Tàu ngầm USS Nebraska thử tên lửa Trident II. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Reuters cho biết quyết định này giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp lại lời kêu gọi từ đảng Dân chủ về việc giảm kho vũ khí hạt nhân, song vẫn không làm giảm đi năng lực của "bộ ba hạt nhân" trên đất liền, trên không và trên biển.
Dưới chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2018, quân đội Mỹ đã có kế hoạch phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển (SLCM) mẫu mới.
Tuy vậy, chính quyền Biden cho biết kế hoạch này là không cần thiết khi Mỹ đã có đủ "phương tiện để ngăn chặn việc sử dụng hạt nhân hạn chế".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley khẳng định ông vẫn ủng hộ dự án phát triển SLCM và tin rằng Mỹ cần có nhiều lựa chọn.
Mỹ thử tên lửa Trident II từ tàu ngầm lớp Ohio ngoài khơi Florida năm 2018. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Khi được hỏi có ai ủng hộ kế hoạch hủy phát triển SLCM, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết "tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe".
Quan chức này nói thêm chương trình bị hủy vì ngay cả khi nó được tài trợ đầy đủ, tên lửa cũng chưa thể triển khai cho đến năm 2035.
Một chương trình từ chính quyền Trump vẫn còn được giữ lại là chương trình phát triển tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm công suất thấp, được quân đội Mỹ triển khai vào năm 2020.
Hôm 27/10, Lầu Năm Góc đã công bố 3 tài liệu, bao gồm Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, Đánh giá Vai trò Hạt nhân và Đánh giá Phòng thủ Tên lửa - nhằm đưa ra ưu tiên của quân đội Mỹ trong những năm tới.