“New York một lần nữa đã củng cố danh tiếng lâu đời về sự thờ ơ”, báo South China Morning Post mở đầu bài bình luận ngày 2/4 về các vụ tấn công người Mỹ gốc Á gần đây, và gợi lại vụ án Kitty Genovese khét tiếng cách đây gần 60 năm.
Ngày 29/3, thành phố New York đã chứng kiến không chỉ một mà đến hai vụ hành hung vô cớ nhắm vào người Mỹ gốc Á. Các vụ tấn công này là những câu chuyện mới nhất trong làn sóng tội ác vì phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á nổ ra trên khắp nước Mỹ kể từ đại dịch.
Tuy nhiên, South China Morning Post cho rằng điều đáng lo ngại nhất trong cả hai vụ tấn công trên là sự thờ ơ của những người ngoài cuộc.
Người biểu tình tập trung trước tòa nhà tại phố West 43rd, nơi người phụ nữ gốc Á 65 tuổi bị tấn công vào ngày 29/3. Ảnh: Getty. |
Không ai can thiệp
Theo New York Times, một phụ nữ 65 tuổi gốc Philippines đang đi bộ ngang qua một tòa nhà gần Quảng trường Thời đại thì bị một người đàn ông bất ngờ đá vào bụng. Ông ta sau đó đạp nạn nhân thêm ba lần nữa và cuối cùng buông lời nhục mạ trước khi rời đi.
Trong khi đó, ba người đàn ông đứng ở sảnh tòa chung cư gần hiện trường chứng kiến vụ việc nhưng không can thiệp. Khi người phụ nữ cố đứng dậy, một trong ba nhân chứng - được cho là nhân viên bảo vệ - đã đóng cửa trước của tòa nhà lại.
Cùng ngày hôm đó, một người đàn ông gốc Á đã bị đấm và bị kẹp cổ đến bất tỉnh trên một chuyến tàu điện ngầm đông đúc. Có người đã quay phim và đưa lên mạng xã hội, nhưng không một ai tại hiện trường cố gắng giúp đỡ.
Trên thực tế, các nhà tâm lý học có một thuật ngữ cho hiện tượng này, được gọi là “hiệu ứng người ngoài cuộc”, theo South China Morning Post.
Thuật ngữ nảy sinh từ một vụ giết người khét tiếng ở New York vào thập niên 1960. Trớ trêu thay, hiện tượng này ngày càng phổ biến.
Một người chứng kiến vụ việc nhưng không giúp đỡ. Ảnh: Cảnh sát Thành phố New York. |
Hiệu ứng người ngoài cuộc
Hiệu ứng người ngoài cuộc còn được gọi là hội chứng Genovese, đặt theo tên của Kitty Genovese, một phụ nữ trẻ bị hãm hiếp và giết chết vào năm 1964 bên ngoài tòa nhà mà cô ở. Nhiều hàng xóm được cho là đã chứng kiến vụ án nhưng không can ngăn.
Vụ việc đã trở thành một trong những vụ giết người khét tiếng nhất New York, sau khi nó làm phát sinh một nhánh mới trong nghiên cứu tâm lý, chuyên nghiên cứu về hiện tượng thờ ơ của nhân chứng, nhằm giải thích tại sao người chứng kiến lại không giúp đỡ nạn nhân. Tâm lý này thậm chí còn được áp dụng trong cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã trong Thế Chiến II.
Nghiên cứu về hiện tượng tâm lý trên bắt nguồn từ một bài báo đưa thông tin sai lệch trên tờ New York Times năm đó, với tiêu đề: "37 nhân chứng không báo cảnh sát" (số nhân chứng được nêu ra trong câu chuyện là 38).
Con số nhanh chóng gây được sự chú ý. Vào cuối năm đó, một biên tập viên của báo này thậm chí còn xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Ba mươi tám nhân chứng: Vụ án Kitty Genovese”.
Theo Guardian, bắt đầu từ năm 1969, các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội John Darley và Bibb Latane, hai người theo dõi sát sao vụ án Genovese, đã xuất bản hàng loạt bài báo về công trình của họ. Ngoài việc xác định đâu là nguyên nhân khiến các nhân chứng thờ ơ, họ còn mong muốn xác định được số lượng nhân chứng tối thiểu có thể gây ra “sự do dự tập thể”.
Sau khi thực hiện hàng loạt thí nghiệm lâm sàng, họ đưa ra kết luận rằng các nhân chứng ít có khả năng giúp đỡ nạn nhân hơn nếu xung quanh có nhiều nhân chứng khác. Và, nếu càng có nhiều người xung quanh thì khả năng có người can thiệp càng ít vì ai cũng nghĩ rằng người khác sẽ lên tiếng.
Kitty Genovese, nạn nhân trong vụ giết người khét tiếng tại New York vào năm 1964. Ảnh: Five More Minutes Productions. |
Trong nhiều thập kỷ, các tình tiết của câu chuyện về vụ án Genovese trên New York Times đã bị đặt ra nghi vấn hoặc thậm chí bị bóc trần là sai sự thật. Theo cuốn sách của Kevin Cook xuất bản năm 2014 nói về vụ án này, hóa ra, ban đầu hung thủ đã tấn công Genovese và bỏ trốn khi một người hàng xóm kêu cứu. Hầu hết người chứng kiến cho rằng sự việc đã dừng lại ở đó.
Tuy nhiên, nạn nhân - khi đó bị thương - đã bò ra phía sau tòa nhà. Hầu hết nhân chứng đều được cho là không thể nhìn thấy hay nghe thấy diễn biến tiếp theo của vụ án tại khu vực này. Tại đây, hung thủ quay lại, cưỡng hiếp Genovese và đâm cô trọng thương.
Chỉ có hai nhân chứng được xác định là có thể chứng kiến toàn bộ chuỗi sự kiện nhưng không can thiệp, hoặc ít nhất là không trực tiếp can thiệp. Một trong hai người này cuối cùng đã báo cảnh sát và đến an ủi bạn cùng phòng với nạn nhân.
Dẫu vậy, các nhà tâm lý lập luận rằng những thí nghiệm lâm sàng tạo ra thuật ngữ “hiệu ứng người ngoài cuộc” nên được đánh giá độc lập với vụ án Genovese, bất kể thông tin ban đầu do tờ New York Times đưa ra có chính xác hay không, theo South China Morning Post.
Tờ báo này nhận xét bất chấp hiện tượng tâm lý nêu nên có thật hay không, thì hai vụ tấn công người Mỹ gốc Á ở New York vào đầu tuần này cũng đã cho thấy sự thơ ơ rõ ràng của các nhân chứng.