Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các phương tiện Việt Nam huy động tìm máy bay mất tích

Việt Nam đã huy động phương tiện hùng hậu từ không quân, hải quân, hàng hải, cho đến tàu thuyền địa phương tham gia tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích từ 8/3.

Chiều 10/3, hai chiếc máy bay tuần thám CASA-212 của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (do Lữ đoàn Không quân 918 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý, sử dụng) đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sau hành trình từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên Bộ quốc phòng, Quân chủng điều động hai chiếc CASA vào phía Nam để hỗ trợ công tác tìm kiếm.
CASA là loại máy bay tuần thám hiện đại, có khả năng bay liên tục trên biển 5 giờ đồng hồ, có hệ thống chụp ảnh, ghi nhận tín hiệu các vật thể nổi hoặc chìm dưới đáy biển. Máy bay này còn được gọi là “Mắt thần biển Đông”. Chính "Mắt thần" CASA đã thu lại được một đốm trắng khác lạ trên vùng biển nghi máy bay Malaysia mất tích.

Thủy phi cơ DHC-6

Ngày 9/3, chiếc thủy phi cơ DHC-6 của Quân chủng Hải quân đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất để tham gia tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích. Trước đó, thủy phi cơ DHC-6 được điều từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đến sân bay Tân Sơn Nhất để tham gia tìm kiếm.
Lợi thế của thủy phi cơ là bay với tốc độ cao (khoảng 300km/h) và có thể bay sát mặt biển, khi cần, máy bay cũng có thể hạ cánh và cất cánh trên mặt biển để cứu nạn. Thủy phi cơ DHC-6 đã phát hiện một vật thể hình vuông màu trắng có lỗ tròn ở giữa nghi là cửa thoát hiểm của máy bay mất tích.

Máy bay AN-26

Máy bay AN-26 của Lữ đoàn 918 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm trên vùng biển quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang), điểm nghi ngờ máy bay Boeing 777 của Malaysia mất tích. AN-26 phát hiện trên vùng biển cách đảo Thổ Chu khoảng 20 hải lý về phía Nam có vệt màu vàng nghi là 2 vết dầu loang.
AN-26 dài 23,8m, cao 8,58m, sải cánh 29,2m, trọng lượng cất cánh tối đa 24 tấn có khả năng chở tối đa 40 hành khách hoặc 5,5 tấn hàng hóa trong khoang hàng. Máy bay trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt Progress AI-24VT cho phép đạt tốc độ 440km/h, tầm bay với nhiên liệu tối đa 2.500km hoặc chỉ 1.100km với tải trọng tối đa. Ngoài nhiệm vụ vận tải, khi cần thiết AN-26 còn làm nhiệm vụ hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, bay thông báo bão giúp ngư dân.

Mi-171

Trực thăng cứu hộ Mi-171 của Trung đoàn Không quân 917 (Sư đoàn 370) cũng được đưa vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn máy bay mất tích. Mi-171 được gắn thiết bị định vị vệ tinh để quét và thông báo các vật thể lạ trên biển. Đây là loại máy bay có tầm bay thấp hơn nên có thể dễ dàng quan sát vết dầu loang cũng như các nghi vấn khác trên biển.
Khi nghi có vết dầu loang trên biển của máy bay Boeing 777, Mi-171 đã tìm kiếm nhưng khi kiểm tra kỹ thì không phải.

HQ 888 Trần Đại Nghĩa

Tàu Hải quân HQ 888 Trần Đại Nghĩa, HQ 637, HQ 954 và KN-774 của Quân chủng Hải quân cũng được Việt Nam đưa vào tìm kiếm máy bay mang số hiệu MH370 mất tích. Tàu hải quân HQ 888 (tàu có hệ thống thiết bị đo sâu hồi âm đa tia, các thiết bị khảo sát hải dương như đo dòng chảy, độ mặn, nhiệt độ nước biển, vận tốc truyền âm trong nước...) đã có mặt tại vị trí mà Cơ quan không lưu Hong Kong thông báo phát hiện mảnh kim loại lớn ở ngoài biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, cùng với đội thợ lặn, tàu HQ-888 của Đoàn Đo đạc Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển không phát hiện dấu vết nghi vấn liên quan đến máy bay Boeing 777 mất tích. Trong khi đó, tàu HQ 637 xác định vật màu vàng nghi là máng trượt của máy bay chính là nắp cuộn cáp đã đóng rêu.
HQ 888 do hãng Damen Hà Lan thiết kế, đóng tại nhà máy Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Tàu có lượng giãn nước 1.550 tấn, dài 66,3m, có thể hoạt động liên tục 60 ngày đêm trên biển, khả năng chịu sóng gió cấp 12 trên biển.

Tàu cảnh sát biển

Cảnh sát biển Việt Nam đã điều CSB 2001 và CSB 2003 tàu tìm kiếm, cứu nạn máy bay Malaysia bị mất tích. Tàu CSB được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn và các thiết bị vật tư y tế hiện đại… và có thể sử dụng camera quan sát đêm trên vùng biển trong phạm vi hơn 130km.

Tàu SAR 413

Trong quá trình điều hành cuộc tìm kiếm, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ định tàu cứu hộ SAR 413 trở thành Trung tâm chỉ huy, bốt chỉ huy và chốt thường trực tại khu vực nghi vấn.
Tàu SAR 413 có chiều dài 42,8m, chiều rộng 7,11m, chiều cao mớn nước cơ bản 2,52m, tổng công suất 4640 kW, tốc độ 26 hải lý/giờ, có khả năng tiếp nhận 19 người bị nạn.

Tùy Phong (Tổng hợp)

Ảnh: Hoàng Hà - Đình Đình - Trường Nguyên.

Bạn có thể quan tâm