Ba bộ phận trong thiết bị OBU mới dùng cho ô tô để phục vụ thu phí qua vệ tinh tại Singapore. |
Đức là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ thu phí này. Ngay từ khi có ý tưởng thu phí đường bộ, Đức đã chọn luôn công nghệ thu phí qua vệ tinh.
Ý tưởng thu phí xuất phát từ năm 1990 khi chính quyền liên bang Đức mong muốn giảm tắc nghẽn trên cao tốc, hạn chế hư hại đường bộ. Họ tập trung vào các phương tiện hạng nặng trên 12 tấn, kể cả với xe tải nước ngoài.
Từ tháng 2/1994, Đức, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Đan Mạch đã ký một thỏa thuận để đưa ra một mức phí chung dựa trên thời gian sử dụng đường.
Song tới năm 1999, Bộ Giao thông Đức quyết định thay thế bằng hệ thống thu phí dựa trên quãng đường xe đi và mở thầu để tìm đơn vị có thể thiết kế, thực hiện, quản lý hệ thống này.
Phải tới năm 2002, Đức mới chọn được nhà thầu là một nhóm các doanh nghiệp Daimler Chrysler Services AG (nay là Daimler Financial Services AG), Deutsche Telekom AG, Cofiroute S.A. tạo ra hệ thống gọi là Toll Collect và mất thêm 3 năm để đưa hệ thống này đi vào hoạt động.
Theo đó, xe tải lưu thông trên đường cao tốc liên bang Đức phải có thiết bị đầu đọc (OBU) chứa dữ liệu định danh xe tải và một thiết bị định vị để ghi lại vị trí, quãng đường phương tiện đi qua. OBU sẽ định kỳ tải dữ liệu về vị trí (có gắn mốc thời gian) từ vệ tinh và ghi lại chuyển động của xe tải.
Những dữ liệu này sẽ được xác nhận chéo với dữ liệu từ các bộ cảm biến gắn trên phương tiện. Hệ thống này sẽ tự động bật khi phương tiện khởi động. Tiền phí sẽ được trừ ngay khi phương tiện chuyển từ đường thu phí sang đường bình thường và có thể thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc tín dụng…
Kết quả, hệ thống thu phí sử dụng vệ tinh giúp tiết kiệm thời gian, giảm bớt giấy tờ và linh hoạt với người dùng.
Đức đạt doanh thu thu phí tới 35 tỉ euro, tiết kiệm chi phí vận hành bằng thu phí qua vệ tinh. |
Hiện nay, hệ thống thu phí này được áp dụng trên một trong những hệ thống đường thu phí lớn nhất châu Âu (bao phủ trên 12.500km đường cao tốc cùng với 1 số tuyến đường liên bang của Đức), áp dụng với xe tải trên 3,5 tấn.
Trong 2 năm đầu tiên áp dụng (2005-2006), hệ thống thu phí qua vệ tinh tại Đức đã mang về doanh thu 5,943 tỷ euro và tăng lên đến 35 tỷ euro vào năm 2014. Trong khi đó, tổng chi phí vận hành của hệ thống chỉ tương đương khoảng 10% doanh thu. Doanh thu từ hệ thống này được Đức sử dụng cho bảo trì hệ thống đường cao tốc, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người tham gia giao thông.
Ngoài Singapore, Ấn Độ đang ở giai đoạn thử nghiệm và có kế hoạch thay thế hơn 700 trạm thu phí trên quốc lộ bằng một hệ thống thu phí dựa trên vệ tinh, khi đó sẽ trở thành hệ thống thu phí điện tử dựa trên vệ tinh lớn nhất thế giới, bao phủ hơn 130.000 km.Còn Indonesia đang xây dựng hệ thống thu phí qua vệ tinh trên toàn bộ đường thu phí. Năm 2021, quốc đảo này đã trao thầu cho công ty Roatex (Hungary) để xây dựng và vận hành hệ thống thu phí dựa trên vệ tinh và dự kiến trong năm 2023, Indonesia sẽ áp dụng thu phí trên toàn bộ 1.700km đường, dỡ bỏ tất cả trạm thu phí.
Ngoài Đức, còn có các quốc gia châu Âu khác cũng áp dụng như Slovakia, Hungary, Bỉ, Nga, Cộng hòa Séc và Bulgaria…
Tại châu Á, Singapore - quốc gia đi đầu về thu phí đường bộ điện tử (cả trong nội đô và trên cao tốc) bằng công nghệ DSRC (truyền thông tầm gần chuyên dụng) cũng đã và đang chuyển sang thu phí bằng công nghệ dựa trên định vị vệ tinh.
Singapore đã có kế hoạch xây dựng một hệ thống thu phí dựa vào vệ tinh có thể tính phí dựa vào quãng đường di chuyển của phương tiện từ ngay khi hệ thống hiện tại đi vào hoạt động năm 1998.
Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, năm 2016, Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore (LTA) đã giao thầu cho công ty liên doanh NCS and MHI Engine System xây dựng với hợp đồng trị giá 556 triệu USD. Quá trình triển khai bị chậm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19và đã phải lùi tới tận nửa cuối năm 2023.
Theo đó, quốc đảo sư tử sẽ thay thế bộ OBU hiện tại bằng bộ OBU mới với 2 phiên bản: 1 loại với 1 thiết bị duy nhất dùng cho xe máy và loại có 3 thành phần dùng cho ô tô (gồm phần ăng-ten, màn hình cảm ứng, bộ xử lý).
Việc thay đổi này sẽ là bắt buộc đối với tất cả các phương tiện đăng ký tại Singapore. Cách thức tính phí vẫn giữ nguyên là tính theo khu vực, những điểm bắt đầu tính phí đường bộ sẽ có giá long môn nhỏ, mỏng hơn.
Giới chức Singapore cho rằng, hệ thống cũ (hơn 23 năm tuổi) cũng đến lúc “về hưu”. Với công nghệ mới, hệ thống thu phí đường bộ qua vệ tinh tại Singapore dự kiến có thêm nhiều tính năng hơn so với loại cũ.
Bên cạnh cung cấp thông tin về vị trí bị tính phí, mức phí, OBU sẽ cung cấp thêm tình hình giao thông theo thời gian thực cũng như vị trí gần khu vực trường học yêu cầu phương tiện phải giảm tốc độ.
Người tham gia giao thông sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán tương tự như cách thức thu phí cũ như qua thẻ giao thông (ez-link card), thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng…
Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore (LTA) khẳng định quyền riêng tư của người tham gia giao thông sẽ luôn được đảm bảo.
LTA sẽ chỉ sử dụng dữ liệu ẩn danh hoặc tổng hợp cho mục đích quản lý giao thông, lên kế hoạch giao thông. Còn các thông tin riêng của từng phương tiện chỉ được sử dụng cho mục đích thanh toán, tính phí và thực thi pháp luật nếu chủ phương tiện không thanh toán phí.
Nghiên cứu xây dựng đề án triển khai ở Việt Nam
Tại buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam về công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành đường bộ mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao đơn vị này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng.
Việc làm này mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thu phí giao thông, nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cần tiến thêm bước nữa: “Chúng ta đang đầu tư khối lượng lớn đường cao tốc. Việc đầu tư hệ thống trạm thu phí không dừng gây tốn kém. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã có công nghệ mới, họ không cần xây dựng trạm, không có barie. Họ sử dụng hai công nghệ thu phí GPS và qua vệ tinh”.
Theo Bộ trưởng, thu phí qua vệ tinh và qua GPS sẽ giúp thu phí vào nội đô tại các đô thị lớn dễ dàng hơn. Đây là giải pháp được nhiều quốc gia như Singapore và một số nước châu Âu áp dụng để hạn chế phương tiện vào nội đô. Khi không có barie thì giải pháp thu phí nội đô mới khả thi, tránh được ùn tắc giao thông.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ VN phải triển khai nghiên cứu xây dựng đề án ngay để thu phí bằng các công nghệ này, phục vụ cho thu phí cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến cao tốc khác.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.