Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các ứng dụng lo 'vỡ trận' khi phải tự xét nghiệm cho 92.000 shipper

Sau khi TP.HCM quyết định giao các doanh nghiệp, ứng dụng gọi xe tự tổ chức xét nghiệm cho shipper, phần lớn đều lo ngại không đủ kinh nghiệm, nguồn lực để thực hiện.

Sáng qua 21/9, UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn về việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét nghiệm của shipper, tiến tới quản lý bằng công nghệ. Theo đó, từ ngày 24 - 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của TP theo hướng dẫn của Sở Thông tin - Truyền thông.

Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần. Các doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sở Công Thương. Trong thời gian này các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.

Chia sẻ với Zing, Gojek nhận định các doanh nghiệp gọi xe công nghệ hoàn toàn không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh Covid-19, do đó có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test, và kết quả không chính xác.

Lo xét nghiệm chậm, thiếu shipper đẩy giá ship lên cao

"Như vậy sẽ có khả năng để sót F0 hoặc xác định nhầm F0, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh. Đó là chưa kể đến việc mỗi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm, với Gojek là xét nghiệm cho hàng chục nghìn shipper", đại diện Gojek nói.

"Shipper sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn để được lực lượng không chuyên tiến hành lấy mẫu và đọc kết quả, gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội", đại diện ứng dụng này lo ngại.

xet cho shipper tp.hcm anh 1

Các ứng dụng lo ngại không đủ chuyên môn, kinh nghiệm để thực hiện xét nghiệm cho 92.000 shipper TP.HCm trong vài ngày tới. Ảnh: Duy Hiệu.

Cũng theo Gojek, khi hiệu quả xét nghiệm thấp, để đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Ứng dụng này nhận định trong bối cảnh nhu cầu của người dân rất cao còn nguồn cung tài xế rất thấp, hàng hoá khó đến được tay người dân, chuỗi cung ứng hàng hoá sẽ bị gián đoạn, nhu cầu của người dân không được đáp ứng.

"Đồng thời, sự bất cân đối giữa cung và cầu sẽ dẫn đến giá cả dịch vụ tăng cao theo quy luật của thị trường, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân", Gojek dự báo.

Tương tự, đại diện một ứng dụng gọi xe khác chia sẻ với Zing các doanh nghiệp gọi xe công nghệ hiện không có kinh nghiệm, kiến thức tổ chức xét nghiệm số lượng lớn. "Chưa kể khâu nhân lực, vật lực, khâu tổ chức và xác nhận kết quả, rất khó cho doanh nghiệp chuẩn bị trong thời gian gấp rút", vị này cho hay.

"Giao cho ứng dụng xét nghiệm, thành phố cũng phải tính tới nguy cơ có ứng dụng không chấp hành nghiêm túc, làm giả kết quả vì muốn bất chấp để có shipper chạy cho nhanh, cho nhiều", đại diện này cảnh báo.

Nên giãn tần suất xét nghiệm thay vì giao cho ứng dụng

Về hướng cải thiện tình trạng quá tải xét nghiệm cho shipper, Gojek đề xuất các cơ quan chức năng cân nhắc việc giãn tần suất xét nghiệm nhanh, dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vaccine.

"Tất cả tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, một số đã tiêm đủ 2 mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả tài xế theo tần suất 2-3 ngày/lần có thể không còn phù hợp khi cân nhắc trong tương quan với các ưu và nhược điểm của việc cho phép shipper lưu thông trên đường", ứng dụng này kiến nghị.

Phía Gojek phân tích, từ ngày 19/9, tổng số lượng shipper được phép hoạt động của 34 doanh nghiệp là 92.000 tài xế, trong khi đó có hơn 400 trạm y tế lưu động hỗ trợ thực hiện xét nghiệm trong khung giờ từ 6h đến 21h. Gojek tính toán nếu mỗi tài xế test 3 ngày/ lần thì yêu cầu về nguồn lực từ các trạm y tế là trung bình mỗi ngày mỗi trạm xét nghiệm nhanh cho khoảng 75 người.

"Trên thực tế, số tài xế thực sự hoạt động những ngày vừa qua còn có thể thấp hơn nhiều (theo con số thống kê không chính thức của Sở Công Thương, con số này là khoảng 50%). Chúng tôi tin rằng năng lực xét nghiệm của các trạm y tế hoàn toàn đáp ứng được nếu điều phối tốt", Gojek nhận định

xet cho shipper tp.hcm anh 2

Cả chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng giãn tần suất xét nghiệm là phương án hợp lý thay vì giao cho các ứng dụng tự xét nghiệm. Ảnh: Duy Hiệu.

Do đó, ứng dụng này đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về năng lực xét nghiệm từ hệ thống các trạm y tế lưu động để đảm bảo chất lượng chuyên môn, và các doanh nghiệp gọi xe công nghệ được tham gia chung tay cùng các cơ quan chức năng để ứng dụng công nghệ vào việc điều phối tài xế, nhằm giảm tải cho một số cơ sở y tế và tăng tính hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Về mặt chi phí, hãng cho rằng theo các công văn hiện hành, các shipper đang được xét nghiệm nhanh miễn phí cho đến hết ngày 30/9 để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. Sau thời gian này, chính quyền địa phương nên tiếp tục hỗ trợ các chi phí xét nghiệm nhanh.

"Đây sẽ là một gánh nặng chi phí lớn nếu như doanh nghiệp phải tự trang trải, trong khi hầu hết hoạt động của chúng tôi đều gần như ngưng trệ trong thời gian qua để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về phòng dịch, chưa kể rất nhiều chi phí phát sinh do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi trong đại dịch", Gojek chia sẻ về áp lực chi phí xét nghiệm cho shipper.

Tất cả tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, một số đã tiêm đủ 2 mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả tài xế theo tần suất 2-3 ngày/lần có thể không còn phù hợp

Đại diện Gojek

Còn theo một chuyên gia logistic chia sẻ với Zing, việc cơ quan chức năng đẩy trách nhiệm xét nghiệm cho shipper về cho doanh nghiệp đang làm rối thêm tình hình, gián đoạn chuỗi cung ứng tại TP.HCM, nguy cơ đẩy giá ship lên cao.

"Với việc shipper phần lớn đã được tiêm 1 mũi vaccine, xét nghiệm 1 tuần/lần là tần suất hợp lý, giúp giảm tải cho các trạm y tế lưu động. Nếu cơ quan chức năng gặp khó khăn về nguồn lực, có thể kêu gọi các ứng dụng, doanh nghiệp quản lý shipper chia sẻ gánh nặng, tuy nhiên không nên đá quả bóng xét nghiệm shipper về chân doanh nghiệp do nhóm này thiếu kinh nghiệm, chuyên môn cần thiết", chuyên gia này nhận định.

Trong khi phần lớn ứng dụng đang bối rối trong việc phải tự tổ chức xét nghiệp cho shipper, thì tối 21/9, Be công bố từ ngày 24/9, những tài xế công nghệ của hãng sẽ được thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 đạt chuẩn của Bộ Y Tế tại các địa điểm trên địa bàn TP.HCM do doanh nghiệp tổ chức.

Be nhận định với mô hình này, ứng dụng sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương và đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho tài xế của ứng dụng gọi xe Be. Theo đó, tài xế được xét nghiệm linh hoạt trong ngày và có kết quả ngay sau 30 phút, nhận kết quả trực tuyến, loại bỏ in giấy kết quả. Chi phí xét nghiệm định kỳ sẽ được ứng dụng hỗ trợ một phần.

Xét nghiệm shipper quá tải, Sở Công Thương TP.HCM họp gấp với ứng dụng

Sáng 21/9, lực lượng shipper cho biết vẫn khó khăn khi làm xét nghiệm định kỳ vì các trạm y tế thường xuyên quá tải. Sở Công Thương TP.HCM đã mời các ứng dụng họp tìm phương án.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm