Qua hiệp ước Glasgow, 197 quốc gia thành viên trong hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”, Financial Times đưa tin ngày 14/11.
Theo New Scientist, những cam kết tại COP26 được cho là sẽ khiến Trái Đất ấm lên 2,4 độ C trong thế kỷ này, tốt hơn so với mức 2,7 độ C được dự đoán trước khi hội nghị diễn ra. Tuy nhiên, mức tăng này cao hơn nhiều so với mục tiêu chung là 1,5 độ C và vẫn sẽ gây ra các tác động khí hậu cực đoan.
Đại diện các nước chụp hình vào cuối hội nghị COP26. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, các nước cũng cùng đồng ý sẽ quay trở lại bàn đàm phán vào năm sau ở một hội nghị tại Ai Cập và xem xét lại quy hoạch quốc gia nhằm hướng tới tăng cường tham vọng cắt giảm khí nhà kính, Guardian đưa tin.
“Chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã duy trì sự sống của mục tiêu 1,5 độ C. Nhưng mục tiêu này đang thoi thóp và sẽ chỉ sống sót nếu chúng ta giữ lời hứa và chuyển cam kết thành hành động nhanh chóng”, Chủ tịch COP26 Alok Sharma nói.
Một trong những bất đồng sâu sắc nhất trong những giờ đàm phán sau cuối liên quan tới vấn đề điện than. Cuối cùng, các nước đồng ý giảm nhẹ ngôn ngữ từ “loại bỏ điện than” xuống còn “giảm dần điện than”.
Dù vậy, đây vẫn được coi là bước tiến lịch sử vì than và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch chưa bao giờ được chỉ đích danh trong 26 năm đàm phán về khí hậu tại Liên Hợp Quốc.
COP26 cũng giải quyết các vấn đề kỹ thuật từng ngăn cản việc thực thi một số khía cạnh của Hiệp định Paris, như việc mua bán phát thải carbon và “mức độ minh bạch” trong việc các nước giám sát và báo cáo lượng phát thải của mình.