Dịch bệnh vẫn có nhiều kịch bản - có thể giảm dần và kết thúc như SARS, có thể quay lại theo mùa, hoặc tệ hơn là bùng phát toàn cầu - và hiện chưa có đủ số liệu để dự đoán một cách tin cậy.
Nhưng lệnh phong tỏa hơn 50 triệu người ở Trung Quốc - chưa từng có trong lịch sử hiện đại - đã giảm đáng kể số ca bệnh ở ngoài tâm dịch và trên thế giới, các chuyên gia nói trong phỏng vấn với Zing.vn.
Bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân virus corona chủng mới (Covid-19) ở tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: AP. |
Thay đổi cách tính ca bệnh tại Hồ Bắc
Giáo sư dịch tễ học David Fisman của trường y tế cộng đồng, Đại học Toronto, Canada, cho rằng chính quyền tỉnh Hồ Bắc muốn “quăng lưới rộng hơn” trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Giáo sư dịch tễ học David Fisman của trường y tế cộng đồng, Đại học Toronto, Canada. Ảnh: Twitter. |
“Thông thường để đối phó với dịch bệnh, cần thống kê các ca xác nhận nhiễm (qua xét nghiệm phòng lab), các ca có khả năng nhiễm (probable cases), và các ca nghi vấn (‘suspected cases’). Với việc ‘số ca nhiễm’ mới tăng vọt lên 15.000 trong ngày 12/2, tôi cho rằng đa số là các ca ‘khả năng cao’”, ông Fisman nói với Zing.vn.
Việc thay đổi định nghĩa ca bệnh khiến việc so sánh với những ngày trước trở nên khó hơn, nhưng sẽ mang lại bức tranh đầy đủ hơn, theo các chuyên gia. Ngoài ra, diễn biến của dịch bệnh (đang tăng hay giảm) không thay đổi dù cách báo cáo có khác đi.
“Số ca được xác nhận qua xét nghiệm phòng lab trong ngày 12/2 là khoảng 1.500, vẫn là giảm so với ngày trước đó”, ông Fisman nói.
“Tốt hơn là nên đếm cả số ca ‘khả năng cao’ và số ca ‘nghi vấn’, dựa vào chẩn đoán lâm sàng hay chụp CT, vì như vậy phản ánh đầy đủ hơn gánh nặng của căn bệnh”, Raina MacIntyre, giáo sư về an ninh sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales, Sydney, Australia nói với Zing.vn.
Dù vậy, việc dựa vào hình chụp CT để chẩn đoán virus corona chủng mới (Covid-19) không phải hoàn hảo.
Raina MacIntyre, giáo sư về an ninh sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales, Sydney. Ảnh: Đại học New South Wales. |
“Từ một số dạng triệu chứng viêm phổi trên hình chụp CT không thể kết luận là do Covid-19 gây ra... nhiều loại vi khuẩn và virus cũng gây các triệu chứng tương tự”, giáo sư Fisman nói.
Hiện chưa rõ các nơi khác ở Trung Quốc ngoài Hồ Bắc có thay đổi cách tính số ca bệnh hay không. Riêng đối với tâm dịch như Hồ Bắc, bà MacIntyre cho rằng vì số ca nhiễm quá nhiều, nếu bệnh nhân có triệu chứng tương tự ở phổi, nhiều khả năng họ đã nhiễm virus corona.
Lo ngại lây bệnh tại cơ sở cách ly tập trung
Chính quyền Trung Quốc đang có nhiều biện pháp mạnh tay nhằm ngăn sự lây lan của virus corona. Thành phố Vũ Hán đang cử điều tra viên tới từng nhà để kiểm tra, và đưa những người có triệu chứng, dù là nhẹ, tới các cơ sở cách ly.
“Chính quyền Trung Quốc muốn giảm khả năng người nhà của bệnh nhân bị lây bệnh trong quá trình chăm sóc, và muốn việc điều trị diễn ra trong điều kiện có kiểm soát, bởi các nhân viên có chuyên môn”, Andrew Easton, giáo sư chuyên ngành phân tử sinh học từ Đại học Warwick, Anh, nói với Zing.vn.
Andrew Easton, giáo sư chuyên ngành phân tử sinh học từ Đại học Warwick. Ảnh: Daily Mail. |
Ông Fisman từ Đại học Toronto lo ngại những người ho, sốt vì nguyên nhân khác sẽ ở chung với người mắc virus Covid-19. Nếu Trung Quốc không áp dụng các biện pháp an toàn, việc tập trung nhiều người tại nơi cách ly có thể làm tình hình tệ đi.
“Có thể thấy rõ điều đó trên du thuyền ở Yokohama... có nhiều ca lây bệnh vì người chưa nhiễm và người nhiễm tập trung một chỗ”, ông nói.
Trung Quốc đứng trước những cân nhắc khó khăn mà mọi chính quyền đều gặp phải khi có dịch bệnh.
“Đây là tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tranh luận căn bản trước một dịch bệnh là giữa quyền tự do của cá nhân, và quyền được bảo vệ sức khỏe của cộng đồng”, ông Fisman nói tiếp.
“Ở Canada, luật về sức khỏe cộng đồng cũng trao cho cơ quan y tế quyền hạn lớn khi có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tìm được cân bằng hợp lý”.
Một cơ sở cách ly tập trung ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters. |
Lệnh phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở nhiều thành phố tại tỉnh Hồ Bắc từ cuối tháng 1 gần như cô lập hơn 50 triệu người - biện pháp chưa từng có trong lịch sử hiện đại để đối phó với một dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều thành phố của Trung Quốc ra lệnh hạn chế đi lại tới mức mỗi hộ gia đình chỉ được một người ra ngoài cứ mỗi hai ngày để mua các nhu yếu phẩm.
“Mọi biện pháp giảm tiếp xúc như phong tỏa hay giới hạn đi lại đều sẽ giảm lây nhiễm. Đó là vì sao chúng ta thấy số ca bệnh ít hơn hẳn tại các vùng khác ở Trung Quốc và trên thế giới”, tiến sĩ MacIntyre từ Đại học New South Wales cho biết.
Trung Quốc cô lập hơn 50 triệu người tại tỉnh Hồ Bắc và vùng lân cận, biện pháp chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Ảnh: Reuters. |
Các kịch bản tiếp theo
Dữ liệu hiện tại chưa đủ để đưa ra dự đoán tin cậy về kịch bản của dịch bệnh, các chuyên gia đều cho biết. Có thể dịch sẽ giảm dần, hoặc sẽ quay lại theo mùa, hoặc thậm chí tệ hơn là bùng phát trên toàn cầu.
Trước khi Hồ Bắc thay đổi định nghĩa ca bệnh, khoảng 99% số ca là ở Trung Quốc. 1% còn lại, phân tán ở nhiều nước, là những người có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tâm dịch ở Trung Quốc - tình thế tương tự như SARS, chỉ khác là số ca nhiễm ở đại lục nhiều hơn, theo giáo sư Easton của Đại học Warwick.
“Vẫn có khả năng những biện pháp ở Trung Quốc sẽ kìm hãm và cuối cùng chặn được sự lây lan. Nếu đồng thời các nước có biện pháp mạnh để xác định, kiểm soát nguy cơ, thì giống như dịch SARS, có thể dịch virus corona mới sẽ dần kết thúc trong những tuần hoặc tháng tới”, tiến sĩ Easton phân tích.
Ngay trước khi Hồ Bắc thay đổi định nghĩa ca bệnh, đã có những ngày mà số ca nhiễm mới theo ngày giảm dần.
“Điều này đặt ra giả thuyết đỉnh điểm của dịch đã qua, nhưng còn quá sớm để nói chắc. Trong các dịch bệnh khác, chúng tôi từng thấy số ca nhiễm mới giảm tương tự, nhưng sau đó sang một giai đoạn mà số ca mới lại tăng lên”, ông Easton nói.
“Hiện nay, chúng ta không thể biết chắc kịch bản nào sẽ xảy ra, phạm vi mà virus sẽ lan tới là chưa thể dự đoán... Chúng ta phải chuẩn bị mọi biện pháp đề phòng khả dĩ”, vị giáo sư từ Anh nói thêm.
“Nó có thể thành đại dịch, hoặc cũng có thể được kiểm soát”, giáo sư MacIntyre từ Sydney đồng tình. “Các nước nên tìm các biện pháp để phòng dịch và ngăn chặn lây lan, vừa cứu mạng người và vừa kéo dài thời gian cầm cự cho tới khi có vắc-xin”.
Dữ liệu hiện tại chưa đủ để đưa ra dự đoán tin cậy về kịch bản của dịch bệnh. Ảnh: AFP. |
Lo ngại của WHO về “tảng băng trôi”
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo số ca nhiễm thấp bên ngoài Trung Quốc có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
Trong một tweet gần đây, ông viết rằng “chúng ta có thể chỉ đang thấy phần nổi của tảng băng”, đồng thời cảnh báo “các nước phải tận dụng thời cơ mà sự phong tỏa ở Trung Quốc đã tạo ra để chuẩn bị cho sự bùng phát có thể xảy ra ở nước mình”.
Giáo sư Fisman từ Toronto cho rằng lo ngại của tổng giám đốc WHO là “có cơ sở”, nhưng các nước dường như đang chuẩn bị tốt để kiểm soát các ca nhiễm.
“Thậm chí ở Singapore, vốn gây ra nhiều lo ngại gần đây, có tỷ lệ lây bệnh, tức số ca nhiễm mới trên mỗi ca nhiễm cũ, vào khoảng 1, nên tôi nghĩ họ sẽ kiểm soát được”, ông nhận xét. Singapore được nhắc tới vì một ca bệnh ở đây là nguồn lây bệnh cho một số ca ở nhiều nước khác.
“Bệnh đã xuất hiện ở nhiều nước, và lây từ người sang người ở một số nơi, nhưng chúng ta chưa thấy sự lây lan liên tục ra cộng đồng”, giáo sư MacIntyre từ Sydney chỉ ra.
Liệu mỗi nước có đang đứng trước “tảng băng trôi” hay không, tức có nhiều ca nhiễm chưa phát hiện, sẽ phụ thuộc vào khả năng xác định và điều tra ca bệnh của mỗi nước. Các nước phát triển có thể đã xác định gần hết các ca bệnh, còn các nước nghèo có thể có nhiều hơn những ca ủ bệnh, theo bà MacIntyre.
Tiến sĩ Chris Smith, nhà virus học của Khoa Bệnh lý học, Đại học Cambridge, Anh, lại đồng tình với tổng giám đốc WHO, và tin rằng “phần chìm của tảng băng” - các ca bệnh chưa được phát hiện bên ngoài Trung Quốc - là lo ngại có thật.
Chris Smith, nhà virus học của Khoa Bệnh lý học, Đại học Cambridge, Anh. Ảnh: PIXSELL. |
Những ngày đầu dịch bệnh, mỗi ngày có hàng nghìn người bay từ Vũ Hán đi quốc tế. Biểu hiện của 80% ca nhiễm Covid-19 là nhẹ, khó phát hiện, chỉ 20% là nặng, cùng thời gian ủ bệnh dài, đồng nghĩa với việc nhiều người nhiễm bệnh có thể đã rời vùng dịch và mang theo virus tới các nước khác, ông giải thích.
Nhưng ông cũng nói chưa thể biết “tảng băng” đó lớn hay nhỏ, vì một số nơi không chủ động tìm và xét nghiệm ca nhiễm.
“Chẳng hạn, ở Anh, chỉ những người phù hợp với định nghĩa hiện thời về một ca nghi vấn là được xét nghiệm, tức có triệu chứng và vừa tới ít nhất một trong 9 nước, hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng và từng tới các nước trên”, tiến sĩ hiện sống tại London nói với Zing.vn.
“Vì vậy, nếu bạn ở Anh và vô tình bị lây virus trên đường phố, nhưng không thuộc các dấu hiệu trên, chúng tôi cũng không biết để xét nghiệm cho bạn”.
Trước câu hỏi các nước có thể làm gì với nguy cơ các ca ủ bệnh, giáo sư Andrew Easton của Đai học Warwick nói “khó có thể làm được gì”.
“Cách tốt nhất là đảm bảo mọi người hiểu tình hình, nắm rõ các triệu chứng, biết làm gì nếu có triệu chứng... hỗ trợ y tế phải có ở nhiều khu vực nhất có thể”, ông nói.