Thị trường EdTech Việt Nam ước tính sẽ vượt 3 tỷ USD vào năm sau. Ảnh: Seekingalpha. |
Theo đó, Rootopia đã huy động được 1 triệu USD từ 3 quỹ đầu tư của Việt Nam là Genesia Ventures, ThinkZone Ventures và BK Fund. Đây được xem là một khoản đầu tư khá lớn đối với một startup mới chỉ ở vòng Pre-seed.
Rootopia là nền tảng công nghệ tài chính được xây dựng với mục đích hỗ trợ học viên, sinh viên có thể tiếp tục giấc mơ học tập, thông qua việc giải quyết những khó khăn trong vấn đề học phí và xa hơn nữa.
Rootopia được sáng lập bởi Nguyễn Xuân Trường và Trần Quang Khánh. Trường là nhân vật quen thuộc trong giới startup công nghệ với nhiều vị trí trải qua như CEO Ahamove, Giám đốc kinh doanh MoMo... Khánh cũng từng là nhà sáng lập và CTO của GEEK Up, đứng đằng sau sự phát triển ươm mầm các sản phẩm fintech của SSI, Shinhan Finance, TPBank, Funding Society...
Rootopia đã huy động thành công 1 triệu USD ngay vòng pre-seed. Ảnh: Rootopia. |
Dựa trên kết nối của nền tảng, các Nhà bảo trợ tài chính (Angel) có thể đầu tư vào các trường hợp cần vay đóng học phí một cách nhanh chóng và trực quan. Rootopia thực hiện chặt chẽ phần thẩm định để chắc chắn nguồn vốn được đầu tư đúng người, đúng mục đích và người vay có đủ khả năng trả nợ.
Điểm cốt lõi của Rootopia là tiền học phí sẽ được đóng trực tiếp cho tài khoản nhà trường, từ đó hạn chế nhiều các trường hợp sử dụng sai mục đích.
Qua hơn 1 năm hoạt động, nền tảng này đã giúp kết nối hỗ trợ tài chính cho học sinh - sinh viên tại hơn 100 trường học, trung tâm tại hơn 10 tỉnh thành được tiếp tục học tập. Trong đó có tới hơn 70% đại diện các gia đình được bảo trợ là các mẹ và các nữ sinh viên.
Thị trường giáo dục còn nhiều dư địa
Trong tháng 9/2022, Việt Nam cũng chứng kiến hai thương vụ rót vốn triệu USD vào các startup công nghệ trong giáo dục - EdTech.
Vuihoc nhận được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn ngày 8/9. Đây là startup tổ chức hơn 1.000 lớp học trực tuyến mỗi ngày, với những lớp livestream hoặc gia sư 1-1. Dẫn dắt đầu tư là BAce Capital - quỹ được hậu thuẫn bởi Ant Group, cùng ba quỹ khác gồm Vulpes Venture, DT&Investment & Colopl Next, và Nextrans.
Cùng ngày Vuihoc công bố, một Edtech nội địa khác là Edupia cũng công bố huy động thành công đến 14 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A. Đây là một trong những thương vụ ở vòng Seria A có số tiền gọi vốn kỷ lục tại Việt Nam. Dẫn dắt thương vụ là Jungle Ventures, cùng với eWTP Capital do Alibaba hậu thuẫn và ThinkZone Ventures.
Thị trường giáo dục vẫn còn rất nhiều dư địa. Ảnh: Edupia. |
Theo báo cáo của EdTech Agency công bố hồi tháng 7, thị trường EdTech Việt Nam ước tính sẽ vượt 3 tỷ USD vào năm sau, thuộc top 10 thị trường EdTech tăng trưởng lớn nhất thế giới.
Đầu tiên, dung lượng thị trường khá lớn, với khoảng 23 triệu học sinh. Người đi học và các gia đình có tỷ lệ sử dụng smartphone và Internet cao. Hai năm đại dịch với những thời gian phải học trực tuyến tại nhà khiến việc học online dần quen thuộc.
Bên cạnh đó, người Việt cũng rất sẵn lòng dành tiền cho con em học tập. Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu cho giáo dục, đào tạo của các hộ gia đình liên tục tăng thập niên gần đây, từ trung bình khoảng 4,1 triệu đồng mỗi người đi học mỗi năm vào 2012 lên gần 7,1 triệu đồng vào 2020. Một khảo sát khác của Nielsen cũng cho hay các gia đình Việt nam dành tới gần phân nửa (47%) thu nhập cho chi tiêu giáo dục.
Báo cáo của EdTech Agency cũng nhận định thị trường EdTech ở Việt Nam còn khá mới mẻ và non trẻ, sản phẩm cũng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu khách hàng, với hơn 80% đang tập trung vào mảng thị trường khối 12 và ngoại ngữ.
Đơn vị này dự báo thị trường Việt Nam trong thời gian tới sẽ có thêm những hướng phát triển như hoạt động số hóa trong quản lý giáo dục và dạy học, các phần mềm kết nối phụ huynh, cộng đồng và xã hội, sàn giao dịch EdTech...
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế