Bộ phận lớn nhất trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Tổng thống Mỹ Joe Biden là nhóm phụ trách tình hình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quy tụ các chuyên gia ủng hộ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, theo Nikkei Asia.
Phản ánh ưu tiên của NSC
Dưới thời ông Biden, bộ phận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được chia thành nhóm các vấn đề châu Á - phụ trách quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Đông Nam Á, Australia, và nhóm Nam Á - phụ trách quan hệ với Ấn Độ.
Điều phối viên Kurt Campbell sẽ là người phụ trách nhóm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dưới quyền ông là khoảng 15-20 chuyên gia.
"Đội ngũ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Kurt Campbell là bộ phận chuyên trách khu vực lớn nhất ở NSC. Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ ưu tiên của NSC với vấn đề Trung Quốc và rộng hơn là chính sách ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", phát ngôn viên của NSC Emily Home cho biết.
Bà Home nói thêm rằng việc xử lý vấn đề Trung Quốc huy động gần như mọi bộ phận của NSC.
Việc hoạch định chính sách đối với Trung Quốc sẽ có sự tham gia của các nhóm chuyên trách về an ninh quốc gia và công nghệ, an ninh y tế toàn cầu và phòng thủ sinh học, quốc phòng, dân chủ và nhân quyền, cũng như kinh tế quốc tế.
Điều phối viên phụ trách Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell. Ảnh: AFP. |
"Cá nhân Cố vấn an ninh Jake Sullivan coi Trung Quốc là một ưu tiên. Chúng tôi sẽ xây dựng năng lực của các bộ phận, cơ quan và vận hành các quy trình giúp loại bỏ sự thiếu đồng bộ giữa chính sách đối nội và đối ngoại", bà Home cho biết.
Ryan Hass, cựu giám đốc NSC phụ trách vấn đề Trung Quốc, Đài Loan, và Mông Cổ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói bộ máy của NSC thay đổi tùy theo ưu tiên ở từng thời kỳ.
"Đã có lúc bộ phận phụ trách châu Âu là hùng hậu nhất, cụ thể là trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Và trong thời kỳ hậu khủng bố 11/9, quy mô nhóm phụ trách Trung Đông tăng mạnh. Bây giờ đến lượt bộ phận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được mở rộng", ông Hass nói.
"Bộ máy NSC hiện nay là tín hiệu cho thấy chính quyền đang hết sức quan tâm tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục giữ cách tiếp cận này", ông Hass nhận định.
Đồng thuận cứng rắn với Trung Quốc
Trong các nhân sự mới của NSC, không ít người vài tháng gần đây đã có những bài viết kêu gọi cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, thể hiện thái độ nhất quán khi coi quan hệ với Bắc Kinh là "cạnh tranh" thay vì kiên nhẫn hợp tác hay can dự
Laura Rosenberger, người được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc phụ trách quan hệ với Trung Quốc của NSC, mới đây có bài viết trên tạp chí Foreign Afffairs với tựa đề "Các giá trị dân chủ là một lợi thế cạnh tranh".
Trong bài viết, bà Rosenberger cùng đồng tác giả Zack Cooper cho rằng "sự cạnh tranh hiện nay" giữa phương Tây và Bắc Kinh đã vượt quá cuộc đối đầu về quyền lực. "Các giá trị dân chủ" là lợi thế cạnh tranh chủ chốt cho Mỹ và các đồng minh, bà Rosenberger nhận định.
Trong khi đó, tân điều phối viên phụ trách dân chủ và nhân quyền của NSC là Shanthi Kalathil cũng mới có bài viết cảnh báo những hiểm nguy tiềm ẩn từ việc Trung Quốc thực thi "quyền lực bén".
"Quyền lực bén" được ông Kalathil miêu tả là nỗ lực che lấp những tiếng nói phản đối.
Bà Laura Rosenberger, giám đốc phụ trách quan hệ với Trung Quốc của NSC. Ảnh: Getty. |
Một ví dụ về cách Bắc Kinh thực thi "quyền lực bén" là việc mạng xã hội TikTok của Trung Quốc kiểm duyệt các video bị coi là nhạy cảm với chính quyền Trung Quốc, bài viết của ông Kalathil cho biết.
Trong khi đó, điều phối viên phụ trách công nghệ và an ninh quốc gia Tarun Chhabra có bài viết trên Foreign Affairs nhận định rằng khi các lực lượng cánh hữu tại Mỹ nghiêng về phía cạnh tranh với Trung Quốc, phe cánh tả - mà đại diện là đảng Dân chủ - vẫn "tỏ ra không thoải mái với khái niệm cạnh tranh địa chính trị".
"Cánh tả cần cân nhắc lại ác cảm truyền thống với cạnh tranh địa chính trị, bởi Trung Quốc sẽ mang tới đe dọa ghê gớm cho các lợi ích của Mỹ trong những thập kỷ sắp tới", ông Chhabra nhận xét.
Giống với hai đồng nghiệp Rosenberger và Kalathil, ông Chhabra nhận định Mỹ cần duy trì khả năng cạnh tranh về công nghệ, trong đó đầu tư của chính phủ đóng vai trò tối quan trọng.
"Năm 2017, chi tiêu chính phủ cho khoa học cơ bản và nghiên cứu ở mức 66 tỷ USD, tức gần 1,7% ngân sách liên bang, chỉ bằng một nửa so với thập niên 1960. Con số này quá ít trong bối cảnh Trung Quốc đang ưu tiên đầu tư vào công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, sinh học tổng hợp và truyền thông lượng tử", ông Chhabra nhận xét.
Ông Hass nhận định đội ngũ phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của NSC đã làm việc cùng nhau nhiều năm, và có mức độ đồng thuận cao về các nguyên tắc trong xử lý quan hệ với Trung Quốc.
"Họ có chung phán đoán về quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta đang ở trong một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, và công nghệ sẽ nằm ở trung tâm cuộc cạnh tranh ấy", ông Hass nói.
Hôm 5/2, Tổng thống Biden công bố một bản ghi nhớ với tiêu đề "Đổi mới hệ thống Hội đồng An ninh Quốc gia", trong đó quy hoạch các vị trí của Ủy ban cấp cao NSC, cơ quan sẽ xem xét các chính sách ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Ủy ban cấp cao có sự hiện diện của bộ trưởng các bộ Ngoại giao, Tài chính, Quốc phòng, Năng lượng, An ninh quốc gia, Tư pháp, chánh văn phòng Nhà Trắng, cùng một số quan chức khác trong chính quyền. Chủ tịch Ủy ban là Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan.
"Dưới thời Trump, động lực thúc đẩy nhiều chính sách là các yếu tố chính trị. Điều thấy được từ bản ghi nhớ (của ông Biden) là chính sách giờ đây sẽ được hoạch định trên cơ sở các mục tiêu. Chính sách tốt sẽ mang lại chính trị tốt, thay vì ngược lại", ông Hass cho biết.