Việc cho vay của Trung Quốc đối với các quốc gia khác, thường bị che giấu trong bí mật, được cho là cao hơn số tiền được theo dõi chính thức và dẫn đến nhiều khoản nợ được giấu kín. Các chuyên gia cảnh báo vấn đề nợ gia tăng này có thể dẫn đến suy giảm kinh tế và nhiều vấn đề khác.
Theo Giáo sư Carmen Reinhart tại trường Hành chính Kennedy thuộc Đại học Havard, sự thiếu minh bạch cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đang xem xét trái phiếu do các quốc gia đó phát hành hoặc các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang giúp đỡ các quốc gia đó trả nợ.
Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Nomura ở Singapore vào cuối tháng trước, bà nói: "Sự nổi lên của Trung Quốc như một chủ nợ toàn cầu cũng có nghĩa là có rất nhiều khoản nợ ẩn. Đó là các quốc gia đã vay từ Trung Quốc nhưng khoản vay này không được IMF và Ngân hàng Thế giới báo cáo".
"Vì vậy, người ta có xu hướng nghĩ rằng các quốc gia này có mức nợ thấp hơn so với thực tế", bà kết luận.
Đánh giá thấp rủi ro
Theo bà, điều đó sẽ cản trở IMF hoặc Ngân hàng Thế giới thực hiện công việc phân tích tính bền vững của nợ. Nỗ lực đó bao gồm phân tích gánh nặng nợ nần của các quốc gia và đưa ra các khuyến nghị cho chiến lược vay mượn nhằm hạn chế rủi ro của tình trạng nợ nần.
"Điều này có nghĩa là nếu IMF đang thực hiện tính bền vững nợ, chẳng hạn cho Pakistan, trừ khi họ biết Pakistan nợ Trung Quốc bao nhiêu, họ đang thực hiện công việc khi bị che mắt", Reinhart nói.
Đối với các nhà đầu tư, thông tin hạn chế gây trở ngại cho họ trong việc đưa ra quyết định đầu tư về trái phiếu do các quốc gia đó phát hành nếu họ không biết rõ số tiền thực sự nợ Trung Quốc là bao nhiêu. Điều đó có thể khiến họ đánh giá thấp rủi ro cho vay tiền đối với các quốc gia đó thông qua trái phiếu.
Reinhart nói với hội nghị rằng, kể từ năm 2011, các quốc gia đã có nhiều khoản vay như vậy từ các chủ nợ Trung Quốc cần được cơ cấu lại hoặc đàm phán lại. Các nước này bao gồm Sri Lanka, Ukraine, Venezuela, Ecuador, Bangladesh và Cuba.
Cần cẩu tại công trường xây dựng của một công ty Trung Quốc ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Getty. |
Bà ước tính thống kê nợ chính thức được theo dõi bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới chỉ ghi nhận được khoảng một nửa các khoản vay của Trung Quốc cho các nước khác.
Hơn nữa, Trung Quốc không phải là thành viên của Câu lạc bộ Paris, tổ chức cũng theo dõi hoạt động cho vay chính thức, và "không quan tâm" đến việc tham gia. Câu lạc bộ Paris là một nhóm các quốc gia chủ nợ nhằm khắc phục các vấn đề nợ của các quốc gia khác.
Theo báo cáo, các khoản vay cho các quốc gia được giữ bí mật và Trung Quốc thường yêu cầu tài sản của khu vực công làm tài sản thế chấp.
Theo một bài phát biểu năm ngoái của David Malpass, chủ tịch hiện tại của Ngân hàng Thế giới, người lúc đó là thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề quốc tế, một ví dụ về các khoản nợ bất minh này là cách các khoản vay của Trung Quốc cho Venezuela được tính bằng các thùng dầu.
"Việc này có tác dụng che giấu khoản thanh toán chính xác mà Trung Quốc trao cho các quan chức Venezuela và người Venezuela phải trả cho Trung Quốc trong tương lai", ông nói.
Kéo giảm tăng trưởng kinh tế
Theo Kaho Yu, nhà phân tích cấp cao châu Á tại Verisk Maplecroft, tình trạng nợ được báo cáo dưới mức có thể kéo giảm tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển vì không có gì đảm bảo chi phí cho các khoản vay sẽ được chi trả bởi các dự án dài hạn khi chúng đi vào hoạt động.
Trung Quốc bị chỉ trích vì làm cho nhiều quốc gia mắc nợ thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ để xây dựng đường sắt, đường bộ, đường biển và các tuyến đường khác kéo dài từ Trung Quốc đến Trung Á, châu Phi và châu Âu.
Trong cuộc nói chuyện tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai ở Bắc Kinh hồi đầu tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương cho biết các tổ chức tài chính nước này đã cung cấp hơn 440 tỷ USD tài trợ cho các dự án Vành đai và Con đường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn một con đường mới tại Diễn đàn Vành đai và Con đường. Ảnh: Getty. |
Yu cảnh báo rằng sự thiếu minh bạch xung quanh các khoản vay có nghĩa là cũng có sự không chắc chắn xung quanh mức độ bền vững của các dự án.
Một ví dụ điển hình là Sri Lanka, nơi đã bàn giao một cảng chiến lược cho Bắc Kinh vào năm 2017 sau khi không thể trả hết nợ cho các công ty Trung Quốc.
Nó được coi là một ví dụ về cách các quốc gia nợ tiền Bắc Kinh có thể bị buộc phải bàn giao lãnh thổ quốc gia hoặc nhượng bộ nếu không thể đáp ứng các khoản nợ, một hiện tượng được gọi là ngoại giao bẫy nợ. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận việc nước này đang sử dụng một chiến lược như vậy.
Theo CNBC, với rủi ro ngày càng tăng, cho dù liên quan đến nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc hay dự án Vành đai và Con đường, các khoản vay của Trung Quốc cho các nước khác có thể chậm lại trong tương lai.
Tom Rafferty, nhà kinh tế chính của Trung Quốc tại Đơn vị Tình báo Kinh tế, đã chỉ ra nhiều rủi ro phía trước và cho biết triển vọng cho vay của Trung Quốc trong tương lai sẽ bị "hạn chế".
"Cho vay của Trung Quốc ở nước ngoài chậm lại khá nhiều vào năm 2018 khi ác cảm rủi ro gia tăng và những hạn chế bắt đầu xuất hiện đối với nguồn tiền bằng USD", ông nói với CNBC.
Rafferty giải thích rằng thặng dư tài khoản vãng lai lớn theo truyền thống của Trung Quốc đã tạo ra dự trữ ngoại hối, được tính bằng USD, được sử dụng để cho vay ở nước ngoài, đặc biệt là các nước tham gia vào các dự án Vành đai và Con đường.