Các đại gia công nghệ Mỹ dùng bữa tối với ông Trump tại Mar-a-Lago. Ảnh: TNYT. |
Trong tuần qua, giới công nghệ tại Thung lũng Silicon đã bước vào một cuộc đua tranh không khoan nhượng để "lấy lòng" Tổng thống đắc cử Donald Trump. Hàng loạt tỷ phú và công ty công nghệ lớn không chỉ công khai dành lời khen ngợi mà còn rót những khoản tiền khổng lồ vào quỹ tổ chức lễ nhậm chức của ông Trump.
Theo The New York Times, sau khi gửi nhỏ giọt, các khoản quyên góp trị giá hàng triệu USD đã ồ ạt được gửi đến quỹ nhậm chức.
Chấp nhận thực tế và thay đổi lập trường
Meta, Amazon và Sam Altman của OpenAI đều cam kết hỗ trợ quỹ tổ chức lễ nhậm chức của ông Trump với các khoản tiền lên tới bảy con số trong tuần qua.
Nhiều lãnh đạo công ty công nghệ hàng đầu đã đích thân tới Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng của ông Trump.
Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google, và Sergey Brin, một trong những người sáng lập Google, đã cùng ăn tối với ông Trump vào ngày 12/12.
Ngày hôm sau, Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple, cũng dùng bữa cùng ông Trump. Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, cũng dự kiến gặp ông Trump trong vài ngày tới.
Đây là tuần lễ mà nhiều công ty công nghệ và các giám đốc điều hành hàng đầu, dù có thể miễn cưỡng, đã thừa nhận thực tế phải hợp tác với chính quyền ông Trump tại Washington.
Với các khoản quyên góp, chuyến thăm và tuyên bố, ngành công nghệ Mỹ đã gia nhập vào làn sóng ủng hộ ông Trump vốn đã kéo dài hơn một tháng, dẫn đầu bởi các tỷ phú có ảnh hưởng tại Thung lũng Silicon, như Elon Musk, người đang tham gia vào việc chuyển giao quyền lực của ông Trump sau khi ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử.
Việc các công ty công nghệ nhanh chóng “xích lại gần” ông Trump là một thay đổi đáng kể, bởi trước đây, ngành này thường giữ khoảng cách với chính trị, đặc biệt trong thời gian ông Trump tại nhiệm lần đầu. Giờ đây, các doanh nghiệp công nghệ phải đối mặt với thực tế rằng việc hợp tác với chính quyền tổng thống là cần thiết để đảm bảo lợi ích kinh doanh.
Giờ đây, các hành động công khai như bữa ăn với ông Trump đã trở thành tâm điểm chú ý. Meta và Amazon, vốn từng bị ông Trump chỉ trích trước đây, đã tuyên bố quyên góp 1 triệu USD mỗi công ty vào quỹ lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử trong tuần này. Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI, tuyên bố ngày 13/12 rằng ông sẽ đích thân đóng góp 1 triệu USD.
Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI, là một trong những nhà tài trợ công nghệ Dân chủ tích cực nhất về mặt chính trị trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ảnh: The New York Times. |
“Ông Trump sẽ dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, và tôi rất mong được hỗ trợ những nỗ lực của ông nhằm giúp Mỹ luôn dẫn đầu”, Altman nói trong một tuyên bố.
Các khoản đóng góp cho quỹ tổ chức lễ nhậm chức, vốn dùng để tổ chức các sự kiện mang tính yêu nước vào ngày 20/1, từ lâu đã là cách để các công ty tìm kiếm sự ưu ái mà không bị coi là quá thiên vị chính trị.
Sự xoay trục này đặc biệt nổi bật với những lãnh đạo công nghệ từng công khai chỉ trích hoặc giữ lập trường trung lập như Sergey Brin, người đã tham gia biểu tình chống lại sắc lệnh nhập cư của ông Trump năm 2017, hay Marc Benioff, CEO Salesforce, một nhà tài trợ lớn của Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, Benioff cũng nhanh chóng chuyển giọng điệu, gọi đây là “thời khắc hứa hẹn cho quốc gia” sau khi Tạp chí Time - thuộc sở hữu của ông - trao danh hiệu “Nhân vật của Năm” cho ông Trump kèm lời nhắn: “Chúng tôi mong muốn hợp tác để thúc đẩy sự thành công và thịnh vượng của nước Mỹ”.
Lời ca ngợi công khai và những căng thẳng âm ỉ
Trong một tuyên bố, Karoline Leavitt, phát ngôn viên của ông Trump, cho biết: “Tổng thống Trump đã xây dựng phong trào chính trị lớn nhất trong lịch sử, thu hút sự tham gia của tầng lớp lao động Mỹ và cả các nhà lãnh đạo từ Thung lũng Silicon đến Phố Wall. Ông ấy thậm chí còn chưa vào Nhà Trắng và Tổng thống Trump đã đoàn kết tất cả người Mỹ”.
Những động thái mới nhất đã đưa sự ủng hộ của ngành công nghệ dành cho ông Trump lên một tầm cao mới, khi những người ủng hộ ông ban đầu trong ngành công nghệ lên tiếng về sự phấn khích của họ đối với chính quyền sắp tới.
Marc Andreessen, một nhà đầu tư mạo hiểm có ảnh hưởng tại Thung lũng Silicon, mô tả chiến thắng của ông Trump là “bình minh mới của nước Mỹ”. Ông chia sẻ rằng kể từ ngày bầu cử, ông đã dành một nửa thời gian để làm việc cho quá trình chuyển giao quyền lực của ông Trump.
“Cuối cùng thì mọi người cũng ló đầu ra khỏi vùng đất băng giá của nền văn hóa và nhận ra rằng thực sự ổn khi xây dựng mọi thứ, tuyển dụng dựa trên năng lực, ăn mừng thành công, đặc biệt là tình yêu và niềm tự hào quốc gia”, ông Andreessen bày tỏ.
Marc Andreessen, nhà đầu tư mạo hiểm, cho biết đã dành rất nhiều thời gian để làm việc cho quá trình chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử. Ảnh: The New York Times |
Peter Thiel, một đồng minh lâu năm của ông Trump, cũng không giấu được sự hào hứng, gọi đây là thời điểm đánh dấu sự “thoái trào của tư tưởng tự do”.
Mặc dù sự ủng hộ từ ngành công nghệ ngày càng lớn, một số dấu hiệu căng thẳng giữa ông Trump và ngành này đã bắt đầu xuất hiện.
Ông Trump đã bổ nhiệm một số nhân vật có quan điểm cứng rắn về công nghệ vào các vị trí cấp cao trong chính quyền, bên cạnh các nhà lãnh đạo công nghệ nổi bật như David Sacks - một nhà đầu tư và người dẫn chương trình podcast - làm “sa hoàng” phụ trách lĩnh vực tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI).
Vai trò của ông Sacks là thành lập một hội đồng tư vấn giúp ông Trump đưa ra chính sách về hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong nội bộ cố vấn của ông Trump và các cộng sự trong ngành công nghệ đã nảy sinh tranh cãi xoay quanh việc liệu nên thành lập hai hội đồng tư vấn riêng biệt cho tiền điện tử và AI hay gộp chung thành một. Theo những người tham gia thảo luận, các chuyên gia trong lĩnh vực tiền điện tử và AI phần lớn ủng hộ việc thành lập hai hội đồng riêng biệt.
Ngoài ra, cũng có tranh chấp về cách chọn ra thành viên tham gia các hội đồng này. Những người đã đóng góp tài chính cho quỹ ủng hộ ông Trump được cho là sẽ có lợi thế trong việc giành các vị trí quan trọng.
Nhiều lãnh đạo trong ngành tiền điện tử và AI đã trực tiếp đến Mar-a-Lago hoặc trao đổi với ông Trump và đội ngũ thân cận của ông. Một trong số đó là Daniel Gross, chuyên gia AI, người gần đây đã đến Mar-a-Lago theo một bài đăng trên mạng xã hội của ông.
Michael Saylor, Chủ tịch điều hành của MicroStrategy - công ty phần mềm sở hữu lượng Bitcoin trị giá hàng chục tỷ USD - cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông sẵn sàng “tình nguyện cống hiến” cho hội đồng tư vấn tiền điện tử.
Trong khi đó, Brian Armstrong, CEO Coinbase - sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất nước Mỹ - đã có cuộc gặp riêng với ông Trump vào tháng trước, theo nguồn tin từ hai người biết rõ sự việc. Coinbase cũng tuyên bố rằng sẵn sàng hợp tác với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Brad Garlinghouse, CEO Ripple - công ty chuyên về tiền điện tử - cũng xác nhận đã đến Mar-a-Lago để thảo luận về vấn đề này. Không chịu kém cạnh, Ripple còn dự định quyên góp 5 triệu USD dưới dạng đồng tiền kỹ thuật số XRP của công ty vào quỹ tổ chức lễ nhậm chức của ông Trump.
Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng. Vì vậy, sách trở thành phương thức hiệu quả để người đọc tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú này.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - là những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình.