Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

100 năm và 8 lần người Kurd bị nước Mỹ phản bội

Trước khi Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria, để mặc cho lực lượng đồng minh người Kurd bị đe dọa bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Washington đã không ít lần bội ước với dân tộc này.

My rut quan khoi Syria anh 1My rut quan khoi Syria anh 2

Tổng thống Trump quay lưng với người Kurd ở Syria dù họ là đồng minh then chốt trong cuộc chiến chống khủng bố IS gần 5 năm qua. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ bội ước với dân tộc bị phân chia giữa 4 quốc gia.

“Chúng tôi đang phơi ngực trước những mũi dao của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đó là lời nhận định chua chát của Mazloum Abdi, Tổng tư lệnh Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với lực lượng chủ lực là Dân quân Kurd (YPG), viết trên tạp chí Foreign Policy vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút quân khỏi Syria.

Động thái đã bật đèn xanh cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào vùng đất do người Kurd kiểm soát, với tham vọng thiết lập một vùng an toàn trải dài 120 km và ăn sâu 30 km vào lãnh thổ Syria.

“Khi cả thế giới không ủng hộ chúng tôi, Mỹ đã đưa tay giúp đỡ. Chúng tôi bắt tay và trân trọng sự hỗ trợ hào phóng. Theo yêu cầu của Washington, chúng tôi chấp nhận dời vũ khí hạng nặng khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phá các công sự phòng thủ, rút những chiến binh tinh nhuệ nhất. Thổ Nhĩ Kỳ vốn dĩ không bao giờ tấn công nếu Mỹ giữ đúng lời hứa”, Mazloum Abdi nhận định.

My rut quan khoi Syria anh 3

Washington cuối cùng đã bội ước. Trong cuộc điện đàm đêm 6/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đảo ngược chính sách tại Syria bất chấp những lời cố vấn của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo tiết lộ của America Magazine, cuộc điện đàm bắt đầu với ý định gây sức ép Thổ Nhĩ Kỳ bỏ ý định mua máy bay chiến đấu Nga. Khi tổng thống Mỹ kết thúc cuộc gọi với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan, ông được thuyết phục rút lực lượng đặc biệt gần 1.000 quân khỏi vùng lãnh thổ do SDF kiểm soát ở phía bắc Syria.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ là lá chắn duy nhất ngăn nước láng giềng hùng mạnh đưa quân đánh người Kurd và SDF, lực lượng đã kề vai sát cánh với Mỹ cùng các đồng minh trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kéo dài gần 5 năm.

Hơn 11.000 thành viên của SDF trong đó phần lớn là người Kurd đã đánh đổi sinh mạng để đánh đổ đế chế cực đoan từng kéo dài từ ngoại ô Baghdad, Iraq, đến phía đông Syria. Trong cùng cuộc chiến đó, chưa đến 100 quân nhân và dân thường người Mỹ thiệt mạng, Foreign Policy dẫn lại báo cáo của Lầu Năm Góc tính đến ngày 15/10.

My rut quan khoi Syria anh 4

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10 mở chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” cùng các lực lượng vũ trang đồng minh đánh vào khu vực người Kurd kiểm soát. Theo Haaretz, các tổ chức quan sát quốc tế ước tính gần 400 tay súng và 72 dân thường đã thiệt mạng tính đến ngày 19/10.

Báo cáo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định loại khỏi vòng chiến hơn 600 “phần tử khủng bố” của YPG và tổ chức ủng hộ người Kurd ly khai. Gần 200.000 dân thường phải sơ tán.

Bị áp đảo bởi hỏa lực, không còn chiếc ô bảo hộ của Mỹ, SDF buộc phải quay sang thỏa hiệp với quân chính phủ Syria và Tổng thống Bashar al-Assad với Nga đóng vai trò trung gian. Quân đội Syria lần đầu tiên sau nhiều năm nội chiến đã tiến vào lãnh thổ do SDF kiểm soát, tăng cường hiện diện và dần tiếp quản nhiều cứ điểm quan trọng dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng dân quân Kurd chấp nhận rút khỏi những thị trấn trong “vùng an toàn” mà Ankara hoạch định, với điều kiện người dân được sơ tán an toàn khỏi nhiều cứ điểm chiến lược trong đó có Ras al-Ain và Tal Abyad, theo phát biểu ngày 19/10 của lãnh đạo cấp cao SDF Redur Khalil.

Sự hỗ trợ duy nhất của Mỹ sau khi rời bỏ đồng minh là thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận ngừng bắn trong vòng 5 ngày tại miền Bắc Syria. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 18/10 sau khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo gặp Tổng thống Erdogan. Đối với ông chủ Nhà Trắng, lợi ích của Mỹ ở Syria dường như đã kết thúc và người Kurd không còn trong tâm trí ông.

“Ai muốn giúp Syria bảo vệ người Kurd cũng được, dù đó là Nga, Trung Quốc hay Napoleon Bonaparte. Tôi mong họ đều làm tốt việc đó, còn chúng ta đang ở cách xa đến 7.000 dặm!”, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter phản pháo lại các chỉ trích nhắm vào quyết định của mình.

My rut quan khoi Syria anh 5

Người Kurd thường tự nói rằng định mệnh của dân tộc là “chỉ có những dãy núi làm bạn”. Với gần 40 triệu người, Kurd là dân tộc đông nhất thế giới không có tổ quốc khi họ phân tán ở 4 quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq. Mọi mong ước xây dựng đất nước cho dân tộc này đều bị đập tan hết lần này đến lần khác.

“Người Kurd bị đàn áp bằng mọi cách, thường vô cùng tàn bạo. Họ phải chịu đựng vô số đau thương từ 4 nước trong khu vực”, Henri Barkey, nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), trả lời Washington Post.

Trong gần 100 năm qua, cả 4 cường quốc của khu vực trong từng giai đoạn thay nhau dập tắt tham vọng lập quốc của người Kurd với sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài khu vực, mà nổi bật nhất là siêu cường Mỹ.

Một mặt, người Kurd được nhìn nhận là công cụ hoàn hảo cho chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông. Vào bất kỳ thời điểm nào một trong 4 cường quốc trên trở thành kẻ thù, Mỹ có thể dễ dàng dùng đến lá bài người Kurd. Các lực lượng người Kurd được Lầu Năm Góc viện trợ vũ khí để gây khó khăn cho nước sở tại hoặc giúp Mỹ đạt được những mục tiêu chiến lược trong khu vực.

Tuy nhiên, giới hoạch định chiến lược ở Washington cũng không muốn dân tộc này trở nên quá hùng mạnh. Nếu kịch bản đó xảy ra, người Kurd ở những nước khác có thể nghĩ đến viễn cảnh quốc gia độc lập và thách thức cả các đồng minh còn lại của Mỹ.

Thế lưỡng nan này trở thành đặc thù trong quan hệ giữa Mỹ và người Kurd trong suốt nhiều thập niên qua kể từ thời điểm siêu cường này bắt đầu hướng đến Trung Đông.

My rut quan khoi Syria anh 6My rut quan khoi Syria anh 7

Khi đế chế Ottoman sụp đổ sau Thế chiến I, Hiệp ước Sevres năm 1920 chia nhỏ đế chế được các nước thắng trận ký kết với một phần lãnh thổ được quy hoạch để thành lập quốc gia cho người Kurd.

Thỏa thuận vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người Thổ, khiến Washington quyết định chuyển sang ủng hộ xây dựng một thỏa hiệp mới vào năm 1923 – Hiệp ước Lausanne. Hiệp ước này cho phép Anh và Pháp vẽ lại biên giới chia cho Iraq và Syria, nhưng không nhắc gì đến người Kurd.

Đó là sự phản bội đầu tiên và “nhẹ nhàng nhất” trong lịch sử quan hệ giữa Mỹ và người Kurd.

Vào thời điểm đó, nhân vật chính trong vở bi kịch của dân tộc này là đế quốc Anh. Họ đập tan Vương quốc Kurdistan non trẻ đầu thập niên 1920 tại Iraq. Sau đó, Anh cho thành lập cái gọi là “Nền cộng hòa Ararat” của người Kurd trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Khi nhận thấy mình cần người Thổ hơn, đế quốc Anh cũng bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt sự tồn tại của quốc gia người Kurd.

Vai chính trong vở bi kịch phản bội người Kurd nhanh chóng được thay thế bởi Mỹ một khi siêu cường phương Tây trực tiếp can thiệp vào khu vực sau Thế chiến II.

My rut quan khoi Syria anh 8

Trong phần lớn những lần bội ước của mình, các chính phủ Mỹ dù được lãnh đạo bởi đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa đều khởi đầu với hợp tác cùng người Kurd và kết thúc bằng việc để mặc cho dân tộc này bị các đồng minh của Washington trong khu vực tấn công.

Người Mỹ bắt đầu trực tiếp can thiệp vào Trung Đông, kéo theo đó là liên tiếp những lần trực tiếp phản bội người Kurd, kể từ khi Thế chiến II kết thúc và Chiến tranh lạnh bắt đầu.

Lần thứ nhất là khi Thủ tướng Abd al-Karim Qasim, lãnh đạo Iraq từ năm 1958-1963, bất hợp tác. Washington quyết định vũ trang cho người Kurd để gây rối loạn. Tuy nhiên, khi cuộc đảo chính của quân đội Iraq năm 1963 thành công, Mỹ lập tức cắt viện trợ cho người Kurd và thậm chí hỗ trợ bom napalm để quân đội Iraq đàn áp lực lượng vũ trang của dân tộc này.

Vào thập niên 1970 khi Iraq dần rơi vào quỹ đạo của Liên Xô, Washington quay lại ủng hộ đồng minh mà mình vừa phản bội vài năm trước. Chính phủ Tổng thống Richard Nixon bắt tay cùng Iran để vũ trang cho người Kurd ở Iraq nổi dậy.

Đến khi Saddam Hussein chấp nhận hợp tác với Iran, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger quyết định chấm dứt viện trợ cho người Kurd để chiều lòng 2 đồng minh. Saddam Hussein đưa quân lên phía bắc và sát hại hàng nghìn người, trong khi Kissinger mặc kệ lời kêu cứu của đồng minh với câu nói nổi tiếng: “Mọi người đừng nhầm chiến dịch ngầm với sứ mệnh truyền giáo từ thiện”.

Giữa thập niên 1980, khi Cách mạng Hồi giáo thắng lợi ở Iran và biến Tehran thành kẻ thù của Washington tại Trung Đông, chính phủ Tổng thống Ronald Reagan một lần nữa bỏ mặc cho người Kurd bị quân đội Saddam Hussein tàn sát bằng vũ khí hóa học. Washington cần Iraq tạo đối trọng tại khu vực và tiếp tục cuộc chiến với Iran. Nhà Trắng quyết định chặn nỗ lực của Hạ viện Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Iraq.

My rut quan khoi Syria anh 9My rut quan khoi Syria anh 10

Kịch bản hứa thật nhiều rồi lại bội ước một lần nữa tái diễn khi George H.W. Bush phát động Chiến tranh Vùng Vịnh vào năm 1991. Ông kêu gọi “quân đội Iraq và người dân Iraq tự định đoạt số phận quốc gia, buộc nhà độc tài Saddam Hussein từ bỏ quyền lực”. Người Hồi giáo Shia và người Kurd hưởng ứng lời kêu gọi. Họ nổi dậy thất bại và bị quân đội Iraq tàn sát, để rồi Washington không mảy may can thiệp.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở phía bắc Iraq trong thập niên 1990 dần thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, buộc Tổng thống Bill Clinton ủng hộ nỗ lực của Anh nhằm thiết lập vùng an toàn cho người Kurd trong khu vực.

Vùng tự trị người Kurd ở Iraq được thành lập vào năm 1992. Thời điểm đó, Mỹ nhìn nhận người Kurd Iraq là “người Kurd tốt” vì họ chống lại Saddam Hussein.

Thế nhưng, cách đó chỉ vài kilomet về phía bắc, người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là “người Kurd xấu” vì họ làm cho đồng minh của Mỹ tại Ankara khó chịu. Lầu Năm Góc cung cấp vũ khí cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, để rồi số hỏa lực được sử dụng để đàn áp hàng chục nghìn người dân tộc thiểu số và tàn phá hàng nghìn ngôi làng.

Khi chiến tranh Iraq nổ ra vào năm 2003, Mỹ lại một lần nữa nhờ đến người Kurd để kiềm chế các lực lượng thân Saddam Hussein. Quyền lực ngày một lớn của người Kurd ở phía bắc Iraq những năm sau khiến Recep Tayyip Erdogan, khi đó giữ chức thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, vô cùng lo lắng. Đến năm 2007, quân đội Mỹ dù đang đóng tại Iraq vẫn bật đèn xanh cho đồng minh NATO mở chiến dịch không kích nhắm vào người Kurd tại nước này. Hơn 50 máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ oanh tạc đẫm máu những địa điểm được cho là căn cứ của phiến quân người Kurd ly khai ẩn náu ở nước láng giềng.

Hơn một thập niên sau, giới lãnh đạo Washington một lần nữa để mặc cho ông Erdogan thực hiện một chiến dịch “chống khủng bố” tương tự.

Nạn nhân bị mặc cả trên lưng tiếp tục là người Kurd sau khi họ cùng kề vai sát cánh với người Mỹ trên chiến trận. Khác biệt duy nhất là chiến trường lần này nằm tại Syria. Việc Mỹ rút quân, bật đèn xanh cho lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào vùng lãnh thổ phía bắc Syria, là kịch bản mà người Kurd từ lâu đã lo sợ.

Với quyết định này, Mỹ đã ít nhất 8 phần phản bội người Kurd trong gần 80 năm qua.

My rut quan khoi Syria anh 11

Giới chuyên gia và chính trị gia Mỹ cảnh báo quyết định quay lưng lần này với người Kurd có thể gây ra những tác hại lớn đối với uy tín và an ninh của đất nước trong bối cảnh mới. Trong bài bình luận trên Washington Post, lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, Mitch McConnell, đã lên án Tổng thống Trump đưa quân đội Mỹ khỏi Syria là “sai lầm chiến lược trầm trọng” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và đảm bảo ổn định tại khu vực.

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc sự hiện diện của quá nhiều lực lượng, từ Nga, quân chính phủ Syria, người Kurd và các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực sẽ tạo bất ổn trong khu vực miền Bắc Syria.

Tổ chức khủng bố IS có thể lợi dụng khoảng trống an ninh giữa các lực lượng để đe dọa những nhà tù và trại tập trung. Gần 11.000 tay súng cùng các cảm tình viên cực đoan đang được quản lý bởi các cơ sở của SDF. Số phận của nhiều cơ sở trong số này đứng trước tương lai mơ hồ khi người Kurd rút đi.

Trong thỏa thuận ngừng bắn 13 điểm mà Phó tổng thống Mike Pence đạt được tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara chỉ đưa ra những cam kết khái quát về chống IS tại miền Bắc Syria và “hợp tác đối với các trung tâm giam giữ”.

Các báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính còn đến 20.000-30.000 tay súng thân IS hoạt động ở Syria, trong đó có khoảng 2.000 phần tử khủng bố nước ngoài, theo Politico.

My rut quan khoi Syria anh 12My rut quan khoi Syria anh 13

Cựu đại sứ Mỹ Daniel Benjamin, chuyên trách hợp tác chống khủng bố, cảnh báo sức mạnh của IS không chỉ nằm ở số lượng phiến quân, mà còn nhuệ khí chiến đấu. Quyết định rút quân của ông Trump ở Syria không khác gì một điềm báo may mắn cho tổ chức cực đoan. Những tuyên truyền của giới đầu não IS luôn kêu gọi lực lượng cực đoan tiếp tục chiến đấu và khôi phục “đế chế Hồi giáo” từ đống tro tàn.

Trong khi đó, trước quyết định rút quân đột ngột của Tổng thống Trump, lực lượng Mỹ cũng không kịp di dời giam giữ hơn 50 "cá nhân đặc biệt giá trị" của IS đang bị giam giữ tại Syria. Tiết lộ với The Atlantic, một cựu quan chức quân đội Mỹ cảnh báo Washington đánh mất cả “mỏ vàng dữ liệu” về tổ chức khủng bố nguy hiểm khi rời khỏi chiến trường này. Các điều tra viên Mỹ khó kịp thẩm vấn hết những tù binh IS đang được SDF quản lý.

Không chỉ từ bỏ những lợi thế mình đã đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố, tương lai chiến lược cục diện tại Syria gần như chắc chắn không còn tiếng nói của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 19/10 xác nhận 1.000 thành viên lực lượng đặc biệt ở Syria trong vài tuần tới sẽ được bố trí ở Iraq. Tổng thống Erdogan cũng thông báo việc Tổng thống Assad triển khai quân đội tại biên giới sẽ được ông thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, chứ không phải Washington.

“Nga và chính quyền Syria đã đưa ra những đề xuất có thể cứu được sinh mạng hàng triệu người đang được chúng tôi bảo vệ. Chúng tôi không tin những lời hứa của họ. Thật ra, chúng tôi không biết phải tin ai nữa”, Tổng tư lệnh SDF Mazloum Abdi viết trên tạp chí Foreign Policy.

“Chúng tôi hiểu phải chấp nhận những thỏa hiệp đau đớn với Moscow và ông Bashar al-Assad nếu chọn con đường hợp tác với họ. Nhưng nếu đứng giữa thỏa hiệp và bị diệt chủng, chúng tôi chắc chắn chọn sinh mệnh của dân tộc".

“Chỉ còn hai câu hỏi: Chúng tôi làm gì để bảo vệ tốt nhất cho nhân dân? Và liệu Mỹ có còn là đồng minh của chúng tôi không?”.

Phản bội người Kurd, TT Trump phá vỡ trật tự thế giới do Mỹ tạo ra

Rút khỏi Syria là sai lầm của ông Trump. Vị tổng thống bốc đồng phá hỏng không chỉ uy tín của Mỹ, mà cả các giá trị lõi giúp Washington duy trì trật tự thế giới hàng thập kỷ nay.

Mỹ phản bội người Kurd, thành quả 5 năm chống IS sụp đổ trong một tuần

Chỉ vài tháng sau trận đánh cuối cùng trong chiến dịch chống khủng bố IS bên bờ sông Euphrates, thành quả cuộc chiến đã đổ sông đổ biển khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào Syria.

Thanh Danh

Thiết kế: Nhân Lê - Ảnh: Reuters, AFP, AP.

Bạn có thể quan tâm