Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái bắt tay của ông Putin và ông Erdogan loại Mỹ khỏi bàn cờ Syria

Thỏa thuận mà Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được tại Sochi sẽ định hình giai đoạn mới cho cục diện chiến trường Syria, nơi không còn tiếng nói của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 22/10 có cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Sochi, miền Nam nước Nga. Cả hai chia sẻ tầm nhìn về hồi kết cho cuộc nội chiến Syria kéo dài 8 năm qua.

Lãnh đạo Moscow và Ankara thống nhất về bản ghi nhớ với 10 điểm nội dung, quyết định về sự hiện diện của Lực lượng Dân quân Kurd (YPG) ở vùng biên giới phía bắc Syria. Với thỏa thuận này, Mỹ không còn định hình tương lai Syria, theo CNN.

Trục Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Syria đã giành chiến thắng. Trong khi đó, người Kurd lại phải đặt số phận dân tộc vào một "người bảo hộ" mới - Tổng thống Putin.

loai My khoi ban co Syria anh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan họp báo ngày 22/10 về "thỏa thuận lịch sử" đối với chiến trường Syria. Ảnh: Anadolu.

Dân quân Kurd rút khỏi biên giới

Theo thỏa thuận Sochi, lực lượng cảnh sát quân sự của Nga và biên phòng Syria tiến vào vùng lãnh thổ sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ từ giữa trưa 23/10.

Trong 150 tiếng kế tiếp, họ có nhiệm vụ giải giáp vũ khí và chuyển các chiến binh YPG khỏi khu vực. Lực lượng vũ trang người Kurd phải rời khỏi "vùng an toàn" mà chính phủ Ankara mong muốn, dọc theo biên giới hai nước và ăn sâu gần 30 km vào lãnh thổ Syria.

Bắt đầu từ 18h ngày 29/10, cảnh sát quân sự Nga và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuần tra dọc theo biên giới và đường phân chia "vùng an toàn". Thỏa thuận cho biết Ankara tiếp tục kiểm soát khu vực phía đông bắc Syria, nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh chiếm giữ trong chiến dịch quân sự vừa qua.

Tuy nhiên, thị trấn Qamishli mà quân chính phủ Syria vừa tiếp quản, nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, không nằm trong phạm vi thỏa thuận. Bên cạnh đó, bản ghi nhớ của Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan không đề cập liệu thỏa thuận có hiệu lực trên toàn chiều dài biên giới hai nước không, hay chỉ áp dụng với những khu vực dân quân người Kurd kiểm soát.

Mỹ muốn để quân lại, Nga bảo không

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 22/10 tuyên bố đã đến lúc người Mỹ rời khỏi Syria, dù chỉ một ngày trước đó người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper thông báo một nhóm gần 300 quân có thể tiếp tục đóng tại vùng đông bắc. Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh Mỹ có dưới 2 tiếng để chấp hành lệnh ngừng bắn mà Phó tổng thống Mike Pence đạt được tại Ankara cuối tuần qua.

Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực đến 22h ngày 22/10. Vào thời điểm thông báo về giai đoạn sắp tới của quân đội Nga trên chiến trường Syria, ông Shoigu cảnh báo quân đội Mỹ "còn đúng 1 tiếng 31 phút" để rút hết quân. Ông không đề cập đến hậu quả sau đó cho lực lượng Mỹ.

loai My khoi ban co Syria anh 2
Khu vực kiểm soát của các lực lượng quân sự tại Syria: Quân chính phủ giữ phần lớn lãnh thổ, người Kurd giữ phía đông bắc sông Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ tạo vùng đệm dọc biên giới, còn phiến quân chỉ kiểm soát tỉnh Idlib. Đồ họa: CNN.

Với thỏa thuận vừa đạt được tại Sochi, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên với vai trò những người định hình cục diện địa chính trị của khu vực.

Trong 8 năm nội chiến Syria, chính phủ Moscow và Ankara chống lưng cho những lực lượng đối địch trên chiến trường. Quân đội Nga hỗ trợ hỏa lực không quân, sức mạnh phòng không và cố vấn quân sự cho Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhóm phiến quân người Arab chống chính phủ Damascus.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin lẫn Tổng thống Erdogan đều thống nhất viễn cảnh đường biên giới quốc tế không bị thay đổi, ngăn các phong trào ly khai được tiếp thêm lửa. Phát biểu tại Sochi, Tổng thống Putin nhấn mạnh cả hai nước nhất trí gìn giữ "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Syria.

Moscow giành được chiến thắng về chính sách đối ngoại khi buộc Ankara từ chỗ ủng hộ phiến quân Syria sang đàm phán trực tiếp với Damascus về vấn đề người Kurd. Hỏa lực của không quân Nga cũng xoay chuyển cục diện chiến trường nghiêng về Tổng thống Assad.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan dù không đạt được mục tiêu ép ông Assad từ bỏ quyền lực, vẫn giành được chiến thắng về an ninh. Vùng an toàn dọc biên giới sẽ chặn mọi nỗ lực từ lực lượng người Kurd ở Syria hỗ trợ cho đảng Công nhân Quốc gia người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn bị xem là lực lượng khủng bố ly khai trong mắt Ankara.

Với những diễn biến trên, Washington trở thành người thất bại lớn nhất trong cuộc chơi địa chính trị này. Việc Mỹ rút quân chóng vánh khỏi Syria, bỏ mặc người Kurd trước các đe dọa an ninh, không khác gì một món quà được gói cẩn thận gửi từ Nhà Trắng đến Điện Kremlin.

Người Kurd phải "nhượng bộ đau đớn"

Những nội dung trên đồng nghĩa với việc người Kurd phải nhượng bộ bên ngoài khu vực đang diễn ra xung đột. YPG và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) phải rút khỏi hai thị trấn khác dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là Manbij và Tal Rifaat, dù quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chưa tấn công.

Thỏa thuận cũng hàm ý rằng người Kurd ở Syria giờ đây đặt an ninh của mình vào tay một người bảo hộ mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/10 tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Syria, lấy đi "lá chắn" duy nhất ngăn Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đánh người Kurd. Vai trò đó đã được chuyển sang cảnh sát quân sự Nga.

loai My khoi ban co Syria anh 3
Một phần lực lượng đặc biệt của Mỹ tại Syria sẽ về nước sau khi Iraq từ chối cho Washington gia tăng quân số đồn trú ở nước này. Ảnh: AP.

Để thực thi thỏa thuận, Moscow có thể tăng quân và khí tài trở lại chiến trường Syria, mở rộng sứ mệnh an ninh của Nga tại nước đồng minh. Bên cạnh đó, người Kurd có thể cho quân chính phủ tiến sâu hơn vào lãnh thổ đang kiểm soát để phòng thủ trước Thổ Nhĩ Kỳ do quân số của Nga cũng có giới hạn.

Người Kurd tại Syria sẽ đối diện với rủi ro lớn. Thỏa thuận không nêu rõ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh phản ứng ra sao nếu các lực lượng vũ trang người Kurd chưa rút hết khỏi vùng đệm giữa hai nước. Trong trường hợp lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công nhắm vào dân thường người Kurd, Moscow có thể bị chỉ trích thất bại trong việc đảm bảo thực thi thỏa thuận.

Tổng tư lệnh SDF Mazloum Abdi từng cảnh báo người Kurd phải chấp nhận những "nhượng bộ đau đớn" khi chọn con đường hợp tác cùng Nga và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, điều đó trở thành lựa chọn duy nhất còn lại cho người Kurd để đảm bảo an toàn cho dân tộc sau khi quân Mỹ rời đi.

Mỹ muốn cố thủ kiểu 'Pháo đài Apache' ở Syria để giữ mỏ dầu

Tổng thống Mỹ cân nhắc duy trì một lực lượng nhỏ quân đội tiếp tục ở lại vùng đông bắc Syria bảo vệ các mỏ dầu, gợi ý công ty Mỹ sẽ hỗ trợ người Kurd khai thác và xuất khẩu.

100 năm và 8 lần người Kurd bị nước Mỹ phản bội

Trước khi Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria, để mặc cho lực lượng đồng minh người Kurd bị đe dọa bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Washington đã không ít lần bội ước với dân tộc này.




Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm