Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách tập trung điểm mạnh loại bỏ điểm yếu của bản thân

Bạn nên tập trung vào điểm mạnh hơn là cố gắng loại bỏ mọi điểm yếu, đặc biệt là những điểm yếu không liên quan.

Tại sao vậy? Rất đơn giản, bởi vì chính điểm mạnh mới khiến bạn thành công và khác biệt so với những người khác. Bạn chỉ thực sự đạt được hiệu suất làm việc từ điểm mạnh. Tuy nhiên, với một số điểm yếu, bạn sẽ phải nỗ lực rất nhiều và gặp trở ngại hơn trong quá trình phát triển bản thân.

Nhìn theo khía cạnh này, chuyên môn hóa điểm mạnh là chìa khóa thành công. Chuyên môn hoá điểm mạnh là gì? Bạn có thể có nhiều điểm mạnh nhưng bạn phải chuyên môn hóa tức là phân loại điểm mạnh nào bạn không chỉ làm tốt mà phải thật xuất sắc, chứ không phải chỉ đạt mức trung bình mặc dù đã nỗ lực rất nhiều.

Bản thân tôi đã phải trải qua điều này một cách rất vất vả. Khi bắt đầu sự nghiệp, tôi đã cố gắng định vị bản thân một cách chung chung. Ở Đức, bạn có thể chọn các môn học chính của mình ở trường, đặc biệt là trong ba năm cuối của trường phổ thông (tương tự lớp 10 -11 - 12 ở Việt Nam).

Bản thân tôi luôn nghĩ tốt nhất là nên học tổng hợp nhiều thứ. Tôi đã chọn bốn ngoại ngữ Latinh, Anh, Hy Lạp, Pháp và tôi chỉ đạt kết quả trung bình các môn. Ngoài ra, tôi tập trung vào các môn học bắt buộc khối tự nhiên và tự chọn các môn học xã hội khác như lịch sử, địa lý...

Trong các môn thể thao, tôi chơi điền kinh, một môn thể thao mà bạn có thể dễ dàng kết hợp với các môn thể thao khác như chạy, nhảy, ném. Điều này tiếp tục lặp lại tại Đại học Quân đội. Tôi tham gia các môn học về lịch sử, chính trị, kinh tế, tâm lý học, tiếng Anh, luật và thậm chí cả kỹ thuật điện.

Tôi cũng học tiếng Thái, tiếng Pháp và tiếng Anh. Và sau này ở ngân hàng, tôi phụ trách mảng bán hàng cho khách hàng cá nhân, tức là lĩnh vực mà bạn phải biết mọi thứ từ tư vấn đầu tư đến cho vay thế chấp, từ bảo hiểm đến các khoản vay nhỏ. Bằng cách này cách kia tôi đã biết mọi thứ một chút, nhưng tiếc là không sâu sắc lắm.

Lam moi ban than anh 1

Trong quá trình phát triển bản thân, chuyên môn hóa điểm mạnh là chìa khóa đem tới cho bạn những thành công. Nguồn: leadthechange.

Trong quá trình làm việc của mình, tôi nhận ra rằng, thật tuyệt khi cái gì cũng biết một chút. Và thật tệ khi điều này không đủ để giúp bạn trở nên xuất sắc và nổi bật trong một lĩnh vực nào đó. Đây là một quá trình trải nghiệm lâu dài.

Cho đến khi hơn 40 tuổi, tôi mới nhận ra điểm mạnh của mình là gì. Tôi có thể thuyết trình tốt trước các nhóm lớn, nhỏ. Tôi thích giao tiếp với mọi người, chỉ đạo, cũng như huyến luyện nhân viên cấp dưới. Hơn nữa, tôi thích các nước Đông Nam Á, nơi này tôi có nhiều niềm yêu thích và đặc biệt có thể tận dụng và phát huy được điểm mạnh của mình.

Mọi thứ giờ đây xoay quanh tam giác Kinh doanh - Việt Nam / Thái Lan - Huấn luyện. Tôi dễ dàng làm nổi bật hồ sơ của mình và định vị mình là một chuyên gia trong lĩnh vực này.

Trong hoàn cảnh của bạn, những câu hỏi bạn nên đặt ra cho bản thân là: Điểm mạnh của tôi là gì? Tôi giỏi hơn mức trung bình ở một hoặc những điểm nào? Tôi có thể cải thiện hiệu suất làm việc của mình ở những lĩnh vực nào dựa vào thế mạnh của mình? Bạn hát khá hay và bạn nghĩ, đây là điểm mạnh của mình. Bạn tập trung phát triển kỹ năng ca hát thông qua các khóa luyện giọng.

Sau 1 năm, bạn hát hay hơn, tuy nhiên nếu so sánh với những ca sĩ khác trong lĩnh vực này, bạn không được đánh giá cao. Nó thực sự đáng giá khi bạn mất quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc chỉ để trở thành một ca sĩ nghiệp dư trung bình trong một vài năm tới? Tốt hơn hết là bạn nên chọn một thứ mà bạn giỏi hơn những người khác và tập trung tối ưu hoá điểm mạnh đó.

Tuy nhiên, thực tế có những người tìm hoài cũng không thấy mình giỏi điểm nào, mọi mặt đều trung bình. Thậm chí họ không có điểm mạnh nào nổi bật. Vậy họ phải làm sao đây? Nếu bây giờ bạn nghĩ rằng mình không giỏi cái gì, bạn hãy thử kết hợp hai hoặc nhiều kỹ năng trở lên.

Ví dụ: bạn có bằng B ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật…) - xếp loại trung bình, bằng đại học ngành marketing - trung bình, cộng với một chút năng khiếu về kỹ thuật. Hãy kết hợp những kỹ năng này với nhau, phát triển chúng và cố gắng tìm một công việc mà yêu cầu chính xác ba điều này, ví dụ như trợ lý cho giám đốc kỹ thuật của một công ty nước ngoài.

Tất nhiên, bạn cũng có thể chỉ tập trung vào một kỹ năng tuy nhiên hãy lưu ý rằng, bạn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các chuyên gia cũng chỉ giỏi một kỹ năng. Hãy cân nhắc nếu sự cạnh tranh của bạn là sự kết hợp hài hoà của nhiều kỹ năng, bạn sẽ có nhiều cơ hội được tuyển dụng hơn và có thể trở thành một chuyên gia được săn đón.

Hãy thử tưởng tượng, ngoài tiếng mẹ đẻ Tiếng Việt, bạn còn có thể nói được tiếng Thái và tiếng Anh, có bằng cử nhân kỹ thuật và là một nhân viên kinh doanh giỏi. Công ty ôtô nổi tiếng Việt Nam sẽ thuê ai khi họ đang tìm kiếm một kỹ sư bán hàng cao cấp cho thị trường Thái Lan? Điều tương tự với tôi khi Deutsche Bank tìm quản lý ở Thái Lan: Tôi là chuyên viên kinh doanh và quản lý dự án, tôi có trình độ tiếng Anh tốt, và hiểu biết rất rõ về Đông Nam Á.

GS.TS Andreas Stoffers / Alpha Books - NXB Thế giới

SÁCH HAY