Con người có những tác động mang tính tàn phá đối với Trái Đất. Chúng ta đốt nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng cho những tòa nhà và thành phố, đồng thời tạo ra một lượng rác thải khổng lồ.
Chúng ta đã và đang sử dụng các nguồn tài nguyên của Trái Đất như thể chúng là vô hạn và đẩy cuộc sống của nhiều loài động thực vật vào nguy hiểm. Tuy nhiên, bằng cách thay đổi hành vi của mình, chúng ta có thể giúp bảo vệ vòng đời của các sinh vật khác.
Nhiên liệu từ than đá gây ô nhiễm cho môi trường sống. Ảnh: Vnanet. |
Vì dân số thế giới tăng lên nên chúng ta sẽ ngày càng sử dụng nhiều tài nguyên hơn và tạo ra nhiều chất thải hơn. Xe hơi, nhà máy và rác gây ô nhiễm không khí, đất liền và biển, gây hại cho động thực vật. Các sinh vật biển ăn phải nhựa có trong đại dương, điều này sẽ gây hại cho bản thân chúng và các động vật ăn thịt chúng.
Khi đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng, chúng ta sẽ làm tăng nồng độ carbon trong khí quyển, dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu - tức là nhiệt độ sẽ tăng lên trên khắp thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Chúng ta sử dụng khoảng 30% diện tích đất liền để trồng trọt, nuôi gia súc và khai thác năng lượng. Việc chặt cây rừng để có thêm đất được gọi là phá rừng, và điều này đã dẫn đến việc gần một nửa số cây trên Trái Đất bị mất đi. Phá rừng cũng đe dọa ngôi nhà của nhiều loài động thực vật.
Thợ săn giết voi để lấy ngà, giết hổ để lấy da và xương, giết tê giác để lấy sừng. Hoạt động săn bắt này đã giết chết hàng triệu động vật mỗi năm và khiến cho nhiều loài đang chết dần chết mòn hoặc tuyệt chủng. Nhiều loài đang bị tuyệt chủng mỗi ngày vì các hoạt động của con người.
Sử dụng năng lượng xanh từ gió, ánh sáng Mặt Trời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Onaprsc. |
Giải pháp của chúng ta là gì? Công nghệ mới cho phép chúng ta tạo ra năng lượng mà không làm gia tăng tình trạng nóng lên và ô nhiễm toàn cầu. Những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường - hay còn gọi là “năng lượng xanh” - bao gồm gió, sóng và Mặt Trời.
Chúng ta có thể tăng sự đa dạng của các loài động thực vật trong một khu vực bằng cách trồng các loại cây trồng đa dạng cũng như khôi phục môi trường sống cho các loài chim và động vật thụ phấn. Hoạt động này được gọi là canh tác hoang dã.
Tái chế là quá trình chuyển đổi chất thải thành vật liệu mới. Cùng với việc tái sử dụng đồ vật thay vì vứt bỏ, việc tái chế giúp bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.