Tàu sân bay USS George Washington được nhìn thấy ở khu vực đông Địa Trung Hải vào ngày 5/2/2017. Ảnh: Anadolu Agency. |
“Các tù nhân còn có thức ăn ngon hơn những gì chúng tôi nhận được ở đây”, một nữ thủy thủ trên tàu sân bay USS George Washington chia sẻ. “Đây là môi trường tệ nhất mà tôi từng trải qua”.
Tình hình trên tàu USS George Washington trở thành tâm điểm chú ý sau khi 3 thủy thủ qua đời trong cùng một tuần vào tháng 4. Gần một năm qua, 7 thủy thủ trên tàu thiệt mạng, trong đó có 4 người tự sát.
Sau cái chết mới nhất của thủy thủ Xavier Sandor, Đại úy Brent Gaut, chỉ huy tàu sân bay USS George Washington, đã nói chuyện với các thủy thủ trên tàu, thừa nhận những khó khăn họ đã trải qua trong nhiều tháng.
CNN đã liên hệ với 12 thủy thủ đang phục vụ hoặc từng phục vụ tàu trước đây để tìm hiểu vụ việc. Họ mô tả một cuộc sống trên tàu với vô số vấn đề, bao gồm chỗ ở và chất lượng thực phẩm tồi tệ, lãnh đạo không giải quyết và bỏ mặc các khiếu nại.
Điều kiện “khủng khiếp”
Các thủy thủ nói với CNN rằng con tàu không thể ở được. Họ ra khơi cách đây khoảng một năm, sau khi con tàu trải qua quá trình tiếp nhiên liệu và đại tu trong 4 năm. Nó được cho là đã sẵn sàng để tiếp nhận đoàn thủy thủ.
Tuy nhiên, việc xây dựng tàu vẫn tiếp diễn suốt ngày đêm, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, đặc biệt là những người trẻ tuổi nhất.
"Tôi đã sẵn sàng cho một tình huống xấu nhất, nhưng không nghĩ rằng nó sẽ tồi tệ đến vậy", một thủy thủ trên tàu George Washington nói với CNN. Hầu hết thủy thủ đều giấu tên vì lo ngại ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ trong hải quân.
Gia đình thủy thủ Xavier Sandor, người tự sát hôm 15/4. Ảnh: CNN. |
John Sandor, cha của thủy thủ Xavier Sandor tự sát hôm 15/4, cho biết con trai ông tự hào được gia nhập hải quân ngay từ khi còn học trung học, nhưng Xavier từng nói điều kiện trên tàu rất "khủng khiếp".
"Làm sao có thể ngủ trên một tàu sân bay với tiếng búa đập, khói và mùi bốc lên cả ngày?", ông Sandor nói.
Các thủy thủ nói với CNN rằng các vụ tự sát đã trở thành một thực tế bi thảm trên tàu sân bay và không còn là điều bất thường.
“Tôi không ngạc nhiên. Với thời gian ở trên tàu, rất tiếc đó là điều đã trở nên quen thuộc đối với tôi. Không có gì mới cả", một thủy thủ nói.
Theo các thủy thủ, trên tàu gần như không có chỗ yên tĩnh để ngủ, tàu bị mất điện liên tục và thiếu nước nóng. Họ nói rằng các buồng ngủ thường thiếu hệ thống thông gió, và điều kiện nhiệt độ cũng rất tồi tệ.
“Tôi thức dậy giữa đêm vì lạnh cóng. Tôi đã sống trong ôtô của mình vào mùa đông và vẫn cảm thấy tốt hơn so với chỗ ở (trên tàu) của mình", một thủy thủ 19 tuổi nói. Anh bị sốc với điều kiện trên tàu, khác xa so với mong đợi về cuộc sống trong hải quân.
Trong khi đó, phát ngôn viên Lực lượng Không quân Hải quân Đại Tây Dương Robert Myers cho biết các buồng ngủ và boong tàu đã được kiểm tra trước khi tiếp nhận thủy thủ. Các sĩ quan chỉ huy cũng đánh giá bữa ăn hàng ngày để kiểm soát chất lượng thực phẩm phục vụ cho thủy thủ sống và làm việc trên tàu.
Bỏ mặc những lời phàn nàn
Đầu tuần này, chỉ huy tàu USS George Washington thông báo khoảng một nửa trong số hơn 400 thành viên thủy thủ đoàn sẽ rời tàu, chuyển đến một nơi ở tạm thời khác. Những người còn lại cũng sẽ có cơ hội nếu muốn rời đi.
Hơn 200 thủy thủ rời tàu sân bay USS George Washington sau loạt vụ tự sát. Ảnh: SIPA. |
Trong khi đó, hải quân sẽ xem xét liệu chỗ ở có phải một yếu tố gây ra các vụ tự tử hay không.
"Ban lãnh đạo hải quân và thành viên Quốc hội đã gặp gỡ các chỉ huy trên tàu USS George Washington, tin tưởng rằng họ đang làm việc chăm chỉ để chăm sóc cho thủy thủ", ông nói với CNN vào ngày 5/5.
Tuy nhiên, một thủy thủ đã chia sẻ những tin nhắn gửi đến hòm thư góp ý của con tàu cho CNN, trong đó có nhiều lời phàn nàn về chất lượng cuộc sống. Dẫu vậy, hiếm khi có bất cứ thay đổi nào.
"Những lời phàn nàn sẽ không làm được gì cả. Chúng tôi phải chịu đựng trong im lặng", một thủy thủ cho biết.
Họ nói rằng ngay cả một bữa ăn hoàn chỉnh đôi khi cũng là điều khó khăn. "Họ hết thức ăn, hoặc chỉ còn một ít ngũ cốc và một ít đùi gà có khi nấu chưa chín".
Hai tuần trước, thuyền trưởng giàu kinh nghiệm Russell Smith đã đến thăm tàu USS George Washington, mong muốn một "cuộc đối thoại cởi mở và trung thực" để "tìm hiểu những khó khăn mà các thủy thủ đang đối mặt". Tuy nhiên, ông đã nói với các thủy thủ rằng họ nên có "những kỳ vọng hợp lý". Họ không "ngủ trong hố cáo như những người lính thủy đánh bộ".
Một số thủy thủ cảm thấy bị "xúc phạm" khi nghe những lời này. Một cựu thủy thủ khác cũng coi tình hình trên tàu là "không thể chấp nhận được", đặc biệt khi quân đội có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề.
Điều tra
Sau các vụ tự tử gần nhất, Hải quân Mỹ đã mở hai cuộc điều tra. Cuộc điều tra đầu tiên xem xét cụ thể những người chết trên tàu gần đây. Cuộc điều tra thứ hai được tiến hành rộng hơn, xem xét môi trường và văn hóa trên tàu, bao gồm các vấn đề về nhà ở, bãi đậu xe và chất lượng cuộc sống.
Tàu USS George Washington cập cảng Newport News (bang Virginia) từ năm 2017. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Hải quân "tin tưởng rằng cuộc điều tra và đánh giá toàn diện sẽ xác định các vấn đề cần cải thiện trong tương lai, cũng như khuyến nghị hành động ngay lập tức", ông Myers nói.
Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ ở Đại Tây Dương, Đô đốc John Meier, cũng cho biết con tàu sẽ bổ sung thêm nguồn lực để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho thủy thủ, chẳng hạn một đội can thiệp đặc biệt và một chuyên gia tâm lý.
Tuy nhiên, các thủy thủ nói với CNN rằng điều này đã quá muộn. Con tàu vốn có một nhà tâm lý học lâm sàng, nhưng các thủy thủ phải đợi hàng tháng để được tư vấn. Cựu thủy thủ Jacob Grella cho biết trong năm cuối cùng phục vụ trên tàu, ông “phải đợi 6 tháng" để gặp chuyên gia tâm lý.
Tuy nhiên, bất chấp sự thất vọng, Grella và nhiều thủy thủ khác vẫn tin tưởng vào sự thay đổi văn hóa và môi trường sống trên tàu.
"Tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra", Grella nói. “Nhưng để làm được điều đó, tại thời điểm này, mọi người phải có trách nhiệm giải trình. Cần xem xét ai là người gây ra sự đối xử tiêu cực này và khiến những đứa trẻ tội nghiệp (tự sát)”.