Theo Bloomberg, các quỹ tài chính nước ngoài đang kéo nhau rời khỏi thị trường chứng khoán Đông Nam Á. Giai đoạn từ tháng 4-6/2021, thị trường chứng khoán của 3 nước bao gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia đã thất thoát khoảng 2,7 tỷ USD dòng tiền cổ phiếu. Thay vào đó, các quỹ quyết định mua trái phiếu quốc gia do có lợi suất hấp dẫn.
Kể từ quý kết thúc vào tháng 9/2020, đây là đợt thất thoát dòng tiền cổ phiếu lớn nhất.
Sự hoành hành của biến thể delta khiến các quốc gia tại Đông Nam Á khó sớm mở cửa trở lại. Dữ liệu Bloomberg cho thấy chưa đến 10% dân số ở Indonesia, Philippines và Thái Lan được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Ở Malaysia con số này là 11%. Vẫn còn 600 triệu người trong khu vực chưa được tiếp cận với vaccine Covid-19.
“Nhiều nền kinh tế ASEAN vẫn đang đối phó với đại dịch và những đợt bùng phát gần đây kéo theo hàng loạt hạn chế mới, cản trở đà hồi phục như dự kiến. Chúng tôi không mong tình trạng này sẽ kéo dài, vấn đề này phụ thuộc vào sự phát triển của vaccine”, Ian Hui - chiến lược gia tại JPMorgan Asset Management – cho biết.
Việc chậm trễ tiêm vaccine Covid-19 khiến nhà đầu tư lo ngại thị trường bị ảnh hưởng. Ảnh: Samsul Said. |
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, là thị trường duy nhất trong khu vực đón nhận dòng tiền chứng khoán khổng lồ từ nhà đầu tư nước ngoài, khoảng 345 triệu USD vào quý II/2021. Tuy nhiên, các lệnh hạn chế giữa bối cảnh đại dịch trở lại có thể làm giảm tâm trạng mua vào của các nhà đầu tư.
Ngày 28/6, Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực, đã cấm tất cả dịch vụ ăn uống tại nhà hàng và phong tỏa nhiều khu dân cư công trường xây dựng ở Bangkok và các tỉnh lân cận trong một tháng. Tương tự, chính phủ Malaysia đã mở rộng lệnh cấm trên toàn quốc cũng như hạn chế một số nhu cầu đi lại tại thủ đô và tỉnh lân cận.
Chỉ số đánh giá vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư Thái Lan giảm nhẹ, trong khi Malaysia giảm 2,6% trong quý II, tụt lại mức tăng 2,2% trong chỉ số MSCI Asia Pacific Index. Bất chấp dòng tiền chảy ra từ các quỹ nước ngoài, chỉ số chứng khoán Philippines tăng 7,1%, phục hồi từ mức trượt 9,8% trong quý đầu tiên.
“Một số lo ngại về việc định giá cổ phiếu cao tại những nền kinh tế mở cửa trở lại và triển khai vaccine đã khiến thị trường lạc quan về thu nhập. Sự gia tăng số lượng ca bệnh Covid-19 sẽ làm giảm sự lạc quan đó, khiến nhiều nhà đầu tư chuyển từ cổ phiếu sang trái phiếu an toàn hơn”, Jirawat Supornpaibul - người đứng đầu bộ phận kinh doanh ngân hàng tư nhân tại Kasikornbank Pcl – cho biết.
Số liệu dòng vốn nước ngoài trong quý II:
- Thái Lan: Dòng vốn ròng 1,48 tỷ USD từ cổ phiếu. 2,4 tỷ USD chảy vào trái phiếu địa phương, đây là dòng tiền hàng quý lớn nhất trong hơn 2 năm.
- Philippines: Doanh số bán cổ phiếu ròng 597 triệu USD, đánh dấu đợt bán tháo hàng quý thứ 9.
- Malaysia: 598 triệu USD ròng chảy ra từ cổ phiếu, quý bán tháo thứ 13. 1,72 tỷ USD ròng mua trái phiếu.
Prashant Bhayani - Giám đốc đầu tư khu vực Châu Á tại BNP Paribas Wealth Management – tin rằng việc triển khai vaccine sẽ được mở rộng trong nửa sau của ASEAN. “Điều này sẽ cho phép các nền kinh tế dần mở cửa trở lại, cải thiện mức độ tăng trưởng”, ông nói.
Lợi suất hấp dẫn của trái phiếu sẽ tiếp tục thu hút các quỹ nước ngoài nửa cuối năm. Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Malaysia là 3,3% và của Philippines là 3,9%. Tại Mỹ, lợi tức trái phiếu tương đương là 1,5%.