UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi chính quyền 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh đề nghị sớm có chủ trương cho phép khai thác cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ dự án vành đai 3 TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, ước tính khối lượng vật liệu xây dựng cần thiết để thi công vành đai 3 có 4 loại, với hơn 1,6 triệu m3 đất đắp nền đường; 7,2 triệu m2 cát đắp nền; gần 1,5 triệu m3 cát xây dựng; hơn 4,4 triệu m3 đá xây dựng.
UBND TP cho biết vật liệu đá xây dựng, cát xây dựng và đất đắp nền đường đã đáp ứng cơ bản nhu cầu dự án, tuy nhiên nguồn cung cát đắp nền đường cho dự án lại không đủ đáp ứng.
Qua quá trình làm việc, các sở, ngành chuyên môn cũng khẳng định nguồn cung cấp vật liệu cát gặp nhiều khó khăn do có nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai cùng lúc. Do đó, chủ đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM cần tính đến phương án sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước) để thực hiện dự án.
Trước đó, hôm 4/4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) đã có văn bản báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về tình hình nguồn vật liệu cho dự án đường vành đai 3.
Căn cứ theo kết quả khảo sát của tư vấn, số lượng đất đắp nền, đá xây dựng, cát xây dựng hiện đã cơ bản đáp ứng đủ. Riêng vật liệu cát đắp nền đường mới đạt 4,04 triệu m3 so với nhu cầu 7,2 triệu m3 (đạt 56,11%).
Để đảm bảo tiến độ khởi công dự án vào tháng 6, Ban Giao thông kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP tiếp tục chủ trì kế hoạch khảo sát vật liệu cát đắp nền đường và cát xây dựng tại các tỉnh miền Tây phục vụ cho dự án.
Hôm 6/4, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay nguồn vật liệu đã đáp ứng đủ và sẵn sàng phục vụ khởi công dự án vành đai 3 trong tháng 6/2023. Trong đó, đất đắp nền đường đã đạt 1,7 triệu/1,6 triệu m3, cát xây dựng đạt 1,1 triệu/1,5 triệu m3; đá xây dựng đạt 6,2 triệu/4,4 triệu m3, cát đắp nền đạt 5,8/7,2 triệu m3 (chiếm 80,5%).
Hướng tuyến vành đai 3 và cầu Nhơn Trạch. Đồ họa: Minh Trí. |
Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM dài 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km), chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án được Quốc hội thông qua giữa tháng 6, giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.