Gần đây, một người dùng trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh mẫu loa JBL Charge 3 phát nổ, bị hư hỏng khá nặng. Nguyên nhân sự cố đến từ việc người này không thay pin mới cho thiết bị và cắm sạc liên tục.
Sau đây là những lưu ý để bạn tham khảo về cách sử dụng loa Bluetooth an toàn và dấu hiệu khi sản phẩm bị chai pin.
Dấu hiệu cho thấy loa bị chai pin
Theo đại diện JBL Việt Nam, pin là thành phần tiêu hao trong quá trình sử dụng trên mọi sản phẩm loa di động, tai nghe không dây, camera, điện thoại, laptop...
Dù là pin sử dụng công nghệ nào thì cũng sẽ có vòng đời tuổi thọ chu kỳ sạc xả (Cycle Count) nhất định từ 500-1.000 lần sạc đầy. Sau khoảng chu kỳ này, pin sẽ rơi vào trạng thái “chai”.
"Không có một thời gian cố định nào để thay pin. Quá trình này sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ thường xuyên sử dụng của khách hàng cũng như âm lượng phát. Ví dụ một chiếc loa Bluetooth có thời lượng pin sử dụng khoảng 6 giờ, nếu dùng liên tục mỗi ngày khoảng 6 giờ và sạc 1 lần/ngày thì sau 500-1.000 lần sạc đầy (khoảng 2 năm), pin sẽ ở ngưỡng bị chai, nên thay thế để sử dụng được ổn định và an toàn", đại diện JBL nói với Zing.
Website của Bose cũng có hướng dẫn một số dấu hiệu để nhận biết pin loa Bluetooth đã chai và cần thay mới như: Thời gian hoạt động của loa sau khi sạc đầy giảm đáng kể so với trước. Đèn thông báo tình trạng pin liên tục nhấp nháy màu vàng sau khoảng 10 giờ sạc.
Đại diện Sony Việt Nam cho biết những mẫu loa Bluetooth chai pin sẽ có những dấu hiệu như: Loa không vào pin khi cắm sạc. Bên cạnh đó, đèn thông báo mức pin có thể nhảy từ 100% xuống còn 40%.
Người dùng nên thay pin cho loa Bluetooth sau khoảng 1-2 năm sử dụng. Ảnh: TechBrainism. |
Theo anh Nguyễn Nhất Thiên, chủ cửa hàng âm thanh ở quận Gò Vấp, TP.HCM, đối với những mẫu loa Bluetooth, sau khi sử dụng khoảng 1,5-2 năm, khách hàng nên kiểm tra pin và thay mới. Nếu pin đã bị chai mà người dùng còn liên tục cắm sạc, không thay pin mới có thể dẫn đến các sự cố cháy nổ.
“Có người dùng dạng ‘tra tấn’ như vừa sạc vừa nghe, mở âm lượng lớn, sạc không đều, sạc ngắt quãng, pin sạc chưa đầy thì đã rút ra, cắm sạc liên tục qua đêm trong thời gian dài thì tuổi thọ trung bình là khoảng một năm nên đi thay pin. Đối với những người kỹ tính, ít sử dụng thì tuổi thọ pin có thể đạt khoảng một năm rưỡi hoặc hơn”, ông Khoa đại diện một cửa hàng chuyên sửa chữa loa ở quận 10, TP.HCM cho biết.
Những lưu ý để loa không gây cháy nổ
Đại diện Bose Việt Nam cho biết, khách hàng có thể thay pin chính hãng ở trung tâm bảo hành tại quận 1, TP.HCM.
"Người dùng có thể mang sản phẩm đến trực tiếp trung tâm bảo hành để được kiểm tra và nhận báo giá sửa chữa. Công ty không nhận sản phẩm có dấu hiệu bị khách sửa chữa bên ngoài từ trước", đại diện Bose nói.
Trong khi đó, để thay thế pin chính hãng cho những sản phẩm của JBL, người dùng có thể tìm đến công ty Phúc Giang. Đây là nhà phân phối của JBL tại thị trường Việt Nam. Giá thay pin chính hãng cho loa Bluetooth JBL dao động dưới một triệu đồng.
Đại diện Sony Việt Nam cam kết sẽ đổi sản phẩm mới cho khách hàng nếu loa của hãng gặp vấn đề về pin trong thời gian bảo hành (khoảng một năm). Tuy nhiên, công ty không sản xuất pin chính hãng để thay cho loa Bluetooth.
Người dùng không nên vừa sạc vừa mở nhạc qua loa Bluetooth. Ảnh: Android Central. |
JBL cho biết những mẫu loa Bluetooth đời cũ như JBL Charge 3 (ra mắt 2016) không có tính năng AC Mode như dòng loa trong nhà (Home Audio) để dùng nguồn trực tiếp. Quá trình vừa sạc vừa dùng cũng như cắm sạc cố định có thể gây ra hiện tượng tăng nhiệt độ của pin, tiềm ẩn các nguy cơ hư hại.
"Nên sạc pin bằng dây cáp tặng kèm sản phẩm với nguồn sạc thấp từ củ sạc 5V-1A. Bên cạnh đó, người dùng có thể dùng nguồn sạc từ cổng USB máy tính hoặc laptop nếu sản phẩm không đi kèm củ sạc. Không nên sử dụng củ sạc nhanh hoặc nguồn sạc có công suất lớn cho loa", đại diện JBL nói.
Trong khi đó, đại diện của Sony Việt Nam cũng cho rằng khách hàng nên sử dụng bộ sạc của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn. Tránh sử dụng cáp, sạc không rõ nguồn gốc và giữ vệ sinh dây cáp, cổng sạc, không để phụ kiện bị ẩm ướt.