Công tác tìm kiếm mang tính nhân đạo
Lúc 17h ngày 13/3, tại Sở chỉ huy tiền phương đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc đã diễn ra cuộc họp giữa đại diện Sở chỉ huy và báo chí.
Ông Đoàn Hữu Gia - Phó tổng giám đốc công ty quản lý bay Việt Nam - đại diện Sở chỉ huy thông báo cho truyền thông: "Hiện tại, công tác tìm kiếm cứu hộ mặc dù rất quyết tâm nhưng vẫn chưa có thông tin gì mới về số phận chiếc máy bay mất tích".
Trả lời các PV về chi phí những ngày tìm kiếm vừa qua, ông Gia thông tin: “Các đơn vị, ngành chức năng và các nước khi thực hiện việc tìm kiếm thì tất nhiên phải tính chi phí. Nhưng đây là việc vừa là nhân đạo, vừa là nghĩa vụ nên chi phí của việc tìm kiếm thì các bạn hoàn toàn có thể tính toán được".Ông Gia cũng cho biết thêm, ngày hôm nay, Việt Nam đã sử dụng 2 chiếc AN26, 1 trực thăng MI 171, 2 chiếc CASA cùng 7 tàu của lực lượng Hải quân tìm kiếm cứu hộ. Bên cạnh đó, Malaysia và Singapore sử dụng 2 chiếc máy bay C130, Trung Quốc 1 máy bay TU150.
Không xác minh được vật thể lạ
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm chỉ huy Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, vào 14h ngày 13/3, Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ đã chỉ trì cuộc họp với Bộ Quốc phòng, nghe báo cáo về thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra nghi ngờ các mảnh vỡ trên biển Đông là của máy bay Boeing 777 mất tích.
Đại diện Trung tâm chỉ huy Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia cho biết, sau khi nhận được thông tin, Việt Nam đã điều động máy bay AN 26 và CASA ra xác minh. Tại tọa độ mà phía Trung Quốc cung cấp, các máy bay của Việt Nam không xác minh được vật thể lạ nào. Đồng thời, phía Malaysia cũng điện thoại trực tiếp khẳng định các máy bay, tàu của quốc gia này cũng không phát hiện được điều gì bất thường tại vị trí Trung Quốc thông báo.
Ngày hôm nay (13/3), Việt Nam đã sử dụng 5 máy bay, 7 tàu tìm kiếm ở các vị trí đã công bố, bên cạnh đó có 3 máy bay và 3 tàu của các nước tham gia tìm kiếm.
“Ngày mai (14/3), Việt Nam vẫn duy trì tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích với 3 máy bay, 7 tàu ở khu vực DK1”, đại diện Trung tâm chỉ huy Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia thông báo.
Đại diện Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia thông báo kế hoạch tìm kiếm máy bay mất tích ngày 13/3. |
Trước đó, Trung Quốc đã công bố 3 hình ảnh vệ tinh chụp những vật thể nghi là mảnh vỡ của máy bay Boeing 777-200.
Tọa độ trên bản đồ của các vật thể này nằm ở phía đông Malaysia và ngoài khơi mũi phía nam của Việt Nam. Vị trí này gần với khu vực tìm kiếm ban đầu của các đội tìm kiếm cứu nạn.
Chiều 13/3, theo Giao thông vận tải, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vị trí vệ tinh Trung Quốc tìm thấy vật thể nghi của máy bay là kinh tuyến 106, trong phạm vi không lưu Singapore, máy bay của Singapore đang tìm kiếm khu vực này.
Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng đã điều máy bay CASA ra vị trí trên, song đến thời điểm này chưa phát hiện được vật nghi vấn nào. Ngoài ra, tàu HQ637 cũng đang trên đường ra vị trí này để tìm kiếm.
Không tìm thấy dấu hiệu máy bay rơi ở U Minh
Hôm nay, Việt Nam vẫn tìm kiếm theo kế hoạch với 4 máy bay, trong đó 1 CASA, 2 máy bay AN26 và 1 Mi-171.
11h15 phút trưa nay 13/3, theo Tuổi Trẻ, chiếc Mi 171 số hiệu 04 của trung đoàn 917, sư đoàn không quân 370 đã hạ cánh xuống sân bay Cà Mau, sau hành trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia.
“Tôi xác nhận toàn bộ khu vực rừng quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau) không có dấu hiệu máy bay rơi”, cơ trưởng, thượng tá Ngô Vi Sơn nói với nhóm phóng viên đang chờ ở sân bay.
“Chuyến bay kéo dài trong khoảng 2,5 giờ. Người dân ở tương đối gần, rừng sâu lắm, cây nhiều nên có lúc chúng tôi hạ độ cao xuống còn khoảng 100-200 mét để quan sát thật kỹ nhưng không tìm thấy dấu hiệu bất thường ”, thượng tá Sơn nói thêm.
Malaysia đã có thư trả lời Cục hàng không Việt Nam
Thông tin từ Sở chỉ huy Trung tâm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết, hôm nay, Malaysia đã có thư trả lời đề nghị của Việt Nam về việc cung cấp thông tin liên quan đến máy bay Malaysia đã 2 lần thông báo kỹ thuật chuyến bay về cơ quan không lưu nước này trước khi mất tích.
Trong thư, phía Malaysia cảm ơn những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm, đồng thời xin lỗi đã trả lời thư muộn.
Cơ quan hàng không của Malaysia giải thích nước này đang trong quá trình điều tra, khi nào công khai mới cung cấp thông tin trên, tránh gây nhiễu loạn cho báo chí và thân nhân hành khách trên chuyến bay.