Ngày 14/4, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương Nguyễn Chí Hiếu cho biết, địa phương đã nhận được văn bản đề nghị của TP.HCM về việc sử dụng nguồn cát tại lòng hồ Dầu Tiếng để xây dựng đường Vành đai 3.
“Kể từ giữa tháng 4/2019, địa phương đã không còn thẩm quyền cấp phép bến bãi khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 2508 đề nghị các tỉnh tạm ngừng hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng để đánh giá chất lượng nguồn nước, cũng như chất lượng công trình thủy lợi hồ đập. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác cát đã tạm ngưng”, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết.
Tương tự, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước cũng cho biết, địa phương đã nhận văn bản của TPHCM liên quan đến việc hỗ trợ nguồn cát lòng hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, từ trước đến nay phía Bình Phước không có bến bãi hoạt động khai thác cát hồ Dầu Tiếng và thẩm quyền hiện nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó ngày 10/4, UBND TP.HCM có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước về sử dụng nguồn cát tại hồ Dầu Tiếng để làm dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Theo ước tính, dự án Vành đai 3 TPHCM cần 1,6 triệu m3 đất đắp, 7,2 triệu m3 cát đắp, hơn 1,4 triệu m3 cát xây dựng, 4,4 triệu m3 đá xây dựng.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương kiểm tra tại hồ Dầu Tiếng. |
Qua rà soát, đối với vật liệu đá xây dựng, cát xây dựng và đất đắp đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, đối với cát đắp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp.
Theo UBND TP.HCM, tại buổi làm việc ngày 13/3 với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguồn cung cấp vật liệu cát gặp nhiều khó khăn do nhiều dự án cao tốc đang triển khai cùng lúc. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị nên tính đến phương án sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ cho dự án vành đai 3 TP.HCM.
Sau đó, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước quan tâm và sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại khu vực hồ Dầu Tiếng nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho đường vành đai 3 TP.HCM.
Hồ Dầu Tiếng là hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước thuộc vùng Đông Nam Bộ. Hồ được hình thành do chặn dòng thượng nguồn sông Sài Gòn, là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hiện nay, hồ Dầu Tiếng chịu sự quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy Lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt hồ lên đến 270 km2, tổng dung tích là 1,58 tỷ m3 nước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, nhiệm vụ chính của hồ Dầu Tiếng là tưới trực tiếp cho trên 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, TP.HCM và Long An. Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có 3 kênh chính là kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng có nhiệm vụ đưa nước về điều phối cho trên 1.550 km các tuyến kênh nhánh tại các địa phương. Ngoài ra, hiện nay lòng hồ Dầu Tiếng còn là nơi được người dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản.
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.