Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biểu tình lịch sử ở Hong Kong và nỗi sợ tự do bị xói mòn

Cuộc biểu tình lớn kỷ lục ở Hong Kong phản chiếu nỗi sợ hãi và giận dữ của người dân đặc khu hành chính này trước sự xói mòn các quyền tự do dân sự vốn có của họ.

Hàng trăm nghìn người chen kín các đường phố đông đúc ở Hong Kong trong cuộc biểu tình lớn chống lại kế hoạch của chính phủ cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.

New York Times nhận định sự kiện hôm 9/6 là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử thành phố, sự thể hiện nỗi sợ hãi và giận dữ đang gia tăng trước việc các quyền tự do dân sự, thứ vốn khiến Hong Kong tách biệt với phần còn lại của đại lục, đang bị xói mòn.

Các nhà tổ chức cho biết họ thống kê được hơn một triệu người trên đường phố, tức gần 1/7 dân số Hong Kong.

bieu tinh o Hong Kong anh 1
Đám đông quá lớn vào ngày 9/6 tại Hong Kong đến nỗi nhiều người biểu tình nói rằng họ bị mắc kẹt trong các ga tàu điện ngầm. Ảnh: New York Times.

Cuộc biểu tình gợi nhắc phong trào Dù vàng cách đây 5 năm từng làm tê liệt một số khu thương mại chính của thành phố. Phong trào đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu cho thành phố, không thuyết phục được chính quyền đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào. 

Kể từ đó, đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc đã dần dần gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với Hong Kong. Các nhà phê bình nói rằng những người ủng hộ Bắc Kinh đang làm suy yếu sự độc lập của tòa án và báo chí của đặc khu.

Theo New York Times, áp lực đối với Hong Kong phản ánh việc siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát trên khắp Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nỗi thất vọng của người Hong Kong

Đám đông người biểu tình kéo dài nhiều km thể hiện sự phẫn nộ đối với giới lãnh đạo, nó ẩn chứa một cuộc khủng hoảng chính trị tiềm tàng đối với Bắc Kinh và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhà lãnh đạo được lựa chọn để quản lý Hong Kong.

Trọng tâm trước mắt của cuộc biểu tình là dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, điều mà các nhà phê bình lo ngại chính quyền sẽ sử dụng để gửi các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động và những người khác ở Hong Kong, tới đối mặt với tòa án ở đại lục.

Bất chấp đám đông biểu tình, cả Bắc Kinh và chính quyền Hong Kong đều không cho thấy bất kỳ sự sẵn lòng nào để nhượng bộ. Các quan chức xác nhận hội đồng lập pháp của đặc khu sẽ xem xét dự luật lần thứ hai vào ngày 12/6 như dự kiến.

bieu tinh o Hong Kong anh 2
Một số người biểu tình đẩy hàng rào kim loại vào cảnh sát bị đáp trả bằng bình xịt hơi cay. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, cuộc biểu tình cũng cho thấy nỗi thất vọng lớn với sự xâm lấn ngày càng tăng của Bắc Kinh vào quyền tự trị mà họ đã hứa với Hong Kong khi thành phố được trao trả vào năm 1997.

Trong những năm gần đây, cảnh sát Trung Quốc đại lục đã được phép hoạt động tại một phần của nhà ga xe lửa mới nối Hong Kong với mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc. 

Một dự thảo luật trừng phạt sự thiếu tôn trọng đối với quốc ca Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại về tự do ngôn luận tại Hong Kong, nơi có những cổ động viên bóng đá sẽ la ó khi quốc ca của Trung Quốc được phát lên tại sân vận động. Nhiều hiệu sách đã ngừng bán các ấn phẩm chỉ trích giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Phần lớn cuộc biểu tình ngày 9/6 diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ bùng phát vào buổi tối gần các văn phòng của chính quyền khi những người biểu tình bị kìm chân trên một số đường phố kêu gọi cảnh sát giải phóng nhiều làn đường hơn.

Khoảng 1 giờ sáng 10/6, rất lâu sau khi hầu hết người biểu tình đã rời đi, cảnh sát chống bạo động với mũ bảo hiểm và khiên di chuyển đến để loại bỏ vài trăm người đang cố chiếm một khu vực trước cơ quan lập pháp Hong Kong. Một số người biểu tình đã đẩy hàng rào kim loại, ném chai và gậy vào cảnh sát.

Cảnh sát đã bắt giữ, sử dụng bình xịt hơi cay, đánh người dân bằng dùi cui và đẩy người biểu tình ra khỏi khu phức hợp chính quyền.

bieu tinh o Hong Kong anh 3
Nhiều người mặc màu trắng như biểu tượng của công lý và cũng là tang tóc trong văn hóa Trung Hoa. Ảnh: New York Times.

Một số người biểu tình sau đó đã tạm thời chặn một phần của đường Gloucester, con đường lớn từng bị chiếm đóng trong Phong trào Dù vàng năm 2014. Các cuộc đụng độ tiếp tục vào sáng sớm 10/6, với cả người biểu tình và cảnh sát bị thương.

Chính quyền không nhượng bộ

Bất chấp quy mô của các cuộc biểu tình, chính phủ dường như không bị ảnh hưởng. Ivan Choy, giảng viên cao cấp của Khoa Chính quyền và Hành chính Công tại Đại học Hong Kong, cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ủng hộ bà Lâm thực thi dự luật.

"Hầu hết mọi người đều biết thực tế này nhưng họ muốn cho thế giới thấy rằng luật này không phải là ý chí của công chúng Hong Kong", ông nói.

Cuối ngày 9/6, đáp lại các cuộc biểu tình, chính quyền cho biết dự luật sẽ ngăn Hong Kong trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ trốn nã. Trong khi cam kết "tiếp tục quan tâm, lắng nghe và xoa dịu những lo ngại", tuyên bố này cho thấy chính quyền sẽ thúc đẩy dự luật.

bieu tinh o Hong Kong anh 4
Các nhà tổ chức cho biết hơn một triệu người đã tham gia cuộc biểu tình, mặc dù cảnh sát cho biết con số này là 240.000 vào lúc cao điểm nhất. Ảnh: New York Times.

Dự luật sẽ cho phép nghi phạm trong một số vụ án hình sự được chuyển sang các khu vực tài phán mà Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ chính thức. Mục tiêu trước mắt là cho phép chính phủ đưa một người đàn ông Hong Kong đến Đài Loan, nơi anh ta bị buộc tội giết bạn gái.

Tuy nhiên, luật cũng lần đầu tiên cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, nơi với rất ít cơ hội để kháng cáo.

Luật không bao gồm các tội phạm chính trị nhưng nhiều người lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng các tội danh như hối lộ để nhắm vào những người đã chọc giận các quan chức đại lục.

Thôi thúc xuống đường

Đảng Cộng sản hứa duy trì "mức độ tự trị cao" cho Hong Kong khi Anh trả lãnh thổ về Trung Quốc vào năm 1997 nhưng nhiều người cảm thấy rằng các quyền tự do của thành phố đã dần bị xói mòn, dù thời hạn cho các quyền này, 50 năm kể từ khi trao trả, vẫn chưa kết thúc.

Những người trẻ và các gia đình là thành phần nổi bật trong đám đông. Bố mẹ bế con và dắt theo trẻ nhỏ tham gia biểu tình.

Cuộc biểu tình cũng thu hút những người thường đứng bên lề. Lee Kin Long, 46 tuổi, cho biết ông và vợ cảm thấy cần phải tham dự.

"Luật này nguy hiểm không chỉ đối với các nhà hoạt động. Chúng tôi không phải là nhà hoạt động. Ngay cả khi là công dân bình thường, chúng tôi không thể đứng nhìn Trung Quốc làm xói mòn tự do của chúng tôi", ông nói.

bieu tinh o Hong Kong anh 5
Những người biểu tình khởi hành từ công viên Victoria vào buổi chiều giữa thời tiết nắng nóng và những cơn mưa rải rác. Ảnh: New York Times.

Sự phản đối dự luật đã diễn ra trong nhiều tuần, bao gồm vụ ẩu đả giữa các nhà lập pháp và cuộc biểu tình hồi tháng 4 với quy mô lớn nhất trong 5 năm.

Các hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ lo ngại rằng dự luật này sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của Hong Kong như trung tâm tài chính. Các nhóm tự do báo chí cũng phản đối với lập luận rằng các nhà báo thường xuyên bị giam giữ ở Trung Quốc.

Hôm 6/6, để phản đối dự luật, các luật sư ở Hong Kong đã mặc đồ đen trong cuộc tuần hành im lặng. Một thẩm phán tòa án cấp cao đã bị chánh án thành phố khiển trách sau khi ký vào bản kiến nghị do cựu sinh viên Đại học Hong Kong tổ chức.

Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ nói rằng nếu chính quyền không nhượng bộ, dự luật này có thể được thông qua tại cơ quan lập pháp Hong Kong, nơi các nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh nắm giữ 43/70 ghế. Chỉ một nửa số ghế trong hội đồng này được bầu bằng phiếu phổ thông.

Báo TQ lên án 'thế lực phương Tây' đứng sau biểu tình Hong Kong

Báo chí Trung Quốc cho rằng có sự can thiệp nước ngoài đằng sau cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong hôm 9/6, cáo buộc các nhà hoạt động đối lập "thông đồng với phương Tây".

Biểu tình kỷ lục ở Hong Kong trước nỗi sợ ảnh hưởng Trung Quốc

Hơn 1 triệu người Hong Kong đã xuống đường ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền mà họ cho rằng sẽ làm tổn hại quyền tự do của thành phố, tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.


Tuyết Mai

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm