Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao dự luật dẫn độ sang đại lục gây phẫn nộ dữ dội ở Hong Kong?

Hong Kong chứng kiến cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong hàng thập kỷ khi hơn 1 triệu người xuống đường phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.

Biểu tình lớn nhất thập kỷ biến thành bạo lực ở Hong Kong Sau một ngày biểu tình tương đối ôn hòa nhằm phản đối dự luật dẫn độ, cuộc đụng độ đã xảy ra trước cơ quan lập pháp của Hong Kong vào cuối ngày 9/6.

Những người ra đường tuần hành muốn gửi thông điệp đến các lãnh đạo đặc khu thân Bắc Kinh, trong đó có trưởng đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), yêu cầu loại bỏ dự luật này, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy chính quyền sẽ nhượng bộ. 

Dự luật sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận lần tiếp theo vào ngày 12/6 ở tòa nhà Legco (Legislative Complex - nơi đặt trụ sở cơ quan lập pháp và hành chính Hong Kong). Một nhóm nhỏ những người biểu tình đã đụng độ cảnh sát khi tìm cách chiếm tòa nhà này vào tối ngày 9/6.

Tai sao du luat dan do sang Trung Quoc anh 1
Các nhà tổ chức ước tính hơn 1 triệu người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Ảnh: Zuma Press.

Đơn giản hóa thủ tục dẫn độ sang đại lục

Chính quyền Hong Kong đang thúc đẩy để dự luật được cơ quan lập pháp thông qua, trong đó cho phép dẫn độ đến bất cứ khu vực tài phán nào mà đặc khu chưa ký kết hiệp ước dẫn độ - bao gồm cả Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Macau.

Dự luật bắt đầu được cân nhắc sau khi một người đàn ông Hong Kong 19 tuổi bị cáo buộc giết chết bạn gái 20 tuổi đang mang bầu của mình trong một kỳ nghỉ ở Đài Loan hồi tháng 2 năm ngoái. Nghi phạm trở lại Hong Kong và mặc dù đã thú tội với cảnh sát đặc khu nhưng không thể đưa ra xét xử ở Đài Loan do hai bên chưa có hiệp ước dẫn độ.

Những người ủng hộ dự luật cho rằng đây là điều cần thiết để khỏa lấp những kẽ hở luật pháp giúp Hong Kong trở thành nơi ẩn náu của nhiều tội phạm đến từ đại lục. Trưởng đặc khu, bà Lâm, cho rằng các biện pháp đã được áp dụng để bảo vệ quyền tự do biểu đạt của thành phố và đảm bảo các trường hợp chính trị sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật dẫn độ.

Bà Lâm cũng lập luận dự luật này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và chỉ những tội phạm nghiêm trọng với bản án trên 7 năm tù giam mới có nguy cơ bị dẫn độ.

Tai sao du luat dan do sang Trung Quoc anh 2
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam, trả lời các phóng viên sáng ngày 10/6 cho biết sẽ không hoãn hoặc hủy bỏ việc đưa dự luật ra cơ quan lập pháp. Ảnh: AFP.

"Dự luật này không được đề xuất bởi chính quyền nhân dân trung ương (Bắc Kinh)", bà Lâm tuyên bố trước các phóng viên hôm 10/6 và khẳng định sẽ tiếp tục đưa dự luật ra cơ quan lập pháp.

Tại sao người Hong Kong phản đối?

Những phản đối chủ yếu xoay quanh sự sợ hãi với nguy cơ bị xét xử bởi một tòa án ở Trung Quốc, nơi mà theo người dân Hong Kong, những phiên tòa có thể mang tính chính trị và hệ thống tư pháp thì không rõ ràng. Nếu dự luật được thông qua, 7,3 triệu cư dân Hong Kong sẽ đối mặt với nguy cơ đó, bên cạnh bất cứ tội phạm quốc tế nào bị bắt ở sân bay.

Rất nhiều thành phần trong xã hội Hong Kong đã lên tiếng phản đối dự luật trên, từ luật sư, doanh nhân, các quan chức thương mại, nhà báo, nhà hoạt động và các đại sứ phương Tây đang làm việc ở đặc khu.

Và đến ngày chủ nhật vừa qua, theo con số của các nhà tổ chức, hơn 1 triệu người đã ra đường để phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Nếu những con số này đúng, cứ 7 người Hong Kong thì có 1 người ra đường để tham gia biểu tình. Cảnh sát Hong Kong đưa ra con số thấp hơn nhiều là 240.000 người.

Những nhà lãnh đạo đặc khu đang ngày càng bị coi là chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh, và có rất ít sự tin tưởng vào những lời bảo đảm của họ về việc dự luật sẽ không ảnh hưởng tới độc lập tư pháp của thành phố, hoặc các quyền tự do rộng lớn hơn ở đây.

Jimmy Sham, người tổ chức đứng sau các cuộc biểu tình hôm chủ nhật, chia sẻ rằng những người trẻ tuổi cảm thấy "bất lực" khi đối mặt với một chính quyền như Bắc Kinh. 

Hơn nữa, dưới thỏa thuận trao trả vào năm 1997 với Anh, Trung Quốc chấp nhận cho Hong Kong thời gian 50 năm để tiếp tục sở hữu các giá trị tự do quan trọng trước đó như tự do ngôn luận và tính độc lập tư pháp.

Ở bên ngoài Hong Kong, dự luật nhận được sự ủng hộ công khai của các quan chức cấp cao và truyền thông nhà nước Trung Quốc. Một nhóm ủng hộ dự luật đã thu thập được 800.000 chữ ký. Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp tại Hong Kong cũng cho biết họ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này.

Nhưng những sự ủng hộ đó không thể ngăn cản người dân đổ ra đường với số lượng lớn kỷ lục trong ngày chủ nhật, cho thấy dự luật vẫn không có được sự ủng hộ của số đông quần chúng.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Những căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi trưởng đặc khu, bà Carrie Lam, từ chối trì hoãn hoặc hủy bỏ dự luật dẫn độ, tuyên bố chính quyền của bà đã có những nhượng bộ lớn để bảo vệ quyền con người.

Tai sao du luat dan do sang Trung Quoc anh 3
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà trụ sở cơ quan lập pháp và hành chính Hong Kong vào rạng sáng ngày 10/6. Ảnh: AFP.

Cảnh sát Hong Kong cũng cho biết họ sẽ điều tra, truy tìm một số người biểu tình có xu hướng bạo lực trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài tòa nhà Legco rạng sáng ngày 10/6.

Những người biểu tình cũng không hề xuống nước, tuyên bố sẽ lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình mới vào ngày 12/6, bên cạnh những lời kêu gọi cho một cuộc tổng đình công toàn thành phố.

Bắc Kinh cũng đưa ra những tuyên bố của riêng mình, cáo buộc các "sự can thiệp của nước ngoài" đang cố gắng phá vỡ một bộ luật "hợp lý, hợp pháp".

Biểu tình kỷ lục ở Hong Kong trước nỗi sợ ảnh hưởng Trung Quốc

Hơn 1 triệu người Hong Kong đã xuống đường ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền mà họ cho rằng sẽ làm tổn hại quyền tự do của thành phố, tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Báo TQ lên án 'thế lực phương Tây' đứng sau biểu tình Hong Kong

Báo chí Trung Quốc cho rằng có sự can thiệp nước ngoài đằng sau cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong hôm 9/6, cáo buộc các nhà hoạt động đối lập "thông đồng với phương Tây".

Sơn Trần

(theo AFP)

Bạn có thể quan tâm