Theo Wall Street Journal, kể từ đầu năm đến nay, giới đầu tư đã đổ hơn 2 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ tại Mỹ để mua cổ phiếu Trung Quốc. Dòng vốn này duy trì trong 5 tuần liên tiếp và đã đảo ngược xu hướng của nửa cuối năm ngoái, khi nhà đầu tư rút về gần 1 tỷ USD.
Nguyên nhân là Trung Quốc đã mở cửa lại biên giới kể từ đầu tháng 1, sau khi chấm dứt chính sách Zero Covid, điều này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện giá cổ phiếu Trung Quốc đã phục hồi khi các nhà đầu tư cố gắng nắm bắt cơ hội từ đợt mở cửa trở lại, tương tự xu hướng tại Mỹ vào năm 2020 và 2021.
Chỉ số MSCI China Index - theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, Hong Kong và đại lục - đã tăng khoảng 45% so với mức đáy vào tháng 10/2022. Trên sàn London, chỉ số giỏ hàng hóa gồm nhôm, đồng, chì, kẽm, thiếc và niken vừa trải qua tháng 1 tốt nhất trong hơn 10 năm trở lại.
Chứng khoán Trung Quốc dần hồi phục khi nhà đầu tư toàn cầu cố gắng nắm bắt cơ hội mở cửa. Ảnh: Qilai Shen. |
Tiềm năng tăng trưởng mạnh
"Triển vọng tăng trưởng thị trường ở Trung Quốc và một số khu vực châu Á hấp dẫn hơn so với ở Mỹ", ông Jason Draho - Trưởng bộ phận Phân bổ tài sản châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management - nhận định.
Chứng khoán và trái phiếu Mỹ đã tăng điểm vào đầu năm 2023, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại tâm lý thị trường có thể đang thay đổi và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập của các công ty Mỹ dự kiến chậm lại trong năm nay do chính sách thắt chặt của Fed khiến nền kinh tế bấp bênh. "Tôi nghĩ tiềm năng tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp Trung Quốc cao hơn đáng kể so với mức không đổi hoặc giảm trong năm nay ở Mỹ", ông Draho cho biết.
Những tuần gần đây, các nhà kinh tế bắt đầu kỳ vọng trở lại vào tăng trưởng Trung Quốc khi có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang tiếp tục chi tiêu tại các nhà hàng, quán bar, cũng như đi lại bằng tàu điện ngầm.
Fitch Ratings vừa nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 từ 4,1% lên 5% và chỉ ra bằng chứng cho thấy tiêu dùng đang phục hồi nhanh hơn dự kiến. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu với lý do hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Đầu tư quốc tế hưởng lợi
Mặc dù một số nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu Trung Quốc không còn là lựa chọn hàng đầu, họ thừa nhận nó vẫn hấp dẫn ở tiềm năng thu nhập tăng trưởng. Ví dụ, chỉ số P/E (giá/lợi nhuận) dự kiến trong năm 2023 của Alibaba là 12,3, trong khi con số này đối với chỉ số Hang Seng là 10,2 còn S&P 500 là 18,4.
Áp lực quản lý đối với Alibaba, Tencent và các công ty công nghệ cũng đang giảm khi cơ quan quản lý kiểm toán Mỹ đã có quyền truy cập đầy đủ vào các tài liệu của công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, giảm nguy cơ phải hủy niêm yết của các chủ thể này.
Sau thông báo này, chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Alibaba đã tăng 18%, trong khi Tencent tăng 13%.
Cổ phiếu nhiều công ty toàn cầu cũng hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa. Ảnh: Jerome Favre. |
Cổ phiếu một số công ty quốc tế có nhiều hoạt động tại Trung Quốc như LVMH, MGM Resorts International, Volkswagen hay Apple cũng chứng kiến đà tăng sau khi quốc gia này mở cửa.
Cùng với đó, mặt hàng nguyên liệu thô cũng khởi động một đợt tăng giá mạnh vì Trung Quốc là nhà tiêu thụ nguyên liệu lớn nhất thế giới. Giá đồng tương lai tại Mỹ đã có tháng 1 tốt nhất kể từ năm 2003, còn giá nhôm, kẽm và thiếc trên sàn London cũng tăng lần lượt 1,5%, 4,2% và 11% kể từ 1/1.
Bất chấp triển vọng tốt, một số nhà đầu tư Mỹ vẫn cảnh giác và chưa sẵn sàng quay lại thị trường Trung Quốc. "Chắc chắn có cơ hội, nhưng tôi nghĩ đó là giao dịch (trading - PV) chứ không phải đầu tư", bà Nancy Tengler - Giám đốc đầu tư của Laffer Tengler Investments - nhận định.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...