Trong giai đoạn tháng 7-9 vừa qua, giá hầu hết mặt hàng xăng dầu đều tăng liên tục. Trong đó, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 tăng từ 19.760 đồng/lít và 20.916 đồng/lít lên lần lượt 20.716 đồng/lít và 21.945 đồng/lít.
Tính đến cuối quý III, giá xăng E5 RON 92 tăng khoảng 956 đồng/lít và xăng RON 95 tăng 1.029 đồng/lít, đều cao hơn gần 5% so với giá bán lẻ hồi cuối tháng 6.
Tuy nhiên, bất chấp xu hướng tăng của giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lại ghi nhận kết quả kinh doanh thấp trong giai đoạn này.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý III của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) cho biết doanh nghiệp nắm hơn 50% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước vừa trải qua quý kinh doanh kém hiệu quả nhất từ đầu năm.
Trong đó, nhà bán lẻ xăng dầu này vẫn ghi nhận 34,625 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý vừa qua, cao hơn 26% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu khiến lãi gộp của Petrolimex giảm 35% trong quý III, đạt 2.036 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng thu hẹp từ mức 11,4% của cùng kỳ xuống 5,9% trong năm nay.
KẾT QUẢ KINH DOANH GẦN ĐÂY CỦA PETROLIMEX | ||||||||||||
Nguồn: BCTC DN | ||||||||||||
Nhãn | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | III | |
Lợi nhuận sau thuế | tỷ đồng | 1294 | 1251 | 1112 | 1132 | -1813 | 733 | 921 | 1007 | 736 | 1514 | 80 |
Trong bối cảnh lãi gộp giảm hơn 1.000 tỷ đồng, Petrolimex vẫn phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trang trải các chi phí phát sinh trong quý. Trong đó, riêng chi phi bán hàng đã là 1.925 tỷ và gần 40% số này là chi phí cho nhân viên.
Kết quả là nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước chỉ thu về 112 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III, giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong 6 quý gần đây của Petrolimex.
Lãi ròng sau khi trừ thuế công ty thu về được là 80 tỷ đồng, cũng giảm 91%.
Theo lãnh đạo tập đoàn, lợi nhuận hợp nhất sụt giảm mạnh trong quý vừa qua có nguyên nhân từ kết quả kinh doanh kém hiệu quả của công ty mẹ - Petrolimex và các công ty thành viên.
Trong đó, sản lượng kinh doanh xăng dầu của công ty mẹ sụt giảm mạnh trong quý vừa qua, chỉ bằng 77% so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4 và nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 16.
Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các công ty con trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay, kho, hóa dầu… trong quý.
Giá xăng dầu tăng trong quý III nhưng hầu hết doanh nghiệp bán lẻ mặt hàng này vẫn gặp khó vì giá vốn cao. Ảnh: T.L. |
Cũng trong quý III, giá dầu biến động không ổn định dẫn đến lãi gộp của công ty mẹ sụt giảm, trong khi lợi nhuận từ các công ty công ty liên doanh liên kết cũng giảm trong giai đoạn này.
Cũng là một trong những nhà bán lẻ xăng dầu lớn tại thị trường trong nước, Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Thalexim (TLP) thậm chí còn chịu thua lỗ trong quý vừa qua.
Trong 3 tháng gần nhất, Thalexim vẫn ghi nhận 1.689 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn giảm thấp hơn khiến lãi gộp của công ty này chỉ đạt 49 tỷ đồng, giảm đến 66% so với cùng kỳ.
Đã tiết giảm đáng kể các chi phí phát sinh trong kỳ nhưng Thalexim vẫn chịu khoản lỗ ròng 8 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi dương 17 tỷ. Đây đã là quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp của “ông lớn” xăng dầu khu vực miền Trung này, sau khoản lỗ ròng 23 tỷ ở quý II trước đó.
Nhà bán lẻ xăng dầu ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhất trong quý III này chính là PV Oil với khoản lãi ròng 57 tỷ đồng, tăng 443% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là quý kinh doanh kém hiệu quả nhất từ đầu năm của công ty.
Thậm chí, lãnh đạo PV Oil còn cho biết trong 2 tháng 7 và 8 trước đó, công ty này thường xuyên hoạt động trong tình trạng thua lỗ do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và các quy định giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.