Mạng lưới Liên kết Thung lũng Silicon (The Joint Venture Silicon Valley Network) là sự cộng tác của các chuyên gia hàng năm để đưa ra “Chỉ số Thung lũng Silicon”, báo cáo về thực trạng của Thung lũng Silicon nhằm giám sát tốc độ đổi mới sáng tạo thông qua ba lăng kính: Đầu tư vốn mạo hiểm theo hướng phát triển ngắn và dài hạn; tạo ra những ý tưởng mới; giá trị gia tăng trên toàn nền kinh tế.
Theo Chỉ số của Thung lũng Silicon năm 2011, vốn mạo hiểm tăng lần đầu tiên kể từ năm 2007, tăng 5% so với năm trước, đạt con số gây sửng sốt là 5,9 tỷ USD. Vốn đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon chiếm 27% tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn quốc và 53% của tiểu bang California.
Mặc dù phần mềm vẫn chiếm ưu thế trong đầu tư vốn mạo hiểm nhưng đã có sự hồi sinh của vốn đầu tư vào các thiết bị y tế và công nghệ sinh học cũng như có sự đầu tư mạnh vào công nghiệp và năng lượng.
Hình ảnh trong sitcom Silicon Valley. Ảnh: Wiki. |
Các dịch vụ công nghệ thông tin và ngành viễn thông đã chứng kiến sự tăng trưởng lần lượt 55% và 196% từ năm 2009 đến năm 2010. Đầu tư công nghệ sạch tăng 11% so với năm trước, vượt quá 1,5 tỷ USD trong năm 2010, mặc dù có giảm từ đỉnh cao 2,2 tỷ USD năm 2008.
Cùng sự đổi mới sáng tạo, đã có sự gia tăng số bằng sáng chế đăng ký tại Thung lũng Silicon, tăng 9% trong năm 2009 so với mức tăng 6% của bằng sáng chế Mỹ cùng thời kỳ.
Thung lũng Silicon sẽ luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo khi chúng ta có những công ty như Apple và Google dẫn đường. Steve Jobs từng nói: “Đổi mới sáng tạo làm nên sự khác biệt giữa một nhà lãnh đạo và một người theo sau".
Không ai ngạc nhiên về việc Apple là nhà sáng tạo hàng đầu thế giới và có chứng cứ định lượng được (quantifiable proof). Hãy xem chỉ số lợi thế đổi mới sáng tạo của Apple, đó là “tỷ lệ giá trị thị trường của một công ty, cái không thể tính được từ giá trị hiện tại ròng của dòng tiền mặt của các sản phẩm hiện tại”.
Đó là 52% trong nhiệm kỳ thứ hai của Jobs tại Apple so với -30% từ năm 1985 đến năm 1997 khi ông rời khỏi công ty. Hãy gọi đó là tầm nhìn của Steve Jobs hoặc thiên tài tiếp thị của ông, khi thấu hiểu những gì khách hàng mong muốn và công ty đã phất lên khi ông tiếp nhận nó trở lại.
Ngày nay, trong khi chỉ số lợi thế đổi mới sáng tạo của Apple có thể đã bị tụt xuống chỉ còn 35,7% theo danh sách “Các công ty sáng tạo nhất thế giới” của Forbes, họ vẫn là nhà đổi mới sáng tạo công nghệ hàng đầu trên thế giới nhờ vào iPhone và các đổi mới sáng tạo spinoff, các công ty, mô hình kinh doanh, và quy trình của họ.
Điện thoại thông minh, chỉ một mình nó, đã thay đổi cách người ta sống. Đến năm 2013, số lượng ứng dụng được tải xuống ước tính đạt 49 tỷ USD. Và thực sự, mọi lĩnh vực - sức khỏe, giao thông vận tải, giải trí, kết nối xã hội, kinh doanh, tổ chức, thiết kế và hoạt động nhân ái - đều có ứng dụng của mình.
Hãy đợi đấy, sẽ đến lúc điện thoại thông minh của bạn cung cấp cho bạn dịch vụ y tế được cá nhân hóa. Một công ty được gọi là Alivecor đang thử nghiệm cách biến điện thoại của bạn thành máy ghi điện tâm đồ (ECG), nó tự động truyền dữ liệu cho một bác sĩ tim mạch, một sản phẩm dự kiến sẽ có giá từ 100 USD trở xuống.
Công ty Withings cũng chế tạo một vòng đeo tay đo huyết áp có thể được điện thoại thông minh kích hoạt làm phồng, làm xẹp và sau đó ghi lại tốc độ nhịp tim và huyết áp của bệnh nhân.
Ứng dụng của Withings sẽ vẽ lại biểu đồ huyết áp theo thời gian để làm rõ xu hướng hơn, sau đó sẽ chia sẻ thông tin với bác sĩ qua iPhone hoặc iPad của bạn. Vòng tay được bán lẻ với giá 129 USD. SkyHealth cũng có một ứng dụng theo dõi lượng đường trong máu.
Nếu thứ này nghe giống với thiết bị “tricorder” chẩn đoán toàn - cơ - thể trong bộ phim giả tưởng Star Trek, thì sự xuất hiện của nó cũng không còn xa lắm. Sẽ sớm đến ngày điện thoại thông minh của bạn có thể cung cấp dịch vụ y tế cá nhân hóa toàn cơ thể. Hiện tại Quỹ X-Prize treo giải thưởng 10 triệu USD cho bất cứ ai có thể phát minh ra nó.