Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hong Kong chuẩn bị đình công, đóng cửa tiệm để phản đối luật dẫn độ

Hong Kong đang chuẩn bị cho nhiều cuộc biểu tình rầm rộ hơn để phản đối dự luật dẫn độ, hai ngày sau khi hàng trăm nghìn người xuống đường trong cuộc tuần hành lịch sử.

Reuters đưa tin người Hong Kong đang chuẩn bị cho nhiều cuộc biểu tình, bao gồm các cuộc đình công, cản trở giao thông và thậm chí dã ngoại, để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa người tới Trung Quốc xét xử, ngay cả khi lãnh đạo thành phố tuyên bố thúc đẩy dự luật vào ngày 11/6.

Theo Reuters, sự kiên quyết của lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ, đã nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc tại trung tâm tài chính châu Á.

Trong động thái hiếm hoi, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn cũng phản đối chính quyền. Họ cảnh báo rằng việc thông qua luật dẫn độ có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư vào Hong Kong và làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của thành phố.

Sự chống đối bất thường

Dự luật dẫn độ đã tạo ra sự chống đối bất thường trong và ngoài nước, khiến thành phố rơi vào khủng hoảng chính trị. Dự luật sẽ được đưa ra vòng tranh luận thứ hai vào ngày 12/6 tại Hội đồng Lập pháp gồm 70 ghế của thành phố. Cơ quan lập pháp được kiểm soát bởi đa số thân Bắc Kinh.

Cảnh sát chống bạo động đã bao vây tòa nhà Hội đồng Lập pháp vào sáng 10/6 và đáp trả nhóm biểu tình hàng trăm người sau cuộc tuần hành ôn hòa qua khu tài chính thành phố vào ngày 9/6.

Bà Lâm cảnh báo chống lại bất kỳ hành động tương tự nào.

"Tôi kêu gọi các trường học, phụ huynh, tổ chức, tập đoàn, đoàn thể xem xét nghiêm túc nếu họ ủng hộ những hành động cực đoan này", đặc khu trưởng Hong Kong nói tại cuộc họp báo.

bieu tinh o Hong Kong anh 1
Trưởng đặc khu Hong Kong trong cuộc họp báo sau ngày biểu tình lịch sử ở Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Một kiến nghị trực tuyến đã kêu gọi 50.000 người bao vây tòa nhà Hội đồng Lập pháp vào lúc 22h ngày 11/6 và duy trì đến ngày 12/6, khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra cùng lời kêu gọi bà Lâm từ chức.

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến, gần 2.000 cửa hàng bán lẻ, bao gồm nhà hàng, tạp hóa, cửa hàng sách và cà phê, đã công bố kế hoạch đình công, động thái hiếm hoi trong nền kinh tế tư bản của Hong Kong.

Một số trường học, khách sạn nhỏ, công ty luật, nhân viên phúc lợi xã hội và gần 4.000 giáo viên cũng cho biết họ sẽ đình công và biểu tình vào ngày 12/6.

Hội sinh viên của một số tổ chức giáo dục đại học và Liên hiệp Giáo viên Chuyên nghiệp Hong Kong kêu gọi mọi người đình công vào ngày 12/6.

"Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ quê hương của mình, điều đó là sai hay sao? Tôi kêu gọi tất cả người dân và sinh viên Hong Kong đình công vào ngày mai để nói với họ rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận luật lệ xấu xa này", một sinh viên nói.

Giáo phận Công giáo Hong Kong kêu gọi chính phủ không thông qua dự luật "vội vàng" kêu gọi tất cả tín đồ cầu nguyện cho thuộc địa cũ của Anh.

Một liên minh nhân viên trực thuộc nhóm lao động dân chủ thuộc Công ty Xe buýt Thế giới Mới kêu gọi các thành viên của mình lái xe với tốc độ 20-25 km/h để thể hiện sự phản đối của họ đối với dự luật.

Một bài đăng trên Facebook kêu gọi mọi người tận hưởng buổi dã ngoại bên cạnh các văn phòng chính phủ vào sáng 12/6, mô tả khu vực này là một trong những địa điểm dã ngoại tốt nhất. Bài đăng đã thu hút gần 10.000 phản hồi từ những người hứa sẽ tham dự.

Sai lầm sẽ phải trả giá đắt

Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997 theo quy ước "một quốc gia, hai chế độ", đảm bảo rằng quyền tự chủ và tự do của thành phố, bao gồm hệ thống tư pháp độc lập, sẽ được bảo vệ.

Tuy nhiên, nhiều người cáo buộc Trung Quốc can thiệp sâu rộng, phủ nhận cải cách dân chủ và siết chặt các quyền tự do, can thiệp vào cuộc bầu cử địa phương và liên quan tới sự mất tích của 5 người làm sách tại Hong Kong, bắt đầu từ năm 2015, những người xuất bản các cuốn sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Các doanh nhân nổi tiếng kêu gọi chính phủ hành động thận trọng để bảo vệ tính cạnh tranh của Hong Kong.

"Tính toàn vẹn và độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong là trọng tâm trong tương lai của Hong Kong. Bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng có thể rất tốn kém, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu và làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của Hong Kong", Fred Hu, người sáng lập và Chủ tịch của công ty cổ phần tư nhân Primavera Capital có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết.

bieu tinh o Hong Kong anh 2
Cảnh sát tuần tra bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp trước phiên điều trần ngày mai về dự luật dẫn độ ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 11/6. Ảnh: Reuters.

Trong một bài đăng trên trang Facebook của bà Lam, nhà đầu tư David Webb kêu gọi bà gửi dự luật tới Ủy ban Cải cách Luật để nghiên cứu thêm.

Ông cho rằng nếu gây áp lực để thông qua dự luật, chính quyền sẽ phải trả giá đắt và gây thiệt hại cho uy tín quốc tế của Hong Kong về thủ tục tố tụng khi cải cách luật.

Hôm 10/6, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết "sự xói mòn liên tục cơ chế 'một quốc gia, hai chế độ' gây rủi ro cho tình trạng đặc biệt được thiết lập lâu nay của Hong Kong trong các vấn đề quốc tế".

Đạo luật năm 1992 của Mỹ công nhận tình trạng đặc biệt của Hong Kong và cho phép Mỹ giao ước với thành phố với tư cách thực thể không có chủ quyền và tách biệt với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và kinh tế. Các lĩnh vực đối xử đặc biệt bao gồm thị thực, hành pháp, bao gồm dẫn độ và đầu tư.

Vị thế đặc biệt của Hong Kong lung lay vì dự luật dẫn độ

Dự luật dẫn độ, nguyên nhân của cuộc biểu tình lịch sử ở Hong Kong hôm 9/6, có thể tổn hại đến môi trường kinh doanh và làm suy giảm vị thế đặc biệt của đặc khu hành chính này.

Biểu tình lịch sử ở Hong Kong và nỗi sợ tự do bị xói mòn

Cuộc biểu tình lớn kỷ lục ở Hong Kong phản chiếu nỗi sợ hãi và giận dữ của người dân đặc khu hành chính này trước sự xói mòn các quyền tự do dân sự vốn có của họ.



Tuyết Mai

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm