AP ngày 27/1 dẫn lời Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài ở Hà Lan, liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, sẽ giải quyết tranh cãi liệu một nước có quyền tuyên bố phạm vi lãnh hải vì các bãi đá nhân tạo hay không.
Ngoại trưởng Bishop cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài đối với vụ kiện của Philippines sẽ "cực kỳ quan trọng" và được coi như tuyên bố về nguyên tắc quốc tế.
Bà Bishop nhận định phán quyết của Tòa Trọng tài, dự kiến được đưa ra trong năm nay, "sẽ được tất cả các nước khác có tuyên bố chủ quyền hoặc lợi ích trong khu vực chấp nhận và tôn trọng."
Australia không nằm trong số các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song bà Bishop khẳng định Australia có cùng quan điểm với Mỹ trong việc ủng hộ tự do hàng hải và các chuyến bay qua khu vực này.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Philippines và Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: Wikipedia |
Trong thông báo ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài tuyên bố sẽ mở phiên xử tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc do cả hai nước đều ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo Tòa Trọng tài, họ có quyền tài phán đối với 7/15 vấn đề Philippines đưa ra, theo đó Manila yêu cầu tòa coi đường 9 đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS.
Tòa Trọng tài bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của họ và tòa án nên tổ chức thêm các phiên điều trần để xem xét giá trị đơn kiện mà Philippines trình lên tòa.
Philippines khởi kiện Trung Quốc ra toà quốc tế từ tháng 1/2013. Quyết định của Tòa Trọng tài có thể coi là thắng lợi quan trọng cho các nước trong khu vực đang lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.