Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf USS Connecticut. Ảnh: Hải quân Mỹ/TNS. |
Trong khu vực, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Myanmar đã có tàu ngầm, trong khi Thái Lan và Philippines đang trong quá trình mua, South China Morning Post đưa tin ngày 28/12.
Đầu tháng 12, Singapore đã bắt tay vào giai đoạn phát triển tàu ngầm tiếp theo với các tàu ngầm lớp Invincible mới được sản xuất tại Đức.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng với vị thế là một quốc gia biển, lực lượng hải quân của Singapore có sứ mệnh quan trọng là đảm bảo sự sống còn và duy trì các tuyến liên lạc trên biển.
Vào tháng 2, Indonesia đã ký một thỏa thuận với Pháp để hợp tác đóng hai tàu ngầm Scorpène. Các phương tiện dưới nước được cho là có thế mạnh trong việc thoát khỏi tầm quan sát, cực kỳ nhanh và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống tàu mặt nước và tấn công tầm xa.
Hải quân Philippines kể từ năm ngoái đã tìm mua chiếc tàu ngầm đầu tiên. Pháp được cho là đã đề nghị hai trong số các tàu ngầm hiệu suất cao của nước này để đổi lấy quyền khám phá “vùng biển chủ quyền” của quốc gia Đông Nam Á.
Aristyo Darmawan, giảng viên luật quốc tế tại Đại học Indonesia, tin rằng việc các nước Đông Nam Á mua tàu ngầm ngày càng tăng là do sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ có khoảng 66 tàu ngầm, trong đó có hơn 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân.
Trung Quốc được cho là sở hữu 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 46 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2021.
Ông Darmawan cho rằng việc các nước Đông Nam Á cố gắng mua tàu ngầm là “hợp lý và cần thiết” vì khu vực này nằm trên các tuyến hàng hải chiến lược với lưu lượng giao thông đông đúc.
Đối với Indonesia, vị giáo sư cho biết việc mua tàu ngầm luôn là mối quan tâm đặc biệt sau vụ chìm tàu ngầm KRI Nanggala-402 ngoài khơi bờ biển Bali vào tháng 4/2021. Vụ việc được cho là đã đặt ra câu hỏi về tình trạng của quân đội đất nước và tính sẵn sàng của họ.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.