Một hệ thống bệnh viện ở New York đã bắt đầu để cho 2 bệnh nhân dùng một máy thở thay vì mỗi người một máy, biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị và giúp các bệnh viện ở Mỹ ứng phó với sự tăng mạnh số bệnh nhân virus corona trong những tuần tới.
Hệ thống Bệnh viện NewYork-Presbyterian (NYP) đã bắt đầu việc "dùng chung máy thở" trong tuần này, theo bác sĩ Laureen Hill, Giám đốc vận hành tại Bệnh viện Irving Đại học Columbia (CUIMC), cơ sở lớn nhất trong hệ thống NYP.
Các bác sĩ đã xây dựng quy trình cho việc dùng chung này và giờ đang tăng cường áp dụng, đồng thời chia sẻ cách làm của họ với chính quyền liên bang, tiểu bang cũng như các bệnh viện khác.
Có thể là chiến lược dài hạn?
Việc dùng chung máy thở đã được khám phá trong một vài nghiên cứu khoa học và đã được sử dụng hai lần trong các tình huống khủng hoảng - ngay sau vụ xả súng ở Las Vegas năm 2017 và, mới vài ngày trước, bởi một bác sĩ cấp cứu, Marco Garrone, cho bệnh nhân nhiễm virus corona ở Italy.
Đây được cho là lần đầu tiên biện pháp được đưa ra như một chiến lược dài hạn ở Mỹ.
Bác sĩ Marco Garrone cho bệnh nhân virus corona ở Italy dùng chung máy thở. /Twitter. |
"Chúng tôi đang làm một việc thực sự chưa từng được thực hiện trước đây", bác sĩ Jeremy Beitler, chuyên gia phổi tại CUIMC, nói.
Thống đốc bang New York, Andrew M. Cuomo, hôm 26/3 cho biết bang đã phê duyệt biện pháp mới này và các quan chức liên bang cũng đang nghiên cứu.
Trong tuần này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho một thiết bị có tên là VESper, được phát triển bởi công ty Prisma Health có trụ sở tại bang Nam Carolina. Thiết bị này có thể điều chỉnh một máy thở để sử dụng cho 4 bệnh nhân
Hành động ở New York phản ánh nhu cầu cấp bách trên toàn thế giới về việc tìm kiếm máy thở phục vụ thêm nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng nhất.
Ngày 14/3, bác sĩ Charlene Babcock, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện St. John Ascension ở Detroit, đăng một video cho thấy cách điều chỉnh máy thở để giúp cho không chỉ một mà 4 người cùng thở. Video đã có hơn 724.000 lượt xem.
Thông thường, khi bệnh nhân được thở máy, một ống dễ uốn được đặt vào khí quản của họ và một máy bơm định lượng chính xác sẽ đưa không khí giàu oxy vào phổi. Trong video, bác sĩ Babcock sử dụng một ống chữ T và 3 bộ điều hợp để chia 2 van thành 4 cổng và đề nghị điều chỉnh để bệnh nhân hướng đầu về phía máy.
Bác sĩ Babcock và đồng nghiệp của cô, bác sĩ Greg Nyman, đã công bố một nghiên cứu về việc này vào năm 2006 - nhưng thử nghiệm trên 4 mô hình phổi, không phải bệnh nhân.
"Đây là lời từ chối trách nhiệm của tôi: Đây là cách sử dụng máy thở không theo hướng dẫn đi kèm với máy", cô nói trong video.
"Nếu đó là tôi, và tôi có 4 bệnh nhân, và tất cả họ đều cần đặt nội khí quản, và tôi chỉ có một máy thở, tôi chỉ đơn giản là sẽ gặp và thảo luận với cả 4 gia đình và nói, 'Tôi có thể chọn một người để sống hoặc chúng ta có thể thử để cả 4 người được sống'".
Máy thở được đăt tại Trung tâm triển lãm Jacob K. Javits ở New York, nơi sẽ được cải tạo thành bệnh viện dã chiến 1.000 giường. Ảnh: Bloomberg. |
Không thể đợi đến khi "không còn lựa chọn"
NYP đang dùng chung một máy thở chỉ cho 2 bệnh nhân một lúc. Bác sĩ Beitler nhấn mạnh rằng mỗi bệnh nhân vẫn nhận được lượng oxy và mức độ chăm sóc như trước đây.
Việc dùng chung sẽ không ngay lập tức giúp số người được tiếp cận máy thở tăng gấp đôi vì nhiều bệnh nhân vẫn cần thở riêng một máy, theo vị bác sĩ.
Bệnh viện vẫn chưa hết máy thở, nhưng bác sĩ Beitler nói rằng tốt hơn hết là nên thử kỹ thuật này ngay từ bây giờ thay vì đợi đến "khi bạn hoàn toàn không còn lựa chọn".
Đáng chú ý, ông tin rằng kỹ thuật này sẽ không làm tăng nhu cầu nhân sự.
Bệnh viện NewYork-Presbyterian ở Manhattan, New York. Ảnh: AP. |
Giới chức đang tốc lực tăng cường máy thở vì họ dự đoán nhu cầu sẽ vượt quá nguồn cung trong những tuần tới.
Ngay cả sau khi có 4.000 máy được chính phủ liên bang phân phát và cũng như làm mọi nỗ lực khẩn cấp khác, bang New York vẫn dự đoán sẽ thiếu hàng nghìn máy.
"Thách thức lớn nhất của chúng ta là máy thở", ông Cuomo viết trên Twitter hôm 25/3. "Chúng ta cần 30.000 máy thở. Chúng ta đã có 11.000".
Với khoảng 175.000 máy thở tại các bệnh viện và kho dự trữ liên bang, các bang khác cũng đang chuẩn bị cho tình trạng thiếu hụt. Bệnh nhân virus corona thường cần phải thở máy trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Theo bác sĩ Josh Farkas, giáo sư về bệnh phổi tại Đại học Vermont, việc dùng chung máy thở là chủ đề "gây tranh cãi rất lớn" trong giới chuyên gia về hô hấp.
"Dù đây là kỹ thuật có thể hiệu quả trong vài giờ, nhưng có một số trở ngại đáng kể", bác sĩ MeiLan Han, chuyên gia về bệnh phổi tại Hệ thống Y tế Đại học Michigan, phát ngôn viên của Hiệp hội Phổi Mỹ, cho hay.
Một trong 400 máy thở mới được chuyển đến nhà kho của cơ quan xử lý khẩn cấp thành phố New York hôm 24/3. Ảnh: NYT. |
"Lựa chọn khác là cái chết"
Một trong những quan ngại là việc không thể theo dõi tác động đối với từng cá nhân, khả năng lây nhiễm chéo mầm bệnh truyền nhiễm và khả năng thay vì một người được cứu sống, nhiều bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp nguy hiểm.
"Khi chúng tôi cho một bệnh nhân thở máy, có hai điều chúng tôi cố gắng kiểm soát: áp lực và dung tích", bác sĩ Han nói. "Và để làm được việc này, mỗi một bệnh nhân đều sẽ phải cảm thấy ổn với cùng một thiết lập".
Dù không nói cụ thể về phương pháp ở NYP, cô lưu ý rằng bệnh nhân thường có những nhu cầu không ai giống ai.
"Nếu bạn có hai lá phổi có hình dạng khá tốt, thì chúng sẽ phập phồng rất đẹp khi được bơm", cô nói. "Nhưng nếu bạn có hai lá phổi bị viêm nhiễm dày đặc vì Covid-19, thì chúng có thể không nhận được chút oxy nào. Không có cách nào để điều chỉnh việc đó".
Đã có 3 nghiên cứu phát triển nghiên cứu của bác sĩ Babcock. Một nghiên cứu năm 2008 trên 4 con cừu đã giữ cho các con vật thở trong 12 giờ. Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2009, hai tình nguyện viên khỏe mạnh, tỉnh táo đã dùng chung máy thở trong 10 phút. Và một nghiên cứu năm 2012 trên phổi thử nghiệm đã kết luận những phát hiện của họ "không thể hỗ trợ việc sử dụng ý tưởng này cho bệnh nhân suy hô hấp thương tổn hàng loạt".
"Không có cách nào để theo dõi từng bệnh nhân mà không có một số theo dõi xâm lấn hoặc theo dõi bổ sung cho từng bệnh nhân", bác sĩ Richard Branson, đồng tác giả của nghiên cứu năm 2012, bác sĩ phổi tại Trường Y Đại học Cincinnati, cho biết.
Việc thiếu chứng cứ là điều báo động bác sĩ Branson. "Tôi nghĩ rằng thời gian để thử một phương pháp điều trị chưa qua thử nghiệm mà trước đây chưa được áp dụng trên người không phải là giữa một đại dịch", ông nói.
Song đại dịch đang gây sức ép lên các quy tắc thông thường.
Giường bệnh trong khu hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đại học Dresden ở Đức, bên phải giường là một máy thở. Ảnh: Picture Alliance. |
Một trong các tác giả của nghiên cứu cừu năm 2008 là bác sĩ Lorenzo Paladino, phó giáo sư tại Đại học Khoa học Sức khỏe SUNY Downstate ở Brooklyn. Ông và một số đồng nghiệp đã giữ cho 4 con cừu trưởng thành sống sót với một máy thở duy nhất trong 12 giờ.
Hôm 24/3, khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện hạt Kings, anh nhận được một cuộc gọi mời đến Washington để thảo luận về nghiên cứu của mình với các quan chức liên bang, anh nói.
Hôm 25/4, anh đã gặp các quan chức tại trụ sở Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) để thảo luận khả năng xây dựng quy trình cho nhiều bệnh nhân dùng chung một máy thở, ông cho hay trong một cuộc phỏng vấn vào tối 25/4.
"Chúng tôi đã dành cả ngày để viết ra quy trình cho bác sĩ sử dụng phương pháp này", bác sĩ Paladino nói. Ý tưởng là chính phủ liên bang có thể ban hành hướng dẫn cho các bác sĩ và bệnh viện trên toàn quốc.
Ông thừa nhận có những rủi ro.
"Không ai tin rằng đây là cách tốt nhất để trợ thở cho ai đó - đây là kịch bản ngày tận thế khi chúng ta hết máy thở", bác sĩ Paladino nói. "Đây không phải là phương án tối ưu, nhưng lựa chọn khác là cái chết".