Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 21/7 đã diễn ra Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN và ARF.
Hội nghị có sự tham dự của đại biểu 27 nước/tổ chức tham gia ARF và đại diện Ban thư ký ASEAN.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã kiểm điểm hoạt động của ARF trong năm giữa kỳ 2020-2021.
Trong bối cảnh hoạt động ARF bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19, nhiều hoạt động, cuộc họp đã bị hoãn hoặc huỷ, các nước đánh giá cao việc Chủ tịch Việt Nam đã sớm đề xuất các biện pháp khẩn cấp, nhờ đó giúp duy trì đà đối thoại, hợp tác trong ARF.
Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Các nước nhất trí điều chỉnh linh hoạt các chương trình, kế hoạch đã có, bảo đảm hoạt động của các nhóm công tác, và xây dựng kế hoạch công tác cho giai đoạn sắp tới nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên về cứu trợ thảm hoạ, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến và giải trừ vũ khí huỷ diệt, an ninh biển và an ninh công nghệ thông tin…
Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF lần thứ 27, hội nghị đã hoàn tất dự thảo Kế hoạch hành động Hà Nội II của ARF, trong đó đề ra định hướng, biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin trong giai đoạn 2020-2025.
Hội nghị cũng xem xét và nhất trí tiếp tục hoàn tất để trình các Bộ trưởng thông qua dự thảo các Tuyên bố về hợp tác ngăn ngừa và phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm, ngăn ngừa việc các tổ chức khủng bố tuyển mộ trẻ em, bảo đảm an ninh kinh tế số, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các đại biểu đều nhấn mạnh những thách thức chung mà thế giới và khu vực đang phải đối mặt, trong đó có dịch Covid-19, căng thẳng và cạnh tranh gia tăng giữa các nước lớn, cùng nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh mạng, thiên tai và biến đổi khí hậu.
Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng đang có chiều hướng gia tăng tại một số điểm nóng như Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Trung Đông.
Về Biển Đông, nhiều nước thể hiện quan ngại trước những diễn biến và vụ việc phức tạp vừa qua, như gia tăng quân sự hoá, quấy rối, cản trợ hoạt động kinh tế bình thường của những nước ven biển, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, gây phương hại tới hoà bình, an ninh khu vực.
Trước tình hình này, các nước nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; kêu gọi thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển.
Nhiều nước hoan nghênh và đánh giá cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông thể hiện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vừa qua.
Trong phát biểu và điều hành thảo luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh chiến lược khu vực và quốc tế đang có những chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, ARF cần tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn chủ chốt để các nước tăng cường đối thoại, đoàn kết và hợp tác nhằm ứng phó hữu hiệu với những thách thức nảy sinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Việt Nam đề xuất Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF 27 sắp tới ra Tuyên bố về hợp tác ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, qua đó vừa khẳng định quyết tâm chính trị, vừa đề ra những biện pháp hợp tác cụ thể nhằm tăng cường hợp tác nhằm ứng phó hữu hiệu với dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng đề xuất các nước xem xét, hoàn tất Kế hoạch hành động Hà Nội II của ARF nhằm đề ra những định hướng hợp tác cho diễn đàn trong giai đoạn 2020-2025. Với mục đích cải tiến phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của ARF, theo sáng kiến của Việt Nam, ASEAN đang khẩn trương hoàn tất tài liệu hướng dẫn nhằm hệ thống hoá và chuẩn hoá các quy trình, thủ tục trong ARF.
Về tình hình Biển Đông, chia sẻ quan điểm của nhiều nước, Thứ trưởng nhấn mạnh duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và quan tâm chung của tất cả các nước.
Thứ trưởng cho biết trước những diễn biến phức tạp, gây quan ngại vừa qua ở Biển Đông, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, ASEAN đã khẳng định lại lập trường nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, không quân sự hoá, không có các hành động làm phức tạp tranh chấp và gia tăng căng thẳng, đặc biệt cần đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển; khẳng định Công ước Luật biển 1982 đã tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương mà tất các quốc gia phải tuân thủ.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các nước ủng hộ lập trường của ASEAN và cùng chung tay đóng góp tích cực duy trì hoà bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông.