến cuộc sống của tờ báo "khó khăn hơn - hoặc thậm chí đóng cửa".
Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố luật an ninh quốc gia sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.
Sau khi bị bắt theo luật an ninh quốc gia, ông Lê đã xuất hiện trong một buổi livestream của Apple Daily với chia sẻ đầy xúc động: "Tôi đã sống ở Hong Kong hơn 60 năm, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy xúc động và hạnh phúc như vậy trước đây", ông nói.
"Tôi không cảm thấy đau khổ khi bị còng tay, cũng không cảm thấy nhục nhã, không hề... Tôi làm tất cả những điều này bởi vì nơi này đã đối xử với tôi quá tốt và đây là điều tôi nên làm".
Cuộc chiến trên sạp báo vẫn còn tiếp diễn.