Trích đoạn tranh The Fisherman and the Syren của Frederic Leighton. Ảnh: Wikipedia. |
Vào đầu những năm 1880, những thành viên của tầng lớp xã hội thượng lưu ở Roma bắt đầu bàn tán về gã nhà báo trẻ tuổi có tên là Gabriele D’Annunzio. Đây là một hiện tượng lạ vì hoàng gia Italy luôn khinh bỉ những ai không nằm trong giới của họ, mà gã phóng viên báo chí kia thì lại thuộc tầng lớp không thể nào thấp kém hơn. Chính vì thế mà các nhà quý tộc không mấy quan tâm đến D’Annunzio.
Hắn ta chẳng có tiền mà cũng ít các mối quan hệ, lại xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, với họ thì hắn đích thực là một kẻ xấu xí, với thân hình lùn tịt bè bè, nước da xỉn xỉn và cặp mắt ốc nhồi.
Các quý ông thấy hắn xấu quá nên cho hắn tự do tiếp xúc với phu nhân và con gái của họ, tin chắc rằng những người phụ nữ của họ sẽ an toàn bên cạnh con người xấu xí này, thậm chí các ông còn vui mừng được thoát khỏi tay chuyên săn tin này. Nhưng về việc bàn tán về D’Annunzio thì không phải là các ông nói về hắn mà chính là phu nhân của các ông.
Khi được các đức lang quân giới thiệu với D’Annunzio, các công tước và hầu tước phu nhân lúc đầu thấy như mình bị buộc phải tiếp đãi người đàn ông có vẻ ngoài kỳ lạ này, nhưng khi chỉ còn một mình hắn với các quý bà thì hắn đột nhiên thay đổi thái độ. Chỉ sau vài phút các phu nhân đã bị hắn mê hoặc.
Thứ nhất là vì hắn có giọng nói tuyệt vời nhất mà họ chưa từng được nghe, một giọng nói dịu dàng chậm rãi với cách nhả chữ rõ ràng, âm điệu nhịp nhàng và biến tấu như hát. Có nàng so sánh giọng nói của hắn với tiếng chuông ngân nga của nhà thờ vang vọng từ xa, nàng khác lại khen giọng nói của hắn có sức thôi miên quyến rũ.
Những từ ngữ thốt ra từ giọng nói này cũng hay họ không kém với kiểu lặp đi lặp lại âm đầu, cách dùng những thành ngữ duyên dáng, những hình ảnh nên thơ cùng với những lời ngợi ca có thể làm tan chảy trái tim các nàng. D’Annunzio là một bậc thầy về nghệ thuật tâng bốc.
Hắn như biết rõ điểm yếu của từng người: Hắn ca ngợi nàng này là nữ thần tự nhiên, nàng kia là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, và nàng khác nữa là một gương mặt trữ tình chỉ có trong tiểu thuyết. Trái tim của người phụ nữ bồi hồi xao xuyến khi nghe hắn mô tả cái ấn tượng mà nàng dành cho hắn.
Mọi điều hắn nói đều bóng gió đến vấn đề ân ái hoặc tình cảm lãng mạn. Đêm đó, nàng ta sẽ nằm trằn trọc suy nghĩ đến những lời hắn thốt ra hơn là nhớ lại nội dung câu nói của hắn, vì hắn không bao giờ nói rõ ràng cụ thể mà chỉ cho nàng cái cảm giác về những lời hắn nói.
Ngày hôm sau, nàng sẽ nhận được từ hắn một bài thơ mà nàng nghĩ là hắn sáng tác cho riêng nàng (thực ra thì hắn sáng tác hàng chục bài na ná giống nhau, chỉ thay đổi chút ít cho phù hợp với từng nạn nhân của mình).
Vài năm sau khi D’Annunzio bắt đầu nhận chân phóng viên xã hội, hắn kết hôn với con gái của hai vợ chồng Công tước Gallese. Sau đó ít lâu, với sự hỗ trợ vững chắc của các phu nhân, hắn bắt đầu xuất bản các tiểu thuyết và tập thơ.
Số lượng và cả chất lượng các cuộc chinh phục của hắn thật đáng nể. Không chỉ các nữ hầu tước ngã gục dưới chân hắn mà cả những nghệ sĩ danh tiếng như diễn viên Eleanor Duse, người đã giúp hắn trở thành nhà soạn kịch đáng kính và một nhân vật danh tiếng trong làng văn chương.
Nghệ sĩ múa Isadora Duncan, một trong số những nghệ sĩ say đắm hắn, đã giải thích cái ma thuật này của hắn như sau: “Có lẽ người tình tuyệt vời nhất ở thời đại này là Gabriele D’Annunzio, dù chàng chỉ là một người thấp bé, hói đầu và xấu xí, trừ lúc gương mặt chàng sáng lên khi hân hoan. Khi nói chuyện với người phụ nữ mà chàng yêu thích thì gương mặt của chàng biến đổi khiến chàng đột nhiên trông giống với thần Apollo... Tác động của chàng lên phụ nữ thật kinh khủng. Người phụ nữ mà chàng tiếp chuyện sẽ đột nhiên cảm thấy như cả tâm hồn lẫn thể xác của mình bay bổng”.
[...]
Quyến rũ là một quá trình tâm lý vượt lên trên giới tính, ngoại trừ một vài lĩnh vực mà mỗi giới có yếu điểm riêng.
Theo truyền thống thì nam giới dễ yếu lòng với những gì họ nhìn thấy, vì thế mà các mỹ nhân luôn tạo cho mình một vẻ ngoài hấp dẫn để quyến rũ đông đảo đàn ông.
Còn ở nữ giới thì điểm yếu của họ là lời nói và ngôn từ, như nữ diễn viên người Pháp, Simone, một nạn nhân của D’Annunzio đã viết: “Các cuộc chinh phục thành công của chàng chỉ có thể lý giải là do chàng có lời lẽ duyên dáng và giọng nói đầy âm sắc lồng trong lối nói chuyện mang tính thuyết phục có một không hai. Nữ giới chúng tôi thường nhạy cảm với ngôn từ, dễ bị lời nói làm say mê và khát khao được chúng chi phối”.
Kẻ phóng đãng cũng bừa bãi với ngôn từ như hắn lăng nhăng với phụ nữ. Những ngôn từ hắn chọn thường mang khả năng gợi ý, bóng gió, thôi miên và lan tỏa khiến cho người nghe hân hoan.
Ngôn từ của kẻ phóng đãng cũng giống như đồ phục sức trên cơ thể mỹ nhân: nó có sức quyến rũ mãnh liệt giống như chất ma túy. Cách sử dụng từ ngữ của kẻ phóng đãng có thể nói là xuất quỷ nhập thần vì nó không được dùng với mục đích truyền đạt thông tin mà là để thuyết phục, tâng bốc, khuấy động cảm xúc, giống như lời lẽ mà con rắn trong vườn cấm dùng để cám dỗ Eva.
Trường hợp của D’Annunzio cho thấy mối liên quan giữa một kẻ đa tình chuyên đi dụ dỗ phụ nữ và một chính trị gia quyến rũ quần chúng. Cả hai đều dựa vào lời ăn tiếng nói. Nếu phỏng theo tính cách của gã phóng đãng, bạn sẽ thấy là việc sử dụng lời nói như một chất độc sẽ có thể áp dụng được trong vô vàn trường hợp.
Bạn phải nhớ là chính cách nói mới quan trọng chứ không phải nội dung câu nói. Đối tượng của ta càng ít tập trung vào những gì ta nói và càng chú ý tới cách nói của ta thì sức quyến rũ của ta càng mạnh. Nếu biết đưa những lời lẽ bay bổng, thông thái và văn chương vào ngôn từ, ta sẽ khơi dậy lòng ham muốn ở đối phương.