Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các thành phố ven biển có nguy cơ biến mất

Thế kỷ 22 có thể phải khởi đầu bằng một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới: sự kiện di dân cưỡng chế lớn nhất lịch sử nhân loại.

Các thành phố ven biển trên thế giới phải đối mặt với mối đe dọa từ sự gia tăng mực nước biển. Mực nước biển dự kiến sẽ cao hơn 0,9 m so với thế kỷ 21. Nguyên nhân là sự tan chảy dần của các dải băng ở Greenland và Nam Cực, cộng hưởng với việc thể tích nước biển âm thầm gia tăng khi các đại dương nóng lên.

Trong vòng 50 năm đầu, hơn một tỷ cư dân ở 500 thành phố duyên hải có thể miễn cưỡng đối phó được với các đợt nước biển dâng do bão. Nhưng đến năm 2100, nước biển có thể dâng cao đến mức xóa sổ các cảng biển cũng như gây ngập lụt các vùng lãnh thổ phía trong.

Chung ta lam gi voi Trai Dat anh 1

Cảng biển Rotterdam, Hà Lan nhìn từ trên cao. Ảnh: portofrotterdam.

Lúc này, thành phố Rotterdam, [...] Miami cùng các đô thị ven biển khác sẽ đều thất thủ. Những nơi này đánh mất khả năng bảo hộ sự sống, không thể cư trú được nữa, người dân bị buộc phải di tản vào sâu hơn trong đất liền.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, vẫn còn nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn thế. Nếu mọi việc đều diễn ra đúng như dự báo, thì đến năm 2100, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 4°C. Nghĩa là hơn một phần tư dân số sẽ phải sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình cao đến 29°C, mức nhiệt nóng thiêu da đốt thịt vốn chỉ có thể tìm thấy trong sa mạc Sahara ở hiện tại.

Trồng trọt trên những vùng đất nóng bức như vậy là một nhiệm vụ bất khả thi, bi kịch này buộc gần một tỷ người dân nông thôn phải tìm đến “miền đất hứa” ở những vùng có khí hậu còn tương đối ôn hòa. Nhưng áp lực thu nhận dòng người di cư đổ về đấy là không hề nhỏ. Chắc chắn, nhiều đường biên giới quanh “miền đất hứa” sẽ đóng cửa, dẫn đến các cuộc xung đột nổ ra trên toàn cầu.

Giả như ai đó được sinh ra vào hôm nay, thì nhiều khả năng người ấy sẽ phải chứng kiến cảnh tượng giống loài mình đẩy hành tinh này bước qua hàng loạt cánh cửa một chiều, đi đến những biến đổi không thể đảo ngược; chứng kiến loài người từng bước đánh mất sự an toàn và ổn định của thế Holocene, Vườn Địa Đàng của chúng ta.

Trong tương lai đó, loài người không mang đến điều gì ngoài sự sụp đổ của thế giới sinh vật, thứ trước giờ nền văn minh nhân loại vẫn dựa dẫm vào.

Không ai muốn thấy thế giới sinh vật sụp đổ, chúng ta cũng không được phép để cho tai họa xảy đến. Nhưng nhân loại đang mắc phải quá nhiều sai lầm, chúng ta phải hành động như thế nào đây?

Công trình nghiên cứu của giới học giả trong lĩnh vực Khoa học hệ thống Trái Đất đã giải đáp câu hỏi trên. Câu trả lời thực ra rất đơn giản. Nó trước giờ vẫn nằm rành rành ngay trước mặt chúng ta.

Trái Đất có lẽ là một chiếc đĩa kín thứ thiệt, nhưng chúng ta không sống trên Trái Đất một mình. Loài người đã cùng sẻ chia hành tinh này với thế giới sinh vật, một hệ thống hỗ trợ sự sống phi thường không gì sánh bằng.

Trải qua hàng tỷ năm, thế giới sinh vật có khả năng làm mới và tái tạo nguồn thức ăn, hấp thụ và tái sử dụng chất thải, giảm nhẹ các tổn hại và duy trì sự cân bằng cho cả hành tinh.

Không phải ngẫu nhiên mà sự ổn định của Trái Đất bị chao đảo khi sự đa dạng sinh học bị suy giảm. Cả hai gắn bó mật thiết với nhau. Thành thử, để khôi phục sự ổn định của Trái Đất, chúng ta cần phải phục hồi sự đa dạng sinh học trên hành tinh, điều mà bấy lâu nay chúng ta bỏ bê. Đó là cách duy nhất giúp con người thoát khỏi cuộc khủng hoảng do chính mình đã gây ra. Chúng ta phải "tái hoang dã" thế giới.

David Attenborough / Sài Gòn Books và NXB Thế Giới

SÁCH HAY